Một tác phẩm báo chí giá trị, 'trên hết là vì con người'
Đúc kết hành trình hơn 40 năm làm báo, HUỲNH DŨNG NHÂN tự nhận thế mạnh của mình là sức đi và sức viết. Những trang viết của ông, nhất là phóng sự truyền tải hơi thở nóng bỏng của cuộc sống lúc nào cũng ánh lên chất đời dung dị, thương yêu. Ông tâm sự: 'Với tôi, một tác phẩm giá trị còn phải lấy được nước mắt, lấy được tiếng cười, trên hết là vì con người'.
"Khi viết, bao giờ tôi cũng chọn góc nhìn nhân văn"
- “Hồi ký Huỳnh Dũng Nhân - 40 năm đi, yêu và viết” vừa ra mắt, được ông coi là dấu ấn trên hành trình cầm bút, song ông cũng hy vọng cuốn sách như một giáo trình cho những người viết trẻ muốn dấn thân với nghề. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
- Tôi sinh ra trong gia đình truyền thống báo chí, lớn lên trong khu tập thể báo Nhân dân, rồi học văn, học báo. Tôi may mắn có một môi trường thuận lợi đã tạo cho mình tư duy, cảm xúc, góp phần tạo nên sự đa dạng phong cách báo chí sau này. Nhưng sự may mắn đó không đồng nghĩa với thành công trong nghề báo. Bởi lẽ, thành công của người làm báo do độc giả quyết định. Người làm báo phải viết, viết bằng năng lực tìm tòi, bằng lòng dũng cảm và sự cố gắng, không ngại khó, không ngại khổ, không phải dựa vào quen biết, dựa vào truyền thống hay ỷ mình là con ông cháu cha… Viết - một phần là năng khiếu, còn phần lớn là lao động. Tôi muốn nhấn mạnh điều đó, khi kể câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm qua của mình, để biết đâu cũng có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây…
- Nhiều độc giả nhận định ngòi bút của Huỳnh Dũng Nhân, nhất là trong các trang phóng sự, luôn đầy ắp giá trị nhân văn, thấm đượm tình người. Đây có phải là "sợi chỉ đỏ" trong các tác phẩm báo chí của ông?
- Phóng sự của tôi đậm chất văn, giàu tính xã hội, tập trung nhiều vào thân phận con người. Có lẽ bởi tôi đi nhiều, quan sát nhiều. Tôi không bao giờ “bí” đề tài vì trước một sự việc tưởng chừng như chẳng có gì để viết, tôi lại có thể viết đủ thứ. Phóng sự của tôi thấm đẫm câu chuyện thường ngày, chất chứa từng chi tiết nhỏ của đời sống, cả những chi tiết mà nhiều người bỏ qua, cho là không có vấn đề. Khi viết, bao giờ tôi cũng chọn góc nhìn nhân văn, dễ đi vào lòng người, để lại dư âm trong cuộc sống. Tôi cho rằng, giữa đời với báo, ranh giới rất mỏng manh. Ngòi bút của mình có thể hại người nhưng ngòi bút của mình cũng có thể cứu một con người, làm người ta hướng thiện, khiến người ta tốt lên. Muốn cho người ta thích đọc mình thì đề tài phải hay, cách thể hiện phải tốt. Nhưng một tác phẩm giá trị còn phải lấy được nước mắt, lấy được tiếng cười, trên hết là vì con người.
- Nhìn lại cuộc đời 40 năm làm báo, ông thấy mình nhận được gì?
- Có lẽ, một điều bao trùm tất thảy đó là hành trình sống theo tinh thần của một con người hành động, như chính tên cuốn Hồi ký. Đang bắt tay vào soạn bản thảo cho tập sách này, tháng 4.2021 tôi bất ngờ bị tai biến, nhưng vừa phục hồi là tôi viết. Bàn tay trái bị yếu, chỉ gõ máy tính được bằng những ngón tay phải nên tôi phải viết cả bằng điện thoại, song tôi vẫn làm việc, coi đó như một liều thuốc để được trở lại mình - con người của đi và viết. Làm báo đã cho tôi được sống đúng cuộc đời ý nghĩa nhất, cuộc đời của người cầm bút cống hiến. Và hành trình ấy của tôi sẽ còn tiếp tục, như câu châm ngôn nổi tiếng trong “Thép đã tôi thế đấy” của N.A.Ostrovsky: “Đời mình chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận những năm tháng đã sống hoài, sống phí”.
Vai trò cầu nối
- Có lẽ ít người biết Huỳnh Dũng Nhân ngoài làm báo còn từng là đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh Khóa VI (1999 - 2004). Cơ duyên đó như thế nào, thưa ông?
- Thực ra, đơn vị giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu HĐND Thành phố Hồ Chí Minh là Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh chứ không phải Hội Nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh. Nhớ ngày bầu cử, tôi đi bỏ phiếu đồng thời tác nghiệp, nhìn thấy trên danh sách đại biểu ứng cử có tên mình, chỉ thấy thú vị, coi đó là một kỷ niệm vui thời làm báo. Lúc đó, tôi đã ít nhiều có tên tuổi trong nghề, nhiều người biết nhưng không ai nghĩ có ngày mình lại ứng cử đại biểu HĐND. Và thật không ngờ tôi lại trúng cử. Thế rồi sắm sửa áo dài tay, cà vạt, vào “guồng đại biểu”.
- Từ một nhà báo trở thành một đại biểu HĐND, ông có kỷ niệm gì đặc biệt?
- Những năm ấy tôi đã ghi dấu nhiều kỷ niệm. Nhiều cuộc họp, mọi người đến bắt tay tôi bảo nhà báo đến sớm thế, mới hóa ra tôi là đại biểu. Khi tôi ngồi trong hàng ghế đại biểu, có người còn tưởng tôi là nhà báo ngồi nhầm chỗ… Nhiều cuộc nhà báo không được vào sớm, anh em báo chí lại nhờ tôi làm “tay trong”, xin tài liệu, chụp ảnh. Khi các báo cần phỏng vấn ý kiến đại biểu, trong khi một số vị mới vào HĐND còn ngần ngại, tôi năng nổ trả lời. Cái hay là do mình làm báo, nhiều thông tin, nắm vấn đề và không ngại nói, nên trong vai trò đại biểu lại trở thành đối tượng trả lời cho báo chí. Đấy là nói chuyện vui, còn có rất nhiều chuyện mà khi làm người đại biểu của Nhân dân mình mới thấm thía, mới hiểu rõ.
- Thiết nghĩ nhà báo hay đại biểu HĐND có chung một vai trò, đó là cầu nối giữa Nhân dân và chính quyền. Hơn ai hết, họ cần hiểu sâu, hiểu sát từng ngóc ngách vấn đề, nắm bắt thực tiễn đời sống đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ?
- Đúng vậy. Tôi may mắn vì nhờ quãng thời gian đó, cả hai vai trò bổ sung cho nhau, giúp tôi làm tốt hơn công việc của mình. Tôi nắm bắt vấn đề, tình hình của Thành phố tốt hơn, và quan trọng là biết được đời sống thực sự của người dân, những khúc mắc nảy sinh, vấn đề chính quyền khó giải quyết… Làm báo, tôi không ngại khó, ngại khổ, làm đại biểu HĐND, tôi tăng cường vai trò giám sát, gần dân. Tôi đi nhiều đến thuộc từng con đường, biết rõ nơi nào ách tắc giao thông, điểm nào thiếu điện, chỗ nào người dân cơ cực, bà con tâm tư gì…
Một cái hay nữa là với tôi, người dân càng không ngại chia sẻ vì họ biết ý kiến của mình không những được đưa đến chính quyền, thông qua HĐND Thành phố mà còn được đưa lên báo chí. Tác phong trước giờ của tôi nổi tiếng bụi bặm, trở thành đại biểu HĐND, tôi phải chỉn chu hơn, phải khẳng định mình bằng việc tham gia phát biểu góp ý tích cực cho hoạt động của HĐND, sâu sát và giúp ích cho Nhân dân. Kết thúc nhiệm kỳ, những điều ấy vẫn theo tôi trên đường làm báo sau này.
- Xin cảm ơn ông!