Một tạng người dễ gặp nguy hiểm khi bị ngộ độc

Với người có địa béo phì có thể diễn tiến nặng hơn trẻ có cân nặng bình thường, vì thành tim bị bao phủ một lớp mỡ dày, hệ tim mạch phải chịu áp lực lớn.

 Trẻ thừa cân, béo phì bị rối loạn đường tiêu hóa sẽ khó điều trị hơn trẻ có cân nặng bình thường. Ảnh: Freepik.

Trẻ thừa cân, béo phì bị rối loạn đường tiêu hóa sẽ khó điều trị hơn trẻ có cân nặng bình thường. Ảnh: Freepik.

Trong gần 600 người phải liên quan vụ ngộ độc bánh mì ở TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai, hồi tháng 5, có một bệnh nhi 6 tuổi bị ngộ độc nặng phải thở máy và lọc máu.

Tuy nhiên, sau hơn một tháng được điều trị tích cực tại phòng ICU, bé trai đã không qua khỏi do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa trên nền thể trạng béo phì.

Cơ địa béo phì vốn là thể trạng được các y bác sĩ nhiều lần đưa ra cảnh báo. Không chỉ riêng ngộ độc thực phẩm, các bệnh lý như sốt xuất huyết, Covid-19... cũng dễ dàng gây tình trạng nặng hơn với người có thể trạng thừa cân.

"Chiếc áo khoác dày siết chặt vào ngực"

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), với những trẻ bị thừa cân béo phì, bình thường hệ tim mạch phải chịu áp lực rất lớn để vận động đưa oxy, các dưỡng chất đến các cơ quan, tim co bóp khó hơn bình thường. Mạch máu không hoạt động tốt vì thành mạch bị ảnh hưởng bởi những loại cholesterol xấu như LDL, VLDL.

Vốn dĩ hệ tim mạch đã yếu, trẻ còn bị sốc, rối loạn tiêu hóa khiến hệ tuần hoàn không kham nổi một thể trạng cơ thể quá yếu. Giai đoạn này, bệnh nhân cũng dễ bị suy hô hấp.

"Những trẻ bị béo phì, thành ngực sẽ có lớp mỡ dày, giống như 'một chiếc áo khoác quá dày siết chặt vào ngực', phổi nở không tốt làm cho bệnh nhi thở một cách khó khăn. Điều này làm cho việc thở bị chèn ép, thông khí và các vận động hô hấp bị ảnh hưởng, từ đó trẻ có khả năng tử vong cao", bác sĩ Tiến mô tả.

 Bệnh nhi 6 tuổi lúc điều trị ở Bệnh viện Nhi 1 (TP.HCM) trong tình trạng nặng. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Bệnh nhi 6 tuổi lúc điều trị ở Bệnh viện Nhi 1 (TP.HCM) trong tình trạng nặng. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Chính vì vậy, trẻ em béo phì khi ăn trúng thực phẩm nhiễm khuẩn dễ bị ngộ độc và rơi vào sốc, suy hô hấp hơn so với trẻ có cân nặng bình thường.

Chưa kể, dư cân khiến trẻ dễ gặp các vấn đề bệnh lý tiềm ẩn như tăng đường huyết, đái tháo đường, rối loạn chức năng miễn dịch... Đây cũng là tác nhân khiến tình trạng nặng hơn.

Ngoài ra, các tế bào miễn dịch bị ảnh hưởng do tình trạng béo phì, làm cho khả năng chống chọi lại vi khuẩn, virus, tác nhân gây bệnh của trẻ cũng gặp khó khăn.

Tỷ lệ tử vong lên đến 50%

Theo kết quả xét nghiệm mẫu thực phẩm tại tiệm bánh mì Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh), nơi xảy ra vụ việc, cho thấy 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli. 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.

Qua phân tích các kết quả xét nghiệm, có thể kết luận nguyên nhân ra vụ gây ngộ độc thực phẩm có liên quan đến vi khuẩn Salmonella.

Bác sĩ Tiến cho hay vi khuẩn Salmonella là tác nhân thường gặp ở các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể, khi xâm nhập vào cơ thể của trẻ sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy, ói, mất nước và điện giải.

Khi xâm nhập vào cơ thể, chúng khiến cho nhung mao của niêm mạc đường tiêu hóa bị mất chức năng, không hấp thu được Lacto. Nếu trẻ vô tình sử dụng các loại thực phẩm có chứa Lactose, tình trạng tiêu chảy sẽ nặng nề hơn và dẫn đến sốc.

 Vi khuẩn Salmonella là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc tập thể. Ảnh: Shutterstock.

Vi khuẩn Salmonella là tác nhân thường gặp trong các vụ ngộ độc tập thể. Ảnh: Shutterstock.

Đối với trẻ có cơ địa béo phì, khi vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào máu gây nhiễm trùng máu, tổn thương các cơ quan, cùng với hệ miễm dịch kém vi khuẩn lại càng phát triển mạnh, làm bệnh diễn tiến nặng hơn.

Theo các thống kê, tỷ lệ trẻ tử vong do sốc nhiễm khuẩn Salmonella dao động khoảng 20-50%, đối với trẻ béo phì tỷ lệ này lên đến 50%. Nếu trẻ nhiễm Salmonella không vào sốc, tỷ lệ điều trị thành công sẽ cao.

Bên cạnh tỷ lệ tử vong cao, việc điều trị ngộ độc thực phẩm cho trẻ béo phì cũng khó khăn hơn bình thường. Khi bù dịch, nhân viên y tế phải tính toán loại trừ phần mỡ thừa, nếu tính theo công thức bình thường thì lượng dịch đưa vào cơ thể rất cao, có thể gây phù phổi, suy hô hấp.

Song song với việc sử dụng kháng sinh để loại bỏ vi khuẩn Salmonella, bác sĩ còn theo dõi điều chỉnh những rối loạn có thể xảy ra như tăng hạ đường huyết, toan máu, rối loạn điện giải.

"Một trong những khó khăn khi điều trị cho trẻ béo phì ở độ tuổi lớn là các em ít than đau, cố chịu đựng. Đến khi người lớn, bác sĩ phát hiện thì bệnh đã ở giai đoạn nặng", bác sĩ Tiến chia sẻ.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/mot-tang-nguoi-de-gap-nguy-hiem-khi-bi-ngo-doc-post1478962.html