Một tháng xung đột Israel - Hamas: Gaza thành vùng đất chết

Cuộc tấn công bất ngờ mang mật danh 'Cơn đại hồng thủy Al Aqsa', do Phong trào Hồi giáo Hamas và Nhóm thánh chiến Jihad ở dải Gaza tiến hành vào miền Nam Israel sáng sớm ngày 7/10 khiến hơn 1.400 người chết, đã khơi mào cho một cuộc xung đột đẫm máu nhất tại dải Gaza trong nhiều thập niên qua.

Sau một tháng bùng phát, chiến sự đang có nguy cơ lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông với nhiều hệ lụy nguy hiểm. Những nỗ lực ngoại giao quốc tế nhằm hạ nhiệt chiến sự, bảo vệ mạng sống của dân thường vô tội, đang tỏ ra bất lực trước bom đạn và toan tính chính trị của một số bên liên quan trong cuộc khủng hoảng.

Binh lính và phương tiện chiến đấu quân sự của Israel ở Sderot (Israel), gần biên giới với Dải Gaza ngày 14/10. Ảnh: AFP

Binh lính và phương tiện chiến đấu quân sự của Israel ở Sderot (Israel), gần biên giới với Dải Gaza ngày 14/10. Ảnh: AFP

Ít giờ sau cuộc đột kích của Hamas và Jihad, ngay trong sáng 7/10, quân đội Israel đã phát động cuộc tấn công đáp trả thảm khốc bằng không quân vào dải Gaza với tên gọi “Gươm sắt”. Sau tròn một tháng tấn công tổng lực, quân đội Israel đã bắn hơn 1 vạn quả bom, tên lửa và đạn pháo vào dải Gaza, biến vùng đất nhỏ hẹp ven biển Địa Trung Hải với gần 2,5 triệu cư dân này, trở thành một trong những khu vực chết chóc nhất trên thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới thứ II.

Gaza – vùng đất chết chóc

Thống kê mới nhất tối 6/11 của cơ quan Y tế Palestine tại dải Gaza cho biết, chiến dịch tấn công tổng lực kéo dài tròn một tháng qua của quân đội Israel vào Gaza, đã khiến hơn 10.000 người chết cùng khoảng 25.000 người bị thương, gần 3.000 người bị chôn vùi trong các đống đổ nát và không còn khả năng sống sót. Hầu hết thương vong là dân thường, trong đó trẻ em chiếm tỷ lệ lớn nhất với hơn 4.100 em bị chết, 11.000 em bị thương. Đây là số thương vong lớn nhất được ghi nhận tại Gaza kể từ khi vùng đất này được trao trả quyền kiểm soát cho người Palestine năm 2005.

Sau một tháng chiến sự, không còn bất kỳ địa điểm nào tại Gaza được coi là an toàn, khi mà ngay cả các bệnh viện, trường học, nhà thờ, xe cứu thương…, đều đã liên tiếp trở thành mục tiêu tấn công của quân đội Israel. Đặc biệt, với việc toàn bộ biên giới bao quanh dải Gaza đã bị khóa chặt từ mọi phía, mạng sống của gần 2,5 triệu cư dân Gaza có thể bị tước đoạt bất kỳ lúc nào, không chỉ bởi các cuộc tấn công không ngừng nghỉ của quân đội Israel, mà còn bởi toàn bộ các nguồn cung thiết yếu như lương thực, thuốc men, nước uống…, tại Gaza đang dần cạn kiệt. Theo nhiều nhà phân tích, viễn cảnh Gaza biến thành khu nhà mồ khổng lồ của thế giới, đang dần trở thành hiện thực trước sự bất lực của cộng đồng quốc tế.

Căng thẳng lan rộng khắp Trung Đông

Cùng với sự leo thang xung đột tại dải Gaza, bạo lực cũng gia tăng nghiêm trọng tại khu Bờ Tây, dọc biên giới Israel-Lebanon, cũng như trên nhiều chiến trường khác trong khu vực như Syria, Iraq… Tại khu Bờ Tây, từ ngày 7/10, các cuộc đụng độ chết người được ghi nhận nổ ra hàng ngày giữa người Palestine và quân đội Israel, khiến hàng nghìn người chết và bị thương, cũng là số thương vong cao nhất trong nhiều năm qua.

Tại biên giới Israel-Lebanon, các cuộc tấn công bằng hỏa lực mạnh qua biên giới giữa Lực lượng Hezbollah ở miền Nam Lebanon và quân đội Israel, cũng gia tăng tỷ lệ thuận với sự leo thang chiến tại Gaza. Sau cuộc nã pháo của Hezbollah vào khu vực trang trại Shebaa mà Israel kiểm soát hôm 8/10 nhằm biểu thị sự ủng hộ với Hamas, quân đội Israel đã phải tăng cường về mặt trận này hàng chục nghìn binh sỹ cùng hàng trăm xe tăng, thiết giáp, pháo hạng nặng. Toàn bộ cư dân trong phạm vi 5km dọc biên giới với Lebanon, cũng đã được sơ tán về các khu vực an toàn nằm sâu trong lãnh thổ Israel, nhằm chuẩn bị cho khả năng nổ ra một cuộc xung đột quy mô lớn với Hezbollah.

Tại các chiến trường Iraq và Syria, kể từ khi chiến sự tại Gaza bùng phát, tần suất các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái nhằm vào các căn cứ của quân đội Mỹ, cũng đồng loạt tăng vọt. Thực tế đáng lo ngại này dẫn đến việc chỉ trong khoảng 3 tuần qua, Mỹ đã phải điều động tới khu vực Trung Đông lượng vũ khí và khí tài không lồ gồm 2 nhóm tác chiến tàu sân bay là USS Dwight Eisenhower và USS Gerald R. Ford; khu trục hạm USS Carney; tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio; máy bay ném bom chiến lược B-1 có thể mang đầu đạn hạt nhân. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, quân đội Mỹ mới lại triển khai một lượng lớn khí tài chiến đấu đến một khu vực trên thế giới.

Theo nhiều nhà phân tích khu vực, động thái điều chuyển quân quy mô chưa từng có này không chỉ mang thông điệp về cam kết ủng hộ vững chắc của Mỹ dành cho Israel và răn đe các lực lượng chống Tel Aviv, mà còn cho thấy sự lo ngại nghiêm túc của Washington trước nguy cơ chiến sự có thể lan rộng ra toàn Trung Đông, đe dọa lợi ích của Mỹ. Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng bước đi này còn có thể đánh dấu sự can dự trở lại mạnh mẽ và sâu sắc hơn của Mỹ tại Trung Đông. Đây là kịch bản mà Iran và nhiều quốc gia khác trong khu vực không hề mong muốn, nên có thể sẽ đẩy Trung Đông vào một thế cục phức tạp và rất khó lường trong thời gian tới.

Sự bất lực của nỗ lực ngoại giao trước những toan tính chính trị

Không chỉ tác động nghiêm trọng đến cục diện an ninh khu vực, cuộc chiến tại Gaza còn phơi bày sự chia rẽ sâu sắc về lập trường quan điểm cũng như cách tiếp cận với cuộc khủng hoảng giữa một bên là thế giới Arab và Hồi giáo, với một bên là các quốc gia phương Tây.

Tại ít nhất 3 cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về chiến sự Gaza ở Ai Cập hôm 21/10, cùng nhiều diễn đàn khu vực và quốc tế khác, các quốc gia Arab và Hồi giáo cáo buộc quân đội Israel phạm tội ác chiến tranh, xâm phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và kêu gọi lập tức chấm dứt chiến sự. Trái ngược hoàn toàn với quan điểm của thế giới Arab và Hồi giáo, Mỹ và nhiều quốc gia châu Âu lại coi cuộc tấn công của Israel vào Gaza là hành động tự vệ chính đáng và cần thiết để đảm bảo an ninh.

Việc các bên không thể tìm được tiếng nói chung khiến cho Hội đồng Bảo an chưa thể thông qua được bất kỳ Nghị quyết hay Tuyên bố Chủ tịch nào về cuộc xung đột, đồng thời khiến cho các nỗ lực ngoại giao tìm kiếm một lệnh ngừng bắn dù là tạm thời ở Gaza, đều chưa mang lại kết quả. Trên thực địa, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy cuộc tấn công của quân đội Israel vào dải Gaza sẽ sớm dừng lại.

Trên mạng xã hội và truyền thông khu vực, nhiều chính khách Arab và Hồi giáo đã kết luận đầy chua xót rằng những nỗ lực chưa từng có của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ quyền được sống cho những người dân Palestine vô tội ở Gaza, đang thực sự bất lực trước những toan tính lợi ích của một số bên liên quan và có ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng tồi tệ không bao giờ nên xảy ra này.

PV/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/mot-thang-xung-dot-israel-hamas-gaza-thanh-vung-dat-chet-post1057612.vov