Một thoáng Trung thu

Khi nhớ về tuổi thơ ngay người lớn cũng không quên nhắc đến Rằm tháng Tám. Cái Tết trẻ con mà chúng ta thường gọi là Trung thu ấy mang những âm sắc thật trong trẻo, tươi sáng của một đêm trăng đẹp nhất trong năm.

Vằng vặc trăng tròn tỏa ảnh sáng dịu mát xuống muôn nơi. Đèn kéo quân, đèn lồng, đèn ông sao được thắp lên, mâm cỗ bày ra, bao đôi mắt trẻ thơ đen láy háo hức mong chờ. Tùng dinh dinh, tùng dinh dinh... tôi chẳng quên được khúc hát ấu thơ hồn nhiên cùng với ông tiến sĩ giấy mũ mão cân đai nghiêm ngắn bên chiếc trống bỏi bé xinh và những bưởi, hồng, na, ổi, chuối, cốm... đang thèm bàn tay trẻ con đụng đến.

Trung thu xưa và Trung thu nay, thời nào thích hơn? Không dễ trả lời đâu nhé. Thời nay, trẻ lên bốn, lên năm đã biết cầm điện thoại thông minh tìm trò chơi ảo mặc nhiên là rất khác thời con nít chỉ ham đánh khăng, chọi dế... Công nghệ hiện đại đã tạo ra một thế giới đồ chơi cực kỳ tinh xảo, hấp dẫn với trẻ em. Kể cả chiếc đèn lồng, đèn ông sao cũng khang khác thời xa lắc. Những tiến sĩ giấy, trống bỏi của thời tôi con nít không còn được các cháu bây giờ ưa chuộng. Trái quả không thay đổi tên nhưng hương sắc vườn bãi cũng bay đi ít nhiều rồi; công nghệ sinh học góp phần tạo nên sản phẩm mới to hơn, ít hạt hơn... Và mong sao cái bầu không gian Trung thu hôm nay, trăng gió bây giờ mãi còn thanh khiết như thời xửa xưa.

Tôi thường nghĩ, dân tộc nào làm rơi vãi, hao hụt hay tệ hơn làm sai lệch truyền thống tốt đẹp sẽ chịu thiệt thòi và có thể cả bất hạnh. Trước sau, sớm muộn phải như thế. Phải làm sao cho những nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc tỏa sáng bằng năng lượng của xã hội hôm nay. Có thể nguồn gốc Trung thu không phải ở nước ta nhưng tôi nghĩ nó đã được Việt hóa và ẩn chứa trong đó nhiều ý nghĩa nhân văn của ông cha về cuộc sống trong vũ trụ bao la. Tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ thơ. Trung thu hướng con người đến sự sum vầy đoàn tụ, lòng yêu thương trong gia đình, xóm mạc. Trong ánh trăng mát lành, con người và trời đất như hòa quyện vào nhau. Con người sẽ yêu thiên nhiên hơn. Bên mâm cỗ Trung thu tình cảm gia đình sẽ có dịp bộc lộ thắm thiết. Cuộc sống nhiều yêu thương mới thực sự vững bền. Đấy là giá trị lớn nhất của mọi thời đại mà con người luôn hướng tới. Giá trị của Trung thu không phải ở những mâm cỗ, món quà đắt tiền, những sân chơi lộng lẫy mà trước hết phải ở sự vui tươi, hồn nhiên, trong trẻo của trẻ thơ. Tết của các cháu, dù ở đâu, đã sung túc hay còn thiếu thốn cũng phải tràn ngập tình yêu thương thực sự. Tình thương, đấy mới là ánh sáng đẹp nhất của đêm trăng Rằm tháng Tám. Người lớn chớ đem sự vụ lợi che lấp ánh trăng vằng vặc của tuổi thơ. Cũng đừng quên đêm Trung thu các trẻ em vùng lũ, vùng sâu, vùng xa, vùng cao nơi còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hãy dành cho các cháu nơi ấy những sự chia sẻ về tình cảm và vật chất nếu có. Một chiếc đèn ông sao, một chiếc bánh nướng, một thứ đồ chơi... gửi đến cho trẻ em vùng khó kịp đêm Rằm tháng Tám là nghĩa cử, bài học đẹp về lòng nhân ái Thương người như thể thương thân của dân tộc mình.

Nếu làm được điều đó Trung thu sẽ đẹp hơn rất nhiều ./.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mot-thoang-trung-thu-590916