Một thời báo giấy 'vượt sóng' ra giàn DK1
Một thời báo giấy 'vượt sóng' ra 15 nhà giàn DK1, nơi được vì là những 'pháo đài thép' chốt giữ, bảo vệ thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và cũng được coi là nơi 'khát thông tin' nhất. Mọi thông tin ở đất liền được tiếp nhận qua những tờ báo giấy ấy và chiếc đài radio, vậy mà các anh vẫn kiêu hãnh kiên cường bảo vệ vững chắc trời biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Thả báo xuống biển
Nhà giàn DK1 cách đất liền 600 km nên báo giấy bao giờ cũng nhận muộn hơn 2 tháng so với thời gian phát hành. Đối với cán bộ chiến sĩ các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, báo giấy đến tay cán bộ chiến sĩ nhiều hơn và có phần “xông xênh” hơn nhà giàn DK1. Vì ngoài chế độ tiêu chuẩn, các chiến sĩ Trường Sa còn được nhận nhiều ấn phẩm báo chí của các cơ quan, đoàn thể mang ra mùa biển lặng. Loại báo chí này chiến sĩ Trường Sa gọi là “hàng xách tay” bởi đa số là tạp chí, nhiều ảnh những cô gái đẹp, rất bắt mắt. Còn chiến sĩ nhà giàn DK1, đọc báo theo tháng “đến hẹn tàu ra” đem theo báo chí. Cứ 2 tháng, tàu từ đất liền ra nhà giàn DK1 cấp “hàng quân nhu” một lần, lúc đó cán bộ chiến sĩ các nhà giàn mới được đọc báo.
Từ năm 2009 trở về trước, thông tin chủ yếu của các chiến sĩ nhà giàn là nghe đài tiếng nói Việt Nam và chương trình phát thanh quân đội. Tivi chỉ dùng xem băng từ qua hệ thống đầu máy video. Một số nhà giàn được trang bị chảo thu vệ tinh TVRO nhưng không được bao lâu. Tuổi thọ của mỗi chảo vệ tinh TVRO chỉ 2-3 năm là hỏng vì hơi nước biển mặn bốc lên làm gỉ sét hoặc gió to làm lệch múi thu vệ tinh, hoặc “mắt thần vệ tinh” bị sét đánh hỏng không thu được tín hiệu. Vì thế báo giấy vẫn là kênh thông tin lâu bền của chiến sĩ nhà giàn.
Thông thường báo được chuyển từ đất liền theo tàu trực 2 tháng 1 lần. Trước khi tàu xuất phát, chiến sĩ liên lạc có nhiệm vụ chia báo cho các nhà giàn, đóng gói cẩn thận vào bao ni lông chống ướt, ghi tên từng nhà giàn và vận chuyển xuống tàu. Nếu sóng yên biển lặng, báo được chở bằng xuồng máy, khi gặp sóng to gió lớn, báo được gói cẩn thận trong bao bảo quản chống ướt, cột chặt vào dây mồi thả xuống biển để các chiến sĩ nhà giàn kéo lên. Nhiều khi kéo được báo lên, mọi người háo hức mở ra đọc nhưng tất cả đều ướt mèm do bao ni lông thủng. Vậy là các chiến sĩ phải nhẹ nhàng dỡ từng tờ đem hong khắp nhà chờ khô để đọc. Cũng có khi, nhà giàn nhận 60 tờ báo chung một số như nhau, vì người chia báo từ đất liền nhầm lẫn.
“Món ăn tinh thần” không thể thiếu
Hiện tại 15 nhà giàn DK1 đều được xem truyền hình qua vệ tinh TVRO ở các kênh VTV1, VTV3 và truy cập internet qua mạng điện thoại di động Viettell, riêng nhà giàn DK1/10 (bãi cạn Cà Mau) xem được 32 kênh quốc tế do Đài truyền hình Cà Mau tài trợ. Ở nhà giàn này, mỗi chiến sĩ được đăng ký một số điện thoại di động miễn phí (kinh phí do Đài truyền hình Cà Mau chi trả). Do khí hậu khắc nghiệt, thường xuyên có sóng to gió bão, nhiễm nước biển mặn nên chất lượng đường truyền Internet thường xuyên rớt mạng, tivi thường xuyên mất tín hiệu vệ tinh do sấm chớp, mưa phủ, mây che, bởi thế báo giấy vẫn chiếm vị trí ưu thế.
Trong nhiều loại báo như Quân đội nhân dân, Tiền Phong, tờ báo địa phương (báo Bà Rịa - Vũng Tàu), thì báo Tiền Phong luôn được các chiến sĩ yêu mến. Ở các nhà giàn DK1 phân công một chiến sĩ gom báo Tiền Phong đóng thành một tập theo thứ tự từng số và truyền tay nhau đọc. Đọc hết một lượt cất đi, tháng sau đem ra đọc lại thấy như mới. Truyền tay nhau đọc đi đọc lại nhiều lần, tập báo cũ mèm rách nát các chiến sĩ mới bỏ đi.
Nhớ lại những ngày đọc báo giấy giữa ngàn khơi sóng gió, Thượng tá Nguyễn Thế Dĩnh, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Chuẩn bị khi có tàu đi nhà giàn là liên lạc gói báo, thư chuyển xuống tàu. Lúc đó ngoài giàn anh em trông thư báo lắm. Tuy bây giờ có điện thoại, song ở giữa biển khơi nhận được lá thư viết tay từ đất liền vẫn cảm thấy xúc động. Việc đầu tiên khi tàu đi thay trực là chỉ huy đơn vị quan tâm đến thư báo cho bộ đội. Bởi thế việc đóng gói, ghi tên phải thật cẩn thận chu đáo, tránh thư báo của nhà giàn này lại chuyển nhầm cho nhà giàn kia”.
“Công nghệ cắt dán” của chiến sĩ trẻ
Mặc dù hiện nay đời sống văn hóa tinh thần của cán bộ chiến sĩ Trường Sa và nhà giàn DK1 đã được cải thiện, không còn “đói” thông tin như trước nữa, nhất là hiện nay mạng internet được “phủ kín” DK1, song không vì thế mà báo giấy bị các chiến sĩ “chê”. Ngược lại, báo giấy luôn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu.
Sau khi đọc xong, nhiều chiến sĩ trẻ cắt những bài báo, bài thơ hay, những câu châm ngôn, lời hay ý đẹp dán vào sổ tay làm hành trang cho cuộc sống. Những tấm ảnh đẹp trên tạp chí được các chiến sĩ cắt dán trên trần giường ngủ, hoặc nơi “góc nhỏ riêng tư” để mỗi lần ngắm thấy đỡ nhớ đất liền hơn. Nhiều chiến sĩ sáng tạo “vận dụng” viết thư cho người yêu bằng những câu châm ngôn lượm lặt từ báo. Mỗi khi tết đến xuân về, những tấm ảnh đẹp, mỗi bài thơ hay được các chiến sĩ cắt dán làm báo tường theo từng chủ đề treo trang trọng giữa câu lạc bộ.
Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Văn Long ở nhà giàn DK1/10 hơn 10 năm qua có thói quen cắt những bài báo hay dán vào sổ theo chủ đề và coi đó là “cẩm nang” quý giá. Đại úy Long chia sẻ: “Những bài báo tôi sưu tầm rất có ý nghĩa để học hỏi kinh nghiệm, nó như hành trang của tôi trong cuộc đời binh nghiệp. Bây giờ ở nhà giàn DK1 thông tin đa dạng hơn, nhưng tôi vẫn thích tờ báo giấy. Nếu tivi, internet là phương tiện trực quan nóng hổi, thì báo giấy làm cho tôi nhớ lâu, nhớ sâu nhất”.
Trung tá Nghiêm Xuân Thái, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 chia sẻ: “Báo chí đối với các chiến sĩ nhà giàn DK1 không bao giờ lạc hậu, tuy so với đất liền đã lỗi thời. Khi các chiến sĩ DK1 nhận quà, câu hỏi đầu tiên là có nhiều thư báo không? Hiện nay nhà giàn DK1 có 3 loại báo chính là báo Quân đội nhân dân, báo Nhân Dân, báo Bà Rịa - Vũng Tàu. So với Trường Sa, các chiến sĩ nhà giàn có phần “đói” báo hơn”.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/mot-thoi-bao-giay-vuot-song-ra-gian-dk1-614385.html