Một thoáng Tây Bắc
Du lịch “bụi” dành cho dân công sở có nhiều điều thú vị vì chủ yếu được đồng nghiệp, bạn học kết nối và cùng đi. Người phương Nam ra thăm Tây Bắc sẽ có những trải nghiệm đặc biệt khi chạm vào một vùng thiên nhiên, văn hóa kỳ vĩ, phù hợp với điều kiện và sở thích của mình.
* Những huyền thoại cố đô
Tỉnh Ninh Bình như được chia thành hai mảng: phần đô thị hóa tạo gam màu thanh thoát trên bề mặt phẳng rộng, khoáng đạt và phần di tích, danh thắng sơn thủy hữu tình, đan xen giữa lịch sử - huyền sử vừa quyến rũ vừa thâm trầm, sâu sắc.
Chúng tôi được đi sâu vào không gian Tràng An - Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, cố đô Hoa Lư và những hang động cổ xưa… Càng đi càng như lạc vào một thế giới tinh thần sâu thẳm của cha ông, của những câu chuyện dựng nước và giữ nước. Đó là hành trình Tràng An - Tam Cốc - Bích Động - cố đô Hoa Lư, đi xuyên qua những hang động của người Việt cổ. Du khách được ôn lại những câu chuyện vua và dân bảo vệ sơn hà xã tắc, dựa vào sự hiểm trở của thiên nhiên mà xây dựng cơ đồ, lấy tình yêu là nền tảng cho sự ổn định và phát triển.
Chúng tôi đã trèo lên núi Mã Yên để nhìn xuống mảnh đất Hoa Lư thấp thoáng ngọn cờ Thần có từ thời Hai Bà Trưng, được dựng lên bên dòng sông Sào Khê linh thiêng. Hai triều vua Đinh - Lê dựa vào cố đô, theo hướng sông dài dựng xây kinh đô mới (Thăng Long), là nơi phát tích cho giang sơn phát triển vững bền. Vào thăm Thành Ngoại, Thành Nội, chứng kiến những công trình cổ kính được giữ gìn hoặc phục dựng, tôn tạo theo nguyên bản nhiều thế kỷ trước, chúng tôi không khỏi xúc động và thán phục. Không khỏi nhớ về quê hương với Văn miếu Trấn Biên và những huyền tích của sông và rừng Đồng Nai.
Chỉ được đặt chân lên một chặng đường ngắn ngủi, mang tính tiêu biểu của Ninh Bình, nhưng chúng tôi không thể nào quên vẻ đẹp và sức sống trường tồn của sông núi và lịch sử như được song hành, sống mãi. Sức mạnh của lòng dân vạn đại, tình cảm, niềm tự hào dân tộc sâu sắc đã mang đến nguồn sinh khí rạng rỡ cho thiên nhiên.
Và ngược lại, sông núi linh thiêng cũng nâng tầm nhận thức và trách nhiệm của con người. Thật tâm đắc với cách làm du lịch của Ninh Bình, khi mà một người lái đò ở bến Tràng An cũng kiêm cả vai trò hướng dẫn viên, kể tường tận chuyện các đời vua nương náu và đánh giặc, hoặc chuyện cán bộ, chiến sĩ đi làm cách mạng, chuyện về những thạch nhũ nằm sâu trong núi đá, chuyện những loài chim di trú, bay đi rồi lại trở về…
Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có Động An Tiêm, Thung Nham - vương quốc các loài chim, Vườn quốc gia Cúc Phương, chùa Bái Đính… Giá trị văn hóa, lịch sử gắn với tâm linh là kho tàng tinh thần vô cùng lớn giúp cho con người khi đến với cố đô, với Ninh Bình, sẽ không thể nào quên được mảnh đất khởi đầu của Tây Bắc hùng vĩ.
* Thăm kinh đô xứ Mường
Chúng tôi đặt chân đến Hòa Bình sau khi đã có chuyến đi Trường Sa cùng đội xung kích của Đoàn Nghệ thuật các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Đã được hòa chung khúc hát, điệu đàn, điệu múa của các nghệ sĩ, nghe tiếng cồng chiêng, tiếng sáo cùng với các chiến sĩ canh giữ biển đảo, chúng tôi phần nào cảm được hồn phách văn hóa Mường, vẻ đẹp tâm hồn của những người con Tây Bắc.
Đến Hòa Bình đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật của tỉnh, cũng là dịp Quốc khánh, chúng tôi còn được tìm hiểu sâu hơn về kinh đô xứ Mường xưa và tình yêu của con người nơi đây dành cho cách mạng, cho Bác Hồ.
Cách Công trình Thủy điện Hòa Bình trên sông Đà hơn 10km, đi qua con dốc Cun, trên đường số 6 cũ, bản Giang Mỗ, xã Bình Thanh, H.Cao Phong rộng mở với mô hình du lịch cộng đồng rất gần gũi của người Mường. Ở đó, chúng tôi được thưởng thức cơm nếp thơm, rượu táo mèo, cam Cao Phong, được nghe những bài ca cổ xưa của xứ Mường.
Chủ nhân nhà sàn ngồi bên cửa voóng say sưa kể cho chúng tôi nghe về Tết Mường và Tết độc lập. Tết Mường mọi người tụ tập hát đúm, hát ví, chúc xuân, mời rượu… Còn Tết Độc lập thì kéo dài đúng một tuần lễ, kể từ ngày 2-9, dân bản ăn khao rất to, con cháu tranh thủ về hết, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp bản...
Với 40 nhà sàn (hộ dân), bản Giang Mỗ (hay Mỗ Xá) có thể đón khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, hoặc tìm hiểu về văn hóa Mường. Bản được tỉnh hướng dẫn thành lập đội cồng chiêng, hát múa của chính người dân bản, để phục vụ cho các đoàn khách. Với thái độ an nhiên, tự tại, người dân bản luôn lấy sự chân thành, mộc mạc, cùng nếp sống tình cảm, nhiệt tình để mang đến cho du khách sự yên bình, thư thái.
Trong chuyến đi ngắn ngủi ấy, chúng tôi “lạc” vào kinh đô đích thực của xứ Mường tại Bảo tàng di sản văn hóa Mường - vốn là một bảo tàng tư nhân của nghệ nhân Bùi Thanh Bình - nguyên Phó giám đốc Công ty Du lịch tỉnh Hòa Bình. Với tổng diện tích hơn 4 ngàn m2, hơn 6 ngàn hiện vật được trưng bày, không gian này đã tái hiện các mảng đời sống, văn hóa, lịch sử của người Mường, trong đó có những hiện vật hết sức quý hiếm như bộ sưu tập chiêng Mường (hơn 100 chiếc), trống đồng, lịch Đoi (bộ lịch tre thể hiện toàn bộ triết lý sống của người Mường)... Và đặc biệt, những nét đặc sắc của nhà lang, một thời vàng son và bí ẩn, được hé lộ nơi đây…
* Lạc vào bản Nguyên Thủy
Rất gần Khu di tích Tây Tiến, đỉnh Pha Luông đón chúng tôi trong cái nắng buốt giá của mùa đông, cùng những hàng cây mận, cây đào lác đác nở hoa. Mùa đông giá lạnh không ngăn được bước chân của du khách khắp nơi tìm đến bản Hang Táu, còn gọi là bản Nguyên Thủy (bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, TT.Mộc Châu, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La). Đây cũng là mô hình du lịch cộng đồng, mang đậm màu sắc đời sống văn hóa dân tộc Thái, với những nét đặc sắc có một không hai: không điện, không wifi, không có phương tiện cơ giới (trừ xe máy đưa bạn đến đầu bản), cũng không có dịch vụ lưu trú. Muốn ở lại, bạn phải mang theo lều, nhưng đó là điều cần làm nếu bạn muốn tận hưởng không khí trong lành và thiên nhiên hoang sơ đẹp như tranh vẽ, chưa hề bị bê tông hóa nơi đây.
Tây Bắc hào hùng với những trang sử, với những nét văn hóa dân tộc đặc biệt, luôn bừng dậy một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt. Tây Bắc là xứ sở của đá tai mèo, của sông lớn, núi cao, thác sâu… luôn mời gọi, tiếng gọi của người Tây Bắc ngập tràn yêu thương.
Bản Nguyên Thủy chỉ có khoảng 20 nhà sàn bằng gỗ, lá được dựng nép vào sườn núi đá, nằm rải rác xung quanh thảo nguyên rất xanh và sạch. Trai bản có lẽ đã đi rừng, hoặc đưa khách ra vào, nên từ cổng bản đi vào thảo nguyên xanh chỉ gặp đa phần là phụ nữ. Những người phụ nữ ngồi bên bếp than, vừa tranh thủ nướng bánh, nướng khoai, vừa thêu thổ cẩm thoăn thoắt; những người phụ nữ chăm chỉ dọn vệ sinh trên cỏ; những người phụ nữ chơi đùa cùng con nhỏ bên con suối nhỏ, bên rặng đá lô nhô… Cảnh tượng ấy mang đến một sự thanh bình, yên ả đến lạ kỳ. Chúng tôi mê mẩn nhìn nụ cười trên gương mặt không son phấn của những người phụ nữ ấy, ngắm ánh mắt, đôi má trẻ thơ, nhìn các cháu chơi đùa say sưa trên thảm cỏ…
Chúng tôi nấn ná đến chiều muộn để ngắm nhìn dân bản lùa những chú ngỗng, đàn lợn gà về dưới chân nhà sàn, dõi theo những cháu thiếu niên dắt trâu về qua đồng cỏ. Cả những chú ngựa trắng phau, hiền lành cũng cúi đầu từ biệt, nhưng chúng tôi không muốn rời chân. Bởi khung cảnh nơi đây đẹp “như vườn địa đàng” (như lời của nhà văn Lê Phương Liên nhận xét). Người dân bản hẹn chúng tôi tháng sau quay trở lại, để ngắm hoa đào, hoa mận, tam giác mạch nở kín núi đồi mùa xuân. Chúng tôi không thể nào quên được nét căng tròn, núng nính của gia súc được chăn thả trong bản Hang Táu; màu xanh thăm thẳm của những rặng núi mờ xa; cũng không thể quên những đỉnh dốc nhấp nhô, khúc khuỷu và dáng ngồi của một em bé từ núi cao phủ mây nhìn xuống bình nguyên với dòng suối sâu lấp lánh…
Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/mot-thoang-tay-bac-c0d45de/