Một tháng chiến sự ở Ukraine: Đây có thể là sai lầm lớn nhất và rõ ràng nhất của Nga
Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã kéo dài hơn một tháng. Cuộc xung đột làm tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây và đánh dấu bước ngoặt của trật tự thế giới.
Cuộc chiến này khiến hơn 1.300 binh sĩ Nga tử trận và hàng nghìn binh sĩ bị thương, nhưng cũng giúp Nga giành được một phần lãnh thổ của Ukraine và phá hủy Không quân, Hải quân và hệ thống phòng không của nước này. Điều đó có thể khiến Nga đạt tiến độ nhanh hơn trên chiến trường trong những tuần tới đây.
Nhưng màn thể hiện của Nga ở Ukraine đến nay vẫn gây tranh cãi, khi mà họ không thể tiến quân nhanh như Mỹ từng làm trên chiến trường Iraq hay ở các nước khác. Về mặt kinh tế cũng vậy, mặc dù việc các công ty phương Tây rút khỏi thị trường Nga gây tác động ngược tới các lợi ích kinh tế châu Âu, nhưng các đòn trừng phạt khắc nghiệt mà phương Tây áp đặt cũng gây tổn hại không nhỏ tới nền kinh tế Nga. Mặc dù đồng rúp của Nga ban đầu sụt giá trầm trọng do lệnh trừng phạt, nhưng sau đó thông tin Nga muốn các nước châu Âu chi trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp đã khiến giá của đồng tiền này tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, có một phương diện mà Nga dường như đã sai lầm, và điều này có thể khiến họ phải trả giá.
Trong phần lớn những năm 2010, Nga thặng dư ngân sách, có nghĩa rằng kho bạc của họ thu về nhiều hơn so với khoản chi tiêu của nhà nước, cho phép họ tạo nên những khoản dự trữ mà phần lớn là bằng ngoại tệ hoặc kim loại quý. Tính đến tháng 2/2022, lượng dự trữ này xấp xỉ 643 tỉ USD – tương đương với ngân sách quốc phòng của cả một thập kỷ - cho phép Nga đưa ra được những biện pháp kích thích nền kinh tế trong trường hợp bị phương Tây gây sức ép. Mặc dù nguồn dự trữ này vẫn là một tài sản lớn đối với Nga giúp họ có vị thế nhất định trong trường hợp đối đầu với phương Tây, nhưng Moscow lại gây ra một sai lầm lớn khi để phần lớn lượng tiền dự trữ đó – khoảng 300 tỉ USD – trong các ngân hàng nước ngoài, dễ dàng bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Kết quả là các nước phương Tây nhanh chóng “đóng băng” đến hơn một nửa lượng tiền dự trữ mà Nga vất vả tích cóp được, khiến vị trí của Moscow suy yếu hơn, làm giảm khả năng lấy lại sức sống cho nền kinh tế thông qua chi tiêu.
Việc các nước phương Tây “đóng băng” tiền dự trữ của Nga không hề khó dự đoán, bởi trước đây đã từng có nhiều tiền lệ mà trong đó một quốc gia bị phương Tây tung đòn trừng phạt. Một ví dụ là Ngân hàng Anh trong suốt nhiều năm đã đóng băng lượng vàng dự trữ trị giá gần 2 tỉ USD của Venezuela, và dự đoán sẽ còn tiếp tục kéo dài. Anh cũng đóng băng các quỹ của Iran trong suốt hơn 40 năm liền, và có lẽ Tehran khó có thể hy vọng giành lại được. Nhiều trường hợp tương tự có thể được trông thấy trên khắp thế giới phương Tây, trong đó không riêng gì đóng băng tài sản mà còn phải kể tới tịch thu và bán tài sản, như chính phủ Canada tịch thu và bán tài sản của chính phủ Iran; hay trường hợp Bỉ thu giữ các quỹ của chính phủ Libya.
Nga không chỉ có khoảng thời gian căng thẳng kéo dài với phương Tây (từ năm 2014), mà còn có nhiều tháng để chuẩn bị cho tình huống leo thang xung đột ở Ukraine, bắt đầu từ tháng 10/2021. Thế nhưng Moscow vẫn mắc phải sai lầm, rất nhiều cá nhân thuộc tầng lớp tinh hoa của Nga đầu tư mạnh tay vào các nước phương Tây, và hậu quả là lượng lớn tài sản – từ các tài sản đắt tiền cho tới siêu du thuyền – bị chính phủ các nước phương Tây thu giữ. Chỉ tính riêng lượng này đã lên tới hàng chục tỉ USD. Trong khi đó, nhiều nước phương Tây, đáng chú ý là Ba Lan, còn muốn thu giữ bất động sản và nhiều tài sản khác mà công dân Nga sở hữu.
Có khả năng rằng những tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng ở các nước phương Tây sẽ không bao giờ trở lại. Các thế lực phương Tây có thể tuyên bố rằng việc thu giữ những tài sản đó được coi như sự đền bù cho những tổn thất mà đòn trả đũa kinh tế của Nga gây ra, hoặc cung cấp tiền cho chính phủ thân phương Tây ở Ukraine như hình thức bồi thường cho chiến tranh, nếu như các tòa án phương Tây cho rằng điều này phù hợp.
Việc chính phủ Canada bán tài sản của chính phủ Iran để bồi thường các nạn nhân của những vụ tấn công khủng bố, mặc dù mối liên hệ giữa các nhóm khủng bố với Iran chưa rõ ràng, là một tiền lệ rõ ràng. Nếu trường hợp tương tự xảy ra với Nga, họ không chỉ mất đi một lượng lớn tài sản, mà còn làm giàu cho đối phương.
Những nước mà phương Tây nhằm vào như Iran, Venezuela, Libya và nhiều nước khác đã cung cấp lời cảnh báo rất rõ ràng về hậu quả của việc lưu trữ tài sản ở các nước phương Tây trong bối cảnh căng thẳng. Tuy nhiên Nga vẫn mắc phải sai lầm đó, khi tấn công Ukraine.
Nếu đem lượng tiền dự trữ của Nga đầu tư cho quân đội, dù cho chỉ 1/10 của khoản tiền 300 tỉ USD, cũng đã đủ để tăng cường nhiều chương trình phát triển vũ khí quan trọng của họ như tàu khu trục lớp Skhval, Su-57 hay xe tăng T-14…ngay trong lúc mà quá trình hiện đại hóa quân đội của họ đang mất dần động lực.
Nếu xét về lĩnh vực kinh tế dân sự, từ cơ sở hạ tầng cho tới giáo dục, nghiên cứu và phát triển…khoản tiền 300 tỉ USD có thể mang tới những lợi ích khổng lồ. Nhưng giờ, khi khoản tiền đã bị đóng băng, Nga không còn nhiều tài sản dự trữ và không còn được hưởng những lợi ích từ việc chính phủ tăng chi tiêu.