Một số ý kiến nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về đánh giá môi trường chiến lược ở Việt Nam hiện nay

GVCC. VŨ QUANG (Viện Kinh tế và Quản lý - Trường Đại học Bách khoa Hà Nội)

TÓM TẮT:

Hoạt động đánh giá tác động môi trường nói chung và hoạt động đánh giá môi trường chiến lược nói riêng có tầm quan trọng rất to lớn trong việc bảo vệ môi trường, giúp thực hiện tốt mục tiêu phát triển bền vững. Qua 3 lần ban hành (các năm 1993, 2005 và 2014), Luật Bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập, cần phải được khắc phục. Qua đó cần xem xét, nghiên cứu, phân tích và đánh giá các quy định pháp luật về đánh giá tác động môi trường, từ đó đề xuất các giải pháp mang tính khuyến nghị nhằm hoàn thiện chế định đánh giá tác động môi trường là mục tiêu chính của bài viết này.

Từ khóa: Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ môi trường, đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược.

1. Đặt vấn đề

Từ thực tiễn khách quan của sự phát triển đất nước và trên cơ sở kinh nghiệm của các quốc gia có nền kinh tế thị trường lâu đời như Hoa Kỳ, các nước Tây Âu, Nhật Bản,… Việt Nam đã lựa chọn sự phát triển bền vững cho mình. Trong đó, sự phát triển kinh tế phải luôn đi liền và gắn kết hài hòa với mục tiêu bảo vệ môi trường và đảm bảo tốt các vấn đề xã hội như an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, ngăn chặn, phòng ngừa, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội và suy thoái đạo đức, thuần phong, mỹ tục,… những điều vẫn được hiểu như là hệ quả của quá trình phát triển nóng về kinh tế và đời sống vật chất.

Để thực hiện được chính sách và mục tiêu phát triển bền vững, ngay từ những năm đầu của quá trình đổi mới, chúng ta đã ban hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có quy định về đánh giá tác động môi trường nhằm cụ thể hóa nguyên tắc phòng ngừa hơn khắc phục([1]). Mặc dù còn là quy định chung, khả năng thực hiện thấp nhưng quy định này có ý nghĩa quan trọng cho việc hình thành chế định pháp luật về đánh giá tác động môi trường sau này([2]). Đến thời điểm hiện nay, chế định pháp luật về đánh giá tác động môi trường đã trở thành một trong các chế định trọng tâm trong pháp luật bảo vệ môi trường nước ta với hệ thống các quy định rất cụ thể, đầy đủ và có tính khả thi cao. Chế định pháp luật về đánh giá tác động môi trường được xây dựng dựa trên cơ sở quá trình phát triển kinh tế - xã hội và các ngành, lĩnh vực cụ thể của đất nước, được phân chia thành đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư cụ thể (thường được liệt kê trong một danh mục ban hành kèm theo văn bản pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành) và cuối cùng là Cam kết bảo vệ môi trường([3]) (CBM) trước đây hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường (KBM) hiện nay, cùng với Kiểm toán môi trường, nhằm quản lý môi trường cũng như ràng buộc trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có khả năng ảnh hưởng không lớn đến môi trường([4]).

Có thể thấy rằng, các quy định về đánh giá tác động môi trường nói chung và đặc biệt là các quy định về đánh giá môi trường chiến lược nói riêng đã và đang ngày càng được hoàn thiện, đóng góp không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường và thực hiện chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay và những thập kỷ tiếp theo, nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn mạnh và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, các vấn đề về môi trường sẽ phát sinh càng nhiều về số lượng với phạm vi rất rộng và phức tạp về tính chất đòi hỏi các quy định về đánh giá môi trường chiến lược phải được đầy đủ, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn và có hiệu quả điều chỉnh cao nhất. Việc xem xét, nghiên cứu nhằm đóng góp những ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung những quy định các quy định đó là rất cần thiết và hữu ích.

2. Tình hình nghiên cứu về chế định ĐMC

Chế định về đánh giá môi trường chiến lược được nhiều nhà khoa học môi trường, khoa học pháp lý, khoa học quản lý,… quan tâm nghiên cứu trong hơn nửa thế kỷ đã qua.

Dưới góc độ khoa học môi trường và khoa học pháp lý, ở trong nước, đã có nhiều công trình công bố có liên quan đến ĐMC như các công trình chuyên khảo “Đánh giá tác động môi trường - Phương pháp luận và kinh nghiệm thực tiễn” (Lê Thạc Cán, Nhà Xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà Nội, 1995), “Đánh giá tác động môi trường.” (Hoàng Xuân Cơ và những người khác, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000), “Đánh giá tác động môi trường các dự án phát triển - Quy trình và hướng dẫn kỹ thuật” (Trần Văn Ý và những người khác, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội, 2006). Đây là những kết quả nghiên cứu lý thuyết mang tính chất cơ sở, nền tảng về ĐMC, được các nhà khoa học đầu ngành về môi trường thực hiện với nội dung đề cập khá căn bản và toàn diện các vấn đề của ĐTM nói chung và ĐMC nói riêng.

Muộn hơn, có các công trình chuyên sâu đến từng nội dung của ĐTM và ĐMC, như: “Các kết quả, hạn chế chính của ĐMC, ĐTM và kiến nghị tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các nội dung này trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2013”([5]) (Lê Trình, Hà Nội, 2013), “Công tác đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường ở các quốc gia Ðông Bắc Á và khuyến nghị cho Việt Nam”([6]) (Lê Trình, Tạp chí Môi trường, số 3/2014), “Đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và sự phát triển của ĐMC ở Việt Nam”([7]) (Trương Việt Trường, 2012), “Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam”([8]) (Mai Thế Toản, Kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ Tài nguyên môi trường, Hà Nội, 2015), “ĐMC và ĐTM trong phòng ngừa, quản lý rủi ro môi trường”([9]) (Trần Thanh Thủy, 2017).

Ở nước ngoài, có nhiều nghiên cứu về ĐMC, có thể dẫn một số công trình như, “Vận dụng các nguyên tắc Tham gia cộng đồng trong ĐTM” (Cheryl Wasserman, Jakarta, 2012) và một số nghiên cứu khác.

Về cơ bản, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước về ĐMC đều là những nghiên cứu lý thuyết, mang tính học thuật rất cao. Không nhiều những nghiên cứu nhằm phân tích, đánh giá các quy định pháp luật về ĐMC cũng như việc thực thi chúng trong thực tiễn để từ đó xây dựng, ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật. Hơn nữa, những nghiên cứu nói trên được tiến hành tương đối xa thời điểm hiện tại, trong khi các vấn đề về ĐMC đang phát sinh trong thực tiễn cuộc sống có nhiều khác biệt so với trước đây và đang đòi hỏi cấp bách phải giải quyết.

3. Một số giả thuyết nghiên cứu

Thứ nhất, nội dung các quy định pháp luật về ĐMC trong Luật Bảo vệ môi trường 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa cụ thể, chưa đầy đủ, thiếu tính khả thi.

Thứ hai, qua thực tiễn thực hiện, các quy định pháp luật về ĐMC đã và đang bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập và mâu thuẫn.

Các vấn đề thảo luận

Về chủ thể thực hiện ĐMC. Trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK - Đối tượng của ĐMC) là của các cơ quan nhà nước mà cụ thể là Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ và UBND cấp tỉnh. Ngoài hoạt động quy hoạch đã được quy định rõ([10]), còn lại các vấn đề liên quan đến Chiến lược và Kế hoạch tầm vĩ mô, mang tính quốc gia, vùng và liên tỉnh, liên khu vực thì chưa được quy định thống nhất. Tuy vậy có thể thấy, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ đã được phân định, đối với việc xây dựng, thẩm định, ban hành và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tầm vĩ mô, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND cấp tỉnh sẽ thành lập các cơ quan giúp việc để thực hiện. Ví dụ trong hoạt động quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch được quy định là cơ quan, tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh giao trách nhiệm lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia([11]). Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch nêu trên có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược([12]).

Về đối tượng của ĐMC. Các đối tượng phải thực hiện ĐMC gồm([13]):

Một là: Chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế - xã hội, vùng kinh tế trọng điểm, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế;

Hai là: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt;

Ba là: Chiến lược, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp([14]). Ở đây phải hiểu rõ chiến lược, quy hoạch phát triển đó là Chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia phát triển hệ thống các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp như đã được hướng dẫn bằng các văn bản quy định dưới luật([15]).

Bốn là: Chiến lược, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên quy mô từ 2 tỉnh trở lên;

Năm là: Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quy mô quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh có tác động lớn đến môi trường. Cụ thể, có 8 loại Chiến lược([16]):

+ Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cấp quốc gia;

+ Chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực cấp quốc gia về công nghiệp, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, du lịch, y tế;

+ Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành điện, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân; khai thác dầu khí, lọc hóa dầu; giấy; công nghiệp hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; cao su; dệt may; xi măng; thép; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản;

+ Chiến lược, quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chăn nuôi;

+ Chiến lược, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường sông, cảng, hàng không;

+ Chiến lược, quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị; quy hoạch vật liệu xây dựng;

+ Chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, sân golf;

+ Chiến lược, quy hoạch phát triển mạng lưới khám chữa bệnh.

Và 9 loại Quy hoạch phải tiến hành ĐMC:

+ Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên tỉnh, vùng;

+ Quy hoạch phát triển thủy sản;

+ Quy hoạch phát triển thủy lợi;

+ Quy hoạch phát triển thủy điện;

+ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải;

+ Quy hoạch chung các đô thị;

+ Quy hoạch khai thác, chế biến khoáng sản;

+ Quy hoạch sử dụng đất;

+ Quy hoạch sử dụng tài nguyên, môi trường biển.

Sáu là: Điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của 5 đối tượng trên. Đó là:

+ Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc 5 nhóm trên mà chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trước thời điểm điều chỉnh;

+ Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc 5 nhóm trên mà tiềm ẩn tác động xấu đến môi trường do thực hiện phương án điều chỉnh.

Bảy là: Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác theo chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ([17]).

Như vậy, với các nhóm đối tượng từ 01 đến 5 và 7, có thể thấy phạm vi, quy mô và mức độ ảnh hưởng tới môi trường từ những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (CQK) đó rất rộng lớn, phức tạp và đa dạng. Riêng trường hợp thứ 6 là sự dự liệu khi 5 đối tượng có sự thay đổi về phạm vi, quy mô, tính chất, nội dung,… mà những thay đổi đó kéo theo những ảnh hưởng tới môi trường. Bởi vậy khi điều chỉnh phải tiến hành ĐMC.

Phân cấp thẩm định Báo cáo ĐMC. Việc phân cấp trách nhiệm tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được quy định:

- Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của mình và của Hội đồng nhân dân cùng cấp.

- Việc thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được tiến hành thông qua hội đồng thẩm định do thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thành lập.

Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược tổ chức điều tra, đánh giá thông tin trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức, chuyên gia có liên quan.

Vấn đề hậu thẩm định Báo cáo ĐMC. Cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch có trách nhiệm hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của hội đồng thẩm định.

Cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược báo cáo bằng văn bản kết quả thẩm định cho cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

4. Một số nhận xét, đánh giá

Qua phân tích và nghiên cứu một số vấn đề của chế định pháp luật về ĐMC, chúng tôi có một số nhận xét và đánh giá như sau:

Một là, Chủ thể tiến hành lập CQK cũng là người thực hiện ĐMC cho các CQK đó, từ tiến hành ĐMC, lập Báo cáo ĐMC và tiến hành thẩm định Báo cáo ĐMC. Rất khó để khẳng định rằng, mục tiêu bảo vệ môi trường nói chung, mục tiêu của ĐMC nói riêng có thể đạt được mà không bị mục tiêu phát triển kinh tế lấn át.

Hai là, Đối tượng của ĐMC là các Chiến lược và các Quy hoạch thường được chú ý và quan tâm nhiều hơn khi thực hiện lồng ghép với vấn đề bảo vệ môi trường nhưng trong các Kế hoạch phát triển, vấn đề môi trường thường bị bỏ qua([18]).

Ba là, Việc phân cấp thẩm định Báo cáo ĐMC theo quy định thì rất hợp lý song không/rất khó thực hiện trên thực tế khi mà Bộ Tài nguyên môi trường thẩm định các CQK do Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng phê duyệt. Các Bộ được phân cấp thẩm định các CQK do chính mình lập ra thì kết quả thẩm định thường là được thấy rõ trước khi thẩm định.

Bốn là, Thiếu hẳn các quy định về kiểm tra, kiểm soát, xác định trách nhiệm thực hiện ĐMC([19]). Có thể nói là “Tiền kiểm, hậu buông” trong trường hợp hậu thẩm định Báo cáo ĐMC là đúng.

5. Kết luận và các khuyến nghị

Hoạt động đánh giá môi trường chiến lược có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo đảm thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Nhận thức được điều đó cho nên trong suốt gần 3 thập niên qua, Nhà nước Việt Nam đã chú ý làm tốt việc xây dựng, ban hành và thực thi các quy định về ĐTM nói chung và ĐMC nói riêng. Kết quả thu được là rất tích cực. Công tác bảo vệ môi trường đạt được hiệu quả khả quan trong khi tăng trưởng kinh tế được giữ vững.

Tuy vậy, trước thực tiễn đa dạng và phức tạp của sự phát triển cũng như sự đòi hỏi cấp bách của hoạt động bảo vệ môi trường, các quy định về ĐMC đã và đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, bất cập và cần phải được quan tâm nghiên cứu hoàn thiện.

Trên cơ sở phân tích trên đây, chúng tôi khuyến nghị một số điểm sau đây cần phải được xem xét khi hoàn thiện các quy định về ĐMC.

Thứ nhất, Bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức độc lập trong việc thực hiện ĐMC, lập và thẩm định Báo cáo ĐMC nhằm đảm bảo tính khách quan và tránh sự lạm quyền trong hoạt động ĐMC.

Thứ hai, Bổ sung quy định về đối tượng ĐMC là các Kế hoạch phát triển cấp quốc gia, ngành, liên vùng, liên tỉnh.

Thứ ba, Sửa đổi quy định về phân cấp thẩm định Báo cáo ĐMC theo hướng khuyến khích các tổ chức khu vực tư nhân tham gia. Theo đó, quy định chặt chẽ, thống nhất và cụ thể chức năng, nhiệm vụ, điều kiện, trình tự, thủ tục và ràng buộc nghĩa vụ, chế tài trách nhiệm đối với các chủ thể này.

Thứ tư, Ban hành các quy định về hậu thẩm định Báo cáo ĐMC. Các quy định bao gồm nghĩa vụ giám sát, kiểm tra và thực thi chức năng quản lý nói chung của các cơ quan công quyền. Quy định chế tài nghiêm khắc đối với người đứng đầu cơ quan tổ chức có trách nhiệm thực hiện ĐMC.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1]. Xem Khoản 11 Điều 2, Luật Bảo vệ môi trường 1993.

[2]. Xem Chương III, Luật Bảo vệ môi trường 2005.

[3]. Xem Mục 3, Chương III, Luật Bảo vệ môi trường 2005.

[4]. Xem: Trương Việt Trường, Trung tâm Môi trường Công nghiệp, Viện KH&CN Mỏ =- Luyện Kim, Bộ Công Thương “Đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và sự phát triển của ĐMC ở Việt Nam”. http://cie.net.vn/vn/Thu-vien/Bao-cao-Nghien-cuu-MT. Chúng tôi đồng ý với cách phân chia này.

[5] .http://nature.org.vn/vn/wp-content/uploads/2015/03/27122013_BatcaptrongDMC_DTM.pdf

[6]. http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item

[7]. http://cie.net.vn/vn/Thu-vien/Bao-cao-Nghien-cuu-MT/DANH-GIA-MOI-TRUONG-CHIEN-LUOC-DMC-VA-SU-PHAT-TRIEN-CUA-DMC-O-VIET-NAM.aspx

[8]. http://moitruongviet.edu.vn/danh-gia-moi-truong-chien-luoc-danh-gia-tac-dong-moi-truong-o-viet-nam/

[9]. https://www.thiennhien.net/2017/01/13/dmc-va-dtm-trong-phong-ngua-quan-ly-rui-ro-moi-truong

[10]. Xem Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. https://vndoc.com/

[11]. Khoản 12, Điều 3 Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14. https://vndoc.com/

[12]. Điều 14, Luật BVMT 2014. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban

[13]. Điều 13, Luật BVMT 2014. http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban

[14]. Điểm 2, Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 40/2019/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung Nghị định số18/2015/NĐ-CP gọi chung là Khu công nghiệp.

[15]. Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

[16]. Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ.

[17]. Đối tượng thứ bảy theo Phụ lục I Ban hành kèm theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ. Theo Điều 13 Luật Bảo vệ môi trường 2014 thì chỉ có sáu đối tượng.

[18]. Lê Trình, “Các kết quả, hạn chế chính của ĐMC, ĐTM và kiến nghị tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các nội dung này trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2013”. Hà Nội, 2013.

[19]. Lê Trình, Tài liệu đã dẫn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (1993), Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 1993. 2. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2005), Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 2005.
Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2014), Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam 2014. 4. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2017), Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 .
Lê Thạc Cán (1995). Đánh giá tác động môi trường - Phương pháp luận và kinh nghiệm thực tiễn, Nhà Xuất bản Khoa học kỹ thuật, Hà Nội.
Hoàng Xuân Cơ và những người khác (2000). Đánh giá tác động môi trường, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
Trần Văn Ý và những người khác (2006). Đánh giá tác động môi trường các dự án phát triển - Quy trình và hướng dẫn kỹ thuật”, Nhà Xuất bản Thống kê, Hà Nội.
Lê Trình (2013). Các kết quả, hạn chế chính của ĐMC, ĐTM và kiến nghị tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các nội dung này trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi 2013, Hà Nội.
9. Trương Việt Trường (2012). Đánh giá môi trường chiến lược ĐMC và sự phát triển của ĐMC ở Việt Nam.
Mai Thế Toản (2015). Đánh giá môi trường chiến lược, Đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ IV, Bộ Tài nguyên Môi trường, Hà Nội.
11. Trần Thanh Thủy (2017). ĐMC và ĐTM trong phòng ngừa, quản lý rủi ro môi trường, https://www.thiennhien.net/2017/01/13/dmc-va-dtm-trong-phong-ngua-quan-ly-rui-ro-moi-truong/, Hà Nội.
World Bank (1999). Safeguard Policy, OP 4/01Environmental Asessment. 13. Cheryl Wasserman (2012). Vận dụng các nguyên tắc tham gia cộng đồng trong ĐTM. Jakarta.

Some solutions to complete the regulations on environmental impact assessment in Vietnam

Ph.D Vu Quang

Senior Lecturer, School of Economics and Management

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Environmental impact assessment in general and strategic environmental assessment in particular plays an important role in protecting the environment in order to achieve the goal of sustainable development. After 3 times of promulgation (1993, 2005 and 2014), the Law on Environmental Protection of Vietnam still has some shortcomings that need to be solved. It is necessary to consider, research, analyze and evaluate the legal provisions on environmental impact assessment. This article is to propose solutions to complete the regulations on environmental impact assessment.

Keywords: Environmental protection, law on environmental protection, environmental impact assessment, strategic environmental assessment.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2020].

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/mot-so-y-kien-nham-hoan-thien-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-danh-gia-moi-truong-chien-luoc-o-viet-nam-hien-nay-74266.htm