Một thế hệ trẻ không thể sống chung với người khác
Sau một năm chuyển ra ở riêng, Thương hối hận vì đã không làm điều đó sớm hơn. Cuộc sống một mình thoải mái đến nỗi giờ chỉ cần nghĩ đến việc phải ở chung với ai đó, cô đã thấy sợ.
Đầu tháng 10/2020, đúng một tuần trước khi bước sang tuổi 25, Hà Thương (ngụ ở thành phố Thủ Đức, TP.HCM) dọn ra ở riêng, bắt đầu cuộc sống hoàn toàn tự lập.
"Ở một mình khổ lắm con ơi, bệnh tật thì biết nhờ ai", mẹ Thương nói khi nghe con gái thông báo việc thuê nhà một mình.
Câu nói của mẹ khiến Thương có đôi chút nhụt chí nhưng vì đã chuẩn bị mọi thứ xong xuôi, tiền nhà cũng đã cọc, cô quyết "đâm lao theo lao", mặc kệ mọi lời can ngăn.
Thương kể bản thân thích sống một mình và từng nghĩ việc rời quê đến TP.HCM theo học đại học có thể giúp cô thực hiện được mong muốn này. Tuy nhiên, nó nhanh chóng bị dập tắt khi cha mẹ gửi gắm cô ở nhà họ hàng xa.
Hết đại học, Thương mới được gia đình cho phép ra ở trọ. Ban đầu, cô ở chung với bạn thân nhưng chưa đến một năm đã dọn ra ở ghép với người lạ.
"Bây giờ ai hỏi mình cũng khuyên thật là đừng bao giờ ở chung với bạn bè, nếu không muốn mất bạn. Không phải do khó tính hay xích mích gì lớn, chỉ cần không hợp vài ba điểm thôi thì việc chung sống hòa thuận cũng đã khó", Thương chia sẻ với Zing.
Ai cũng cần không gian riêng
Một số người có thể sợ buồn, chán, cô đơn khi nghĩ đến việc ở riêng. Nhưng với không ít bạn trẻ, những người đã có vài năm sống độc lập, chia sẻ không gian riêng tư với người lạ, bạn bè hay kể cả người thân mới là việc khó khăn.
Theo Nguyễn Thục Hạnh (26 tuổi, ngụ ở thành phố Thủ Đức), việc sống một mình giúp mỗi người có được không gian thoải mái, riêng tư.
Trước đây, khi còn làm việc ở Hà Nội, cô từng ở trọ cùng bạn bè, họ hàng. Tuy nhiên, trong thời gian đó, cô thường xuyên xảy ra mâu thuẫn về lối sinh hoạt với người sống cùng. Sau nhiều lần tranh cãi, Hạnh quyết định chọn nơi ở mới để giữ tình bạn.
“Mỗi người có một lối sinh hoạt riêng và tiêu chuẩn khác biệt về sự sạch sẽ, gọn gàng. Chẳng hạn mình thường xếp bát đĩa theo thứ tự riêng để dễ lấy hoặc đồ ăn trong tủ lạnh mình luôn bọc màng bọc thực phẩm, gói bằng giấy đối với rau tươi, nhưng bạn mình cho đó là cầu kỳ không cần thiết. Có lẽ mình hơi khó tính nên đã khiến bạn bè phật ý”, Hạnh chia sẻ.
Cô gái 26 tuổi cho rằng ai cũng muốn có sự riêng tư, đặc biệt là khi đã trưởng thành, công việc áp lực và cần yên tĩnh để nghỉ ngơi. Vì vậy, sau một ngày làm việc và trở về nhà, việc phải chia sẻ không gian chung khiến cô cảm thấy không thoải mái.
Dọn ra riêng từ năm 2019, theo Hạnh, vấn đề lớn nhất khi sống một mình là lúc bản thân bị ốm. Trên thực tế, cô từng bị đau dạ dày cấp phải gọi điện nhờ người thân ở nơi khác đến giúp đỡ. Ngoài ra Hạnh không gặp những vấn đề khác do đã chuẩn bị khá kỹ càng cho cuộc sống riêng.
“Hiện mình đã chuyển vào Sài Gòn công tác. Nhờ có kinh nghiệm mình có thể thích nghi với cuộc sống một mình ngay lập tức. Chi phí sinh hoạt hàng tháng rơi vào khoảng 10 triệu đồng, trong đó tiền nhà chiếm khoảng một nửa. Giá thuê hơi mắc nhưng đầy đủ đồ dùng, tiện nghi”, Hạnh nói thêm.
Nguyễn Quốc Vương (22 tuổi), sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng từng gặp mâu thuẫn với bạn cùng phòng trong thời gian ở chung.
Vào đầu năm 3, Vương và một người bạn thuê chung nhà trọ nhưng sau đó hai người thường xích mích với nhau trong vấn đề tiền bạc. Không giải quyết được khúc mắc, anh quyết định ở một mình để tự do và tránh làm mất lòng người ở cùng.
Vương cho hay ưu điểm của việc sống riêng là sự thoải mái, dễ chịu và có thể tùy ý sắp xếp quy định cho không gian của mình.
“Khi sống một mình thì phải chắc chắn bản thân có tài chính ổn định để trang trải các chi phí sinh hoạt. Tổng phí hàng tháng của mình rơi vào tầm hơn 4 triệu đồng. May mắn là mình chưa gặp khó khăn nào quá lớn từ khi ra riêng. Hiện mình đã quen với cuộc sống này”, Vương chia sẻ.
Một mình không đồng nghĩa với cô đơn
Sau một năm dọn ra ở riêng, Hà Thương nhận ra rằng sống một mình và cô đơn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Những người từng can ngăn cô ở riêng, bao gồm cả cha mẹ, nảy sinh lo lắng vì đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm này.
"Không phải số lượng mà chính chất lượng tương tác, mối quan hệ xã hội mới quyết định cảm giác cô đơn của một người. Điều quan trọng không phải là chúng ta có sống một mình hay không, mà là chúng ta có cảm thấy đơn độc hay không. Bạn sống trong một gia đình đông người nhưng thiếu kết nối và thấu hiểu thì vẫn có thể cô đơn như thường".
Thương nói thêm hiện cô đang cảm thấy rất hạnh phúc với "lối sống solo" của mình. Kể cả khi có người yêu, cô cũng không mong muốn cả hai sẽ dọn về ở chung hay can thiệp quá nhiều vào không gian riêng tư của nhau.
Bên cạnh những mặt tốt như thoải mái, tự do, riêng tư, việc sống một mình cũng đi kèm với nhiều vấn đề khó khăn.
Tài chính có lẽ là trở ngại lớn nhất với những người trẻ mới đi làm, đang sinh sống ở các thành phố có mức sống cao như TP.HCM, Hà Nội...
Nguyễn Thủy (24 tuổi) đã chuyển nhà từ quận Bình Thạnh sang thành phố Thủ Đức (TP.HCM) vào khoảng hai năm trước, để tiết kiệm tiền thuê nhà khi dọn ra ở riêng.
Trước đây, Thủy và 3 người bạn khác chung tiền thuê nhà nguyên căn ở quận Bình Thạnh. Mỗi tháng cả tiền nhà, điện nước, Thủy mất khoảng 4 triệu đồng. Chỗ ở cách nơi làm việc của Thủy ở quận 1 chỉ khoảng 10-15 phút chạy xe máy.
Tuy nhiên, khi lựa chọn ở riêng, Thủy phải dọn về nơi xa trung tâm để giảm bớt chi phí thuê nhà. Giờ đây, mỗi ngày, cô phải chạy xe hơn 45 phút từ nhà đến công ty.
Đổi lại, Thủy khá hài lòng với không gian sống hiện tại. Cô không phải bận tâm mình sẽ làm phiền ai đó mỗi khi tắt/mở đèn hay những ngày phải thức khuya/dậy sớm làm việc.
"Khoảng thời gian 4 tháng làm việc tại nhà do dịch bệnh càng khiến mình tin tưởng quyết định sống một mình là sáng suốt. Không có ai bên cạnh có thể hơi buồn nhưng nó vẫn tốt hơn việc phải sống dè chừng, để ý tâm trạng của người khác".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-the-he-tre-khong-the-song-chung-voi-nguoi-khac-post1276369.html