Tham vọng giảm phát thải ròng của Anh
Hầu hết ngôi nhà mới ở Anh sẽ được lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời khi xây dựng trong vòng 2 năm tới.
Theo kế hoạch, đến năm 2027, các công ty xây dựng sẽ buộc phải lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái ngôi nhà mới. Chính sách này ước tính sẽ tăng chi phí xây dựng một ngôi nhà lên thêm 3.000 - 4.000 bảng Anh (từ 97,5 triệu đến 130 triệu đồng) nhưng hóa đơn tiền điện của chủ nhà sẽ giảm hơn 1.000 bảng Anh mỗi năm.
Theo trang The Guardian hôm 1-5, Công đảng Anh đặt mục tiêu xây 1,5 triệu ngôi nhà vào năm 2029, loại bỏ khí thải carbon khỏi hệ thống điện lưới vào năm 2030, đồng thời giảm hóa đơn tiền điện của hộ gia đình khoảng 300 bảng Anh/năm.
Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer cũng đang lên kế hoạch cung cấp các khoản vay và trợ cấp để lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời cho những ngôi nhà hiện tại. Động thái này là dấu hiệu cho thấy chính phủ quyết tâm thúc đẩy chương trình nghị sự về phát thải ròng bằng 0.

Tàu Hull 096 tại TP Hobart, bang Tasmania - Úc hôm 2-5. Ảnh: INCAT
Tại Úc, Công ty Incat hôm 2-5 ra mắt con tàu Hull 096 chạy bằng pin lớn nhất thế giới, gọi đây là bước tiến lớn hướng tới ngành vận tải biển bền vững. Con tàu được đóng theo hợp đồng với Công ty Vận hành phà Buquebus (Uruguay) để vận hành tuyến vận tải biển giữa Uruguay và thủ đô Buenos Aires - Argentina. Incat cho biết tàu sẽ chạy hoàn toàn bằng năng lượng điện từ pin, có khả năng chở tối đa 2.100 hành khách và 225 phương tiện qua sông Plate.
Giám đốc điều hành Incat, ông Stephen Casey, cho biết Hull 096 chứng minh rằng các giải pháp vận tải quy mô lớn, ít phát thải không chỉ khả thi mà còn sẵn sàng được triển khai. Ngành vận tải biển toàn cầu hiện chiếm 3% lượng phát thải hằng năm của thế giới, theo Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tham-vong-giam-phat-thai-rong-cua-anh-19625050221065522.htm