Một thế kỷ ước vọng sum vầy

'Em có hay chăng giờ tôi về?' - câu cuối cùng của bài hát nổi tiếng Cô láng giềng của Hoàng Quý ra đời năm 1942 là một mộng ước về tình yêu được đền đáp, về sự đoàn tụ trong ngày xuân. Những bài hát mùa xuân có thể là những tình tự của giao duyên nam nữ, những thi hứng của nghệ sĩ trước cảnh sắc mùa xuân, song hầu như người nghe đều cảm nhận được tâm trạng đoàn viên chính là nét đề tài chủ đạo của những khúc ca xuân một thuở.

Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca

Tâm trạng đoàn viên nổi trội trong nhạc xuân suốt mấy thập niên giữa thế kỷ 20 có một cơ sở hiện thực của xã hội Việt Nam nhiều chiến tranh và phân ly, song cũng thừa hưởng một tâm lý cộng đồng từ xa xưa, khi quan niệm quy cố hương vào ngày Tết đã thành tục lệ. Tiếng tơ nhịp phách ngày xuân đã từ lâu là một sản phẩm của những thính phòng quây quần giữa kẻ hát người đàn và khán giả, cũng như những đêm diễn của “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” (thơ Nguyễn Bính) là ở sân đình, nơi cô gái thôn Đoài hẹn chàng trai thôn Đông ở một nơi quen thuộc giữa quê nhà.

Những bài hát mùa xuân thuở đầu quyến rũ người nghe ở âm giai cổ điển và lời ca hàm súc ý tứ gợi những áng cổ thi. Những bài hát Bản đàn xuân, Cung đàn xưa, Bến xuân, Cô láng giềng... của Lê Thương, Văn Cao hay Hoàng Quý gieo vào tâm trí người nghe về một dòng chảy êm ái, tiêu dao của nhạc xuân. Những nét ngũ cung đan xen những điệu valse khoan thai dặt dìu tạo ra một cảm giác tao nhã. Không hẹn mà nên, những lời ca đều có những câu giục lòng người lữ thứ về sự sum vầy: “Ai tha hương nghe réo rắt oanh ca”... “Tuy cách xa nhưng tôi không hề quên bóng ai bên bờ đường quê, đôi mắt đăm đăm chờ tôi về”. Trong hoàn cảnh xã hội nhiều biến động, những tâm sự này vang lên đôi khi như lời nhắn nhủ đầy khắc khoải.

Đợi anh về trong chén tình đầy vơi

Mùa xuân từ lâu đã là mùa ra đời những giai phẩm. Sách và báo xuân là những món ăn tinh thần nổi bật của những thập niên trước. Tờ Nhạc xuân cũng theo đó là một hình thức được ưa thích, khi những bản nhạc được trình bày bằng những minh họa đẹp, tạo thành những ấn phẩm hấp dẫn đại chúng. Trong số gần 600 bài hát được Nhà Xuất bản Tinh Hoa ấn hành từ 1949 đến 1956, đã có khoảng 1/3 là những bài hát có bối cảnh mùa xuân. Có những nhạc sĩ có hẳn những vệt bài hát xuân như Ngọc Bích, Phạm Đình Chương hay Hoàng Trọng. Với họ xuân là một nỗi mong chờ ngày hội ngộ, vì thế tâm trạng của họ có những nét khác biệt với không khí tranh đấu nơi trận mạc.

Sự mong chờ người trở về sau khói lửa được khắc họa rõ nét, mang tâm sự rõ rệt về ngày đoàn viên: “Đợi anh về trong chén tình đầy vơi” (Ly rượu mừng - Phạm Đình Chương) hay “Mơ đời ái ân, những ngày phong trần, sống trong mộng đẹp ngày xuân” (Mộng chiều xuân - Ngọc Bích). Họ hoài niệm về những ngày xuân tươi đã qua: “Một chiều xuân xưa ta hát khúc ca êm đềm cùng nhau say đắm, xa nhau có nhớ trong gió xuân về khúc nhạc tình người đằm thắm” (Cánh hoa xưa - Hoàng Trọng). Có thể nói, những bài hát xuân của những thập niên chiến chinh man mác không khí u hoài đặc trưng, gợi lại những câu thơ xuân trong trẻo rưng rưng thời Thơ Mới, khi hạnh phúc đầm ấm là một điều mong manh trong trường nhìn của văn học lãng mạn. Điều này còn được tiếp nối trong những bài hát xuân ở miền Nam, cảm thức về ngày xuân không thay đổi những ước vọng quen thuộc: “Mơ rằng đây mái nhà tranh, mà ước chiếc bánh ngày xuân, cùng hương khói vương niềm thương” (Phiên gác đêm xuân - Nguyễn Văn Đông).

Những bài hát mùa xuân của thời đất nước chia cắt là vời vợi của “mơ ước những mùa xuân bóng dáng tương lai, đường ta đi lên xây đời có mùa xuân nào đẹp bằng” (Bài ca hy vọng - Văn Ký) hay “anh đi qua bao núi, tình em như khe suối, âu yếm và nhớ thương, chảy theo anh khắp rừng” (Tình em - Huy Du, thơ Ngọc Sơn). Nỗi chờ mong đoàn tụ vang từ miền Nam lẫn miền Bắc, dường như làm nên một khúc ca lớn suốt 20 năm.

Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về

Sau những thập niên chiến tranh, mùa xuân trở lại thành một đề tài lớn trong âm nhạc. Mặc dù đất nước vẫn phải tiếp tục những cuộc chiến tranh biên giới và sự khó khăn của đời sống kinh tế, những bài ca mùa xuân nở rộ. Người ta như sống trong một không khí có phần lãng mạn hóa, như bay bổng trên mảnh đất nhọc nhằn gian lao, với những “mùa xuân người cầm súng, lộc giắt đầy trên lưng” (Mùa xuân nho nhỏ - Trần Hoàn, thơ Thanh Hải) hay “mùa xuân hát trên cánh đồng, gọi màu xanh đến vô cùng” (Mùa xuân gọi - Trần Tiến).

Mùa xuân thành một chủ đề tương thích với các chương trình kinh tế - xã hội mang màu sắc xây dựng tập thể, vì thế, các bài hát mùa xuân dù viết về tình yêu đôi lứa vẫn dễ dàng hòa trộn với không khí hừng hực “đất nước mình xôn xao mùa vui đang nở rộ”, mà trong ấy nhịp nhàng giao duyên giữa “tay anh bưng ngọn đèn, tay em che ngọn gió, anh bưng mầm trổ, em trút nắng vàng” (Cung đàn mùa xuân - Cao Việt Bách, thơ Lưu Trọng Lư). Những lời ca liên tục “giục ta đi mau tới những chân trời, xây đắp ngàn đời sau hạnh phúc, trên tầng cao có thấy, mùa xuân náo nức công trường, đồng lúa mới dâng hương” (Mùa xuân đến rồi đó - Trần Chung), gợi ra một sự chuyển động không ngừng của một giai điệu trong tâm thế mới.

Điều đáng nói là cho dù là những “ca khúc chính trị” (một tên gọi dành cho những bài hát nhạc trẻ mang hình thức pop-rock giai đoạn sau thống nhất) có những lời hát có màu sắc tuyên truyền, sự lãng mạn vẫn là nét thu hút người nghe, nhất là khi dành những lời ca như sự động viên, an ủi tuổi trẻ trong hoàn cảnh “ngày mai anh lên đường, ngày mai anh ra chiến trường” (Ngày mai anh lên đường - Thanh Trúc, thơ Lê Giang). Một người lính trở về thành phố, “mang theo nhánh lan rừng” hay có điểm hẹn góc phố, “họ đón nhau rồi mùa xuân cũng theo về” (ca từ bài hát Nhánh lan rừng - Thế Hiển và Mùa xuân bên cửa sổ - Xuân Hồng, thơ Song Hảo) cũng đều gợi ý một khoảng trời thành phố có những mái nhà sum họp: “Rồi mùa xuân anh ấy sẽ về” (Mùa xuân gọi - Trần Tiến). Một lời khẳng định đơn giản mà chắc nịch, nhưng cũng rất đỗi mong manh, bởi những năm tháng biến động ấy, nhiều người không trở về và nhiều người đã không trọn vẹn mơ ước sum họp bình yên.

Những bài hát mùa xuân của tân nhạc suốt nhiều thập niên là đại diện trung thực cho tâm tình người Việt trong nỗi khao khát mùa xuân được sống với những điều giản dị nhỏ bé. Có những giai điệu hùng tráng, cổ vũ tập thể lên đường, nhưng sau những giây phút sôi động ấy là những khoảng trống lặng lẽ, nơi người ra đi lẫn người ở lại đều phải làm tiếp những hành trình riêng tư trong tâm tưởng. Những giai điệu mùa xuân ở lại được với người nghe qua thời gian có lẽ nằm ở khả năng nuôi dưỡng những hoài niệm thanh xuân của họ.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mot-the-ky-uoc-vong-sum-vay-n185672.html