Một số ý kiến về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là trách nhiệm cũng như nhiệm vụ thường xuyên và xuyên suốt đối với mỗi đảng viên. Vì hoạt động thiết thực này không chỉ gắn với các vấn đề lý luận thể hiện qua lý tưởng, đường lối, quan điểm của Ðảng, mà còn thể hiện trong cuộc sống hằng ngày của mỗi người...
Bình luận - Phê phán
Ngày 5-10-2019, Nguyễn Quang Trường, nhà báo người Mỹ gốc Việt, tới thăm Côn Ðảo. Qua 24 clip công bố trên internet (in-tơ-nét) với các tiêu đề như "Hệ thống nhà tù Côn Ðảo, địa ngục trần gian", "Côn Ðảo - di tích bãi sọ người và chuồng bò", "Hình ảnh chi tiết, chân thực về địa ngục trần gian Côn Ðảo", "Trò chuyện với cựu tù Trần Duy Phương, người trải qua ba nhà tù chế độ cũ", "Trò chuyện với cựu tù Bảy Oanh",… có thể thấy ngay cả những người từng đứng ở bên kia chiến tuyến như nhà báo người Mỹ gốc Việt này cũng không chỉ ghê sợ chế độ nhà tù của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mà còn xúc động, khâm phục, kính trọng các thế hệ chiến sĩ cách mạng đã giữ vững ý chí chiến đấu, chịu đựng mọi tra tấn tàn bạo, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng. Hình ảnh Nguyễn Quang Trường ghi lại còn cho thấy những con người từng sống tại "địa ngục trần gian" ở Côn Ðảo nay vẫn sống đời bình dị, không đánh giá cao bản thân, không tự coi mình là mẫu mực để ồn ào dạy dỗ người khác. Ðó là thực tiễn của cách mạng Việt Nam, sự hy sinh của các đảng viên lớp trước đã dành hết tâm sức theo lý tưởng, góp phần cùng cách mạng từng bước đi lên, giành lại độc lập dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam kiểu mới. Từ lý tưởng của Ðảng và từ tấm gương của người đi trước, chúng ta thấy ngày nay, dù bối cảnh lịch sử đã nhiều biến đổi thì yêu cầu bản lĩnh chính trị vững vàng và nhận thức tư tưởng đúng đắn, nỗ lực học tập không mệt mỏi, tinh thần cống hiến và không vụ lợi của mỗi đảng viên vẫn không thay đổi. Thiết nghĩ đó là điều bất biến, là nguyên tắc giúp giải quyết mọi khả biến phức tạp, giúp vượt mọi khó khăn, thách thức đang đặt ra. Vì thế phải thẳng thắn nói rằng, các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra thật sự đã và đang là những yếu tố nếu không sớm khắc phục có thể gây tác hại khôn lường.
Nhìn lại thời gian qua, những con số: từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, các cơ quan chức năng đã thi hành kỷ luật Ðảng, xử lý hình sự hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý,... và trong sáu tháng đầu năm 2019, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 123 tổ chức đảng, 7.923 đảng viên vi phạm, trong đó có 256 đảng viên bị kỷ luật vì đã có hành vi tham nhũng, cố ý làm trái,… cho thấy sự kiên quyết của Ðảng trong việc duy trì kỷ luật nghiêm minh, nỗ lực làm trong sạch đội ngũ nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả lãnh đạo, củng cố niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, cũng thời gian qua, trên một số báo chí, nhất là trên mạng xã hội, xuất hiện một số ý kiến của một số đảng viên, thậm chí có người nguyên là cán bộ cấp cao không phù hợp với ý thức trách nhiệm của người đảng viên, cũng như yêu cầu kỷ luật của Ðảng. Ngoài các phát biểu thiếu tính xây dựng là các hồi ký mà thực hư không ai phân định. Mức độ nguy hại của các ý kiến này khiến một blogger (người viết blog) đã phải viết trên blog rằng nhờ những "lời vàng ngọc" đó "mà đám phản động, đám dân chủ cuội được cơ hội tự sướng, hả hê, thi nhau share (chia sẻ) những "lời hay lời đẹp" khắp mạng xã hội". Mà không chỉ cán bộ, một số đảng viên có uy tín, vốn được công chúng mến mộ còn đưa ra một số luận điểm có thể bị lợi dụng để xuyên tạc vai trò của Ðảng, như nhiều năm nay, một người (năm 2018 đã tuyên bố "ra khỏi đảng") liên tục cổ súy luận điểm coi Phan Chu Trinh là "người sáng suốt nhất trong lịch sử cận đại và hiện đại của nước ta", và "chọn con đường "ngắn" bạo lực, ta đã làm gián đoạn tiến trình văn hóa dân tộc, tạo ra rối loạn văn hóa, không chỉ là khoảng cách mà hố thẳm văn hóa hôm nay so với lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc". Phải chăng với luận điểm này, người nói hàm ý phủ nhận con đường cách mạng đã được Ðảng và Bác Hồ lựa chọn từ đầu thế kỷ 20, rồi quy các hiện tượng tiêu cực hôm nay vào nguồn gốc là "lựa chọn sai" ở đầu thế kỷ 20? Việc xét lại lịch sử, xuyên tạc lịch sử, xúc phạm lãnh tụ, lãnh đạo Ðảng, Nhà nước ngày càng trở nên nghiêm trọng. Một số cuốn sách nội dung không đúng vẫn được xuất bản. Một hiện tượng nhức nhối hiện nay ai cũng biết nhưng không xử lý được, là các thế lực phản động, bất mãn đang ngày đêm chống phá chế độ trên mạng xã hội.
Những điều đó tác động tiêu cực đến uy tín của Ðảng, gây nghi ngờ đối với vai trò lãnh đạo của Ðảng. Và trên thực tế, các ý kiến như vậy thường nhanh chóng được các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí khai thác nhằm xuyên tạc, vu khống nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo cũng như công lao to lớn của Ðảng cũng như con đường cách mạng của đất nước. Dù rằng, với tư cách công dân, mọi người đều có quyền công bố ý kiến hoặc kết quả nghiên cứu về vấn đề nào đó của đất nước, xã hội, con người,… song với tư cách đảng viên, việc thực hiện quyền công dân phải được đặt trong quan hệ chặt chẽ với kỷ luật của Ðảng. Và thực tế cho thấy, trước hết công chúng thường xem xét người đã đưa ra ý kiến từ tư cách đảng viên, sau đó mới xem xét từ tư cách công dân. Chưa kể, công chúng thường tỏ ra tin cậy ý kiến của đảng viên; cho nên, nếu thiếu thận trọng, thiếu ý thức đảng viên trước khi đưa ra ý kiến riêng, mỗi người đều có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của Ðảng, tác động tiêu cực đến nền tảng tư tưởng của Ðảng, tác động xấu đến nhận thức chung của xã hội; nhất là ý kiến của đảng viên từng giữ trọng trách trong lĩnh vực an ninh quốc gia, hoặc liên quan hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của Ðảng, Nhà nước. Vì thế, khó có thể so sánh hậu quả nặng nề từ hành vi vi phạm pháp luật của đảng viên với hậu quả từ việc đảng viên có phát ngôn, quan điểm vi phạm quy định của Ðảng. Bởi, nếu không được xử lý nghiêm khắc, phát ngôn, quan điểm đó nguy cơ sẽ thấm dần vào đời sống, lũng đoạn nhận thức chung của xã hội, từng bước dẫn tới tình trạng làm mục ruỗng đời sống tinh thần, tha hóa và làm biến chất chế độ.
Cùng với thời gian, từ sự thâm nhập, lan tỏa trên phạm vi rộng với cường độ cao, quan niệm và lối sống thực dụng đã tác động mạnh mẽ đến cảm quan hiện thực của rất nhiều người trong xã hội chúng ta, kích thích họ chạy theo xu hướng thỏa mãn nhu cầu một cách nhanh chóng, trực tiếp hơn là thiếu suy tư một cách sâu sắc, có trách nhiệm về tương lai đất nước, về cộng đồng, về gia đình và bản thân mình. Khi con người lựa chọn quan niệm và lối sống thực dụng thì tức là đã lựa chọn một hệ giá trị có tính định hướng. Mà chúng ta đều biết, hệ giá trị có tính định hướng trực tiếp liên quan hệ tư tưởng, lý luận đang thống trị, chi phối xã hội. Trong khi đó, chế độ xã hội của chúng ta luôn quan tâm tới sự bình đẳng về lợi ích giữa các công dân, nhưng không coi lợi ích là mục đích duy nhất. Khi quan niệm, lối sống thực dụng lan tràn trong xã hội, con người dễ tiếp nhận các quan điểm "phi giai cấp, phi ý thức hệ, hư vô về chính trị", dễ quay lưng với lợi ích xã hội, dễ thiếu ý thức xây dựng trước các biến cố quan trọng của xã hội; các hành vi vi phạm pháp luật, hiện tượng tham ô, tham nhũng, tiêu cực, sự sa sút trong đời sống tinh thần xã hội,… cũng từ đó mà ra. Vì thế, dù xã hội phát triển như thế nào, khi con người lựa chọn quan niệm, lối sống thực dụng thì chủ nghĩa cá nhân và động cơ phấn đấu trên cơ sở lợi ích cá nhân ích kỷ vẫn có đất sống, và tình trạng đảng viên sa sút lý tưởng, xa rời lý tưởng, thậm chí đi ngược lại lý tưởng vẫn là một khả năng tiềm tàng. Ðó cũng chính là điều đã được Bác Hồ chỉ rõ hơn 70 năm trước trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc: "Ðã mắc bệnh cá nhân thì tư tưởng và hành động cũng đặt cá nhân lên trên. Vì thế mà việc gì cũng không lấy Ðảng làm nền tảng. Mình muốn thế nào thì làm thế ấy. Quên cả kỷ luật của Ðảng" và người mắc bệnh tham lam thì "đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Ðảng, của dân tộc, do đó mà chỉ "tự tư tự lợi". Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Ðảng để theo đuổi mục đích riêng của mình".
Về lý luận và thực tiễn, nổi lên trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là bảo vệ tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Ðảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc,... tiếp tục nghiên cứu, rút ra bài học bổ ích từ thực tiễn cách mạng để tiếp tục chủ động hoàn thiện, phát triển hệ thống lý luận về CNXH, lý luận về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam trong bối cảnh lịch sử mới. Thiết nghĩ, khi tham gia hoạt động xã hội, trước hết mỗi đảng viên cần luôn tự ý thức về vai trò và trách nhiệm phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, giữ gìn uy tín của Ðảng trước nhân dân. Sự tự ý thức đó phải đi suốt cuộc đời, không phụ thuộc vào việc khi còn đương nhiệm hay đã nghỉ công tác. Nên trước hiện tượng một số đảng viên đã nghỉ hưu, nhất là một số đảng viên là cán bộ cấp cao, có phát ngôn vi phạm kỷ luật Ðảng, gây trở ngại đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc,... khi tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Ðảng, thi hành Ðiều lệ Ðảng nhiệm kỳ khóa XII chúng ta cần quan tâm xem xét và có quy định cụ thể về vấn đề này. Vì, như khoản 1 Ðiều 2 Quy định 102-QÐ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành T.Ư Ðảng về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm thì "Tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Ðảng. Ðảng viên ở bất cứ cương vị nào, nếu vi phạm kỷ luật của Ðảng đều phải được xem xét, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời". Như vậy, chỉ có nghiêm túc nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng Ðảng, thi hành Ðiều lệ Ðảng, siết chặt và kiện toàn đội ngũ, chúng ta mới tạo cơ hội toàn diện và bền vững để "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc của Người.