Nhớ về 'thời hoa đỏ', một lá phổi và câu chuyện 200cc máu
Những ngày cuối tháng Tư lịch sử, tôi đã có dịp trò chuyện cùng cựu chiến binh Nguyễn Tài Đạt, nghe ông kể lại những năm tháng chiến tranh gian khổ, hào hùng của dân tộc.

Cựu chiến binh Nguyễn Tài Đạt đã có những chia sẻ về "thời hoa đỏ" - ngày tháng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam. (Ảnh NVCC)
Ông Đạt sinh năm 1954, quê Hải phòng, nhập ngũ năm 1972 thuộc Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 101). Tuổi nay ngoài 70, trên người mang đầy thương tích chiến tranh nhưng ông Đạt vẫn còn minh mẫn. Từng tham gia bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, giải phóng thành phố Huế, góp mặt trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và sang Lào chiến đấu, hiện chỉ còn một lá phổi và mang trên người 7 mảnh đạn, ông Đạt vẫn tâm niệm “tàn nhưng không phế”.
Nhớ ngày “giỗ trận” của Tiểu đoàn 2
Người lính nhớ lại những ngày tháng chiến đấu ác liệt ở Quảng Trị, lúc giáp ranh với địch như “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi ấy, một đồng đội của ông bị xe tăng chèn qua nhưng vẫn kiên gan, không sợ chết. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh ông mãi, để rồi ông tự dặn mình phải chiến đấu, không bao giờ được đầu hàng.
Ông kể, sau khi ký Hiệp định Paris (1973), ta và địch vẫn đánh nhau nhì nhằng, quân bổ sung liên tục bởi vì sự hy sinh, mất mát ở Quảng Trị quá lớn. Cuối năm 1973, đầu năm 1974, từ Quảng Trị, Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 101) bắt đầu hành quân để đánh vào Huế. Đó là những ngày anh em kham khổ, chịu đói, chịu khát nhưng tinh thần vẫn không nao núng...
Không giấu được nỗi nghẹn ngào, ông Đạt kể tiếp, ngày 21/3/1975, đơn vị ông đánh xuống đường Một giải phóng Hương Điền, Phú Lộc, Lộc Điền (Huế). Đến Huế, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 Nguyễn Đức Việt (quê Kiến Thụy, Hải Phòng) chỉ huy đánh trận. Khi đến cầu Truồi (Phú Lộc, thành phố Huế), ta “khóa” đường Một, không cho địch chạy. Khi đó, địch chống trả quyết liệt, quân ta bất ngờ bị “pháo dập”, hy sinh mấy chục chiến sĩ.
“Đó là sự tổn thất lớn lao, vậy nên cứ đến ngày 21/3, nhớ đến anh em ngã xuống, chúng tôi lại nghẹn ngào. Các đồng đội của tôi hiện còn nằm nhiều ở Nghĩa trang Phú Lộc và Nghĩa trang Lộc Điền…”, ông bồi hồi.
Sáng 25/3/1975, Trung đoàn 101 (Sư đoàn 325), Trung đoàn 3 (Sư đoàn 324) từ phía Nam, các đơn vị của Quân khu Trị - Thiên từ phía Bắc cùng tiến vào trung tâm thành phố Huế.
Ngày 25/3/1975, thành phố Huế được giải phóng. Đêm cùng ngày, tại vùng ven thành phố, Thành ủy Huế họp quyết định phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang chiến đấu giải phóng toàn tỉnh.
Ông Đạt nhớ khoảnh khắc tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Việt chỉ thị cho tiểu đội trưởng trinh sát Phạm Trung Phương (người Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lên cắm cờ ở Cửa Ngọ Môn lúc 11h30 ngày 25/3/1975. Ngày 26/3/1975, đài phát thanh mới tuyên bố giải phóng Huế.
“Trung đoàn 101 sinh ra, trưởng thành ở Thừa Thiên-Huế nên khi vào cắm cờ ở cửa Ngọ Môn (Huế) có ý nghĩa lịch sử rất lớn. Giây phút đó chúng tôi không bao giờ quên được”, ông nói.
Nhưng rồi, đến 16/4/1975 đánh xuống Phan Giang, đồng chí Phạm Trung Phương bị trúng pháo hy sinh. Thương đồng đội dũng cảm nhưng những người lính vẫn gạt nước mắt để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Sau đó, đơn vị ông tiếp tục hành quân đánh vào Long Thành, Sài Gòn. Lúc bấy giờ là 2h chiều ngày 26/4/1975, vùng chiến thuật cửa ngõ Sài Gòn xung quanh là rừng cao su, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng có thể bị địch phát hiện.
Tiểu đoàn 2 của ông Đạt bị một trận bom, hy sinh 168 người, tâm trạng của anh em nặng nề. Ông vẫn nhớ như in hình ảnh tiểu đoàn trưởng Nguyễn Đức Việt khi ấy đã khóc, xin thề với anh em là bằng mọi giá, còn một hơi thở cuối cùng cũng phải chiến đấu để giành được chiến thắng, trả thù cho anh em.
“Chúng tôi coi ngày 26/4 là ngày giỗ trận đau thương nhất khi cách Sài Gòn chỉ còn 35km, trận bom đã khiến cho bao thanh niên đang mơ về chiến thắng phải vùi mình trong đất. Vì chỉ còn bốn ngày là giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước rồi mà anh em phải nằm xuống quá nhiều…”, ông Đạt ngậm ngùi.
Năm giờ chiều ngày 26/4/1975, phát lệnh mở chiến dịch Hồ Chí Minh. Sáng ngày 29/4/1975, các cánh quân của ta cùng đánh vào các căn cứ phòng ngự của địch để tiến vào nội thành Sài Gòn. Tất cả các đơn vị bừng bừng khí thế tiến công, quyết đánh chiếm các mục tiêu được phân công. Sau hơn ba ngày đêm chiến đấu quyết liệt, quân đội ta đã đánh chiếm được nhiều căn cứ, vị trí, đập tan tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn của quân địch. Chiến sĩ sục sôi khí thế quyết thắng.
Sáng sớm ngày 30/4/1975, từ khắp các hướng, quân đội ta ào ạt tiến vào Sài Gòn. 10 giờ 45 phút cùng ngày, ta tiến đánh vào Dinh Độc lập. Trưa ngày 30/4, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc phủ Tổng thống chính quyền Sài Gòn-Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối, Tiểu đoàn 2 lại nhận thêm quân và bắt đầu sang giải phóng Lào.

Ông Đạt (thứ hai từ trái sang) chụp ảnh cùng các đồng đội trong một buổi gặp mặt (Ảnh NVCC)
Chỉ còn một lá phổi và câu chuyện 200cc máu
Khi sang Lào, quân ta đánh vào đến đâu thì địch chạy đến đó, giải phóng được thủ đô và các tỉnh của Lào thì quân địch lại chạy vào rừng. Cứ như vậy, chúng ta vừa đánh vừa đuổi.
Ngày 22/12/1977, ông Đạt cùng chín đồng chí đi trinh sát. Bất ngờ rơi vào vòng vây của địch, ông và các đồng đội vẫn giằng co quyết liệt mấy tiếng đồng hồ, may mắn không ai hy sinh nhưng ông Đạt bị thương nặng. Ông được một người lính Lào vác trên vai chạy vài cây số vào bản để trị thương.
“Tôi bị thương, mất nhiều máu nhưng nhóm máu của tôi là nhóm máu AB rất hiếm. Tưởng như tia hy vọng sống của tôi đã hết… Nhưng may mắn có cô y tá tên Hoa đã cứu tôi một mạng. Cô Hoa khi đó mới 17 tuổi, người gầy gò, ốm yếu cho tôi được 200cc máu. Nhờ đó, tôi đã qua cơn nguy kịch”, ông Đạt nhớ lại.
Sau đó, ông Đạt được đưa về Sài Gòn điều trị suốt 21 mới dậy được. Rồi ông tiếp tục được đưa đi điều trị thêm hai năm (từ 22/12/1977 đến 22/12/1979) thì ra viện, cũng là ngày ra quân. “Tôi bị bảy mảnh đạn trên người, phải cắt bỏ một lá phổi. Hiện tại, tôi chỉ còn một lá phổi…”, ông trầm ngâm.
Tấm gương người lính cụ Hồ thời bình
Cầm thẻ thương binh từ mặt trận, về đời thường ông Đạt luôn tâm niệm, tuy bệnh tật, “tàn nhưng không phế”, bắt tay vào lao động, làm đủ các ngành, từ xây dựng doanh nghiệp đến vận tải để đảm bảo cuộc sống mưu sinh. Khi đất nước giải phóng thì còn khó khăn, tự dặn mình phải tự vận động, tự nỗ lực, để con có cuộc sống đầy đủ.

Ông Đạt và bà xã trong một lần đi từ thiện. (Ảnh NVCC)
“Năm 1984, tôi để dành tiền lương thương binh một năm không lĩnh để cuối năm chở hai con ra chợ Sắt (Hải Phòng) để mua quần áo Tết.
Khi mua được hai bộ quần áo cho con thì hết một năm lương ấy. Tôi nói vui, thôi về đi, để mai kia bố thiết kế tiền rồi mua cho mỗi đứa một đôi dép nữa”, ông nhớ lại.
Đúng là càng khó khăn càng nỗ lực hơn. Dường như năm nào ông cũng quay lại chiến trường xưa để thắp hương cho anh em, cũng là để tặng quà động viên bà con. Ông nhìn xa xăm: “Tôi luôn tranh thủ thời gian, vì không biết rồi mai kia có đi được nữa hay không”.
Năm 2020, xảy ra trận lũ lụt miền Trung, nước ngập lên nóc nhà, ông Đạt kêu gọi anh em, đồng đội đứng lên quyên góp được hai tấn gạo. “Khi đó, nhà tôi bỏ ra tám tấn gạo nữa để ủng hộ. Trong hai tháng, tôi tổ chức bốn chuyến”.
Là cựu chiến binh từng bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, mỗi lần quay lại đây, ông đều nghẹn ngào. Ông Đạt kể, khi cùng anh em mang gạo vào phân phát cho bà con, có một bà mẹ 92 tuổi, chân đi đất, mặc cái áo tơi rách, bà cụ không cầm gạo mà cứ cầm hai tay của ông. Bà cụ nói: “Con ơi con, mấy chục năm về trước con vào đây giành giật từng tấc đất cho đồng bào, bây giờ lũ lụt miền Trung tàn phá vùng đất này, con lại vào đây cứu đói cho bà con. Nghĩa cử này mẹ không thể nói hết được…”.
Nghe vậy, ông Đạt chỉ bảo: “Mẹ cứ mang gạo về nấu ăn đi…”. Rồi ông tiếp tục công tác phân phát gạo, phát tiền cho bà con. Những câu chuyện ấy tuy nhỏ nhưng lại là ô cửa ký ức mà ông luôn mang bên mình, như tình cảm với mảnh đất đầy đạn bom này, mến yêu những con người lầm lũi nơi đây.
Sau đó, khi nước rút rồi, ông Đạt nhận thấy, giờ bà con cần thóc giống để gieo trồng. Ông quyết định kêu gọi lần nữa, số tiền khi đó mua được khoảng một tấn thóc giống. Doanh nghiệp của gia đình ông bỏ ra mua thêm ba tấn thóc giống nữa là bốn tấn. Bạn bè của con ông ủng hộ được một tấn nữa. Chuyến xe nghĩa tình ấy lại tiếp tục vào Quảng Trị lần nữa, được phát cho 5 xã… "Năm ấy, sau khi lũ đi, phù sa ở lại, bà con trong đó được mùa lúa...", ông khoe.
Cứ như vậy, ông mải miết kể về hành trình của mình dù có lúc câu chuyện bị gián đoạn bởi những cơn ho. Ông tâm niệm: “Cho đi là nhận lại, từng chiến đấu ở Quảng Trị, tôi tự thấy mình may mắn vì còn sống sót, còn cơ hội được làm những việc ý nghĩa”.
Ông hồ hởi khoe về hàng trăm suất quà vào trao cho bà con ở huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Từng là người lính chiến đấu anh dũng trên chiến trường, giờ ông lại là một tấm gương anh lính cụ Hồ trong thời bình.
Bất giác, ông lại nhớ về người đã vác mình trên vai chạy trong rừng mấy cây số để vào bản trị thương. Ông ngậm ngùi nhớ đến cô gái cho 200cc máu cứu mình năm ấy. Rồi ông lại nghĩ về những đồng đội đã để lại tuổi thanh xuân trên chiến trường. Đó là những lúc, người lính mới có 18, 19 tuổi vào mặt trận bị bọ chét, ve chó, vắt cắn sưng hết người. Lính cũ động viên, dùng thuốc Iốt bôi vào vết thương cho mình. Nhớ về hai ngày “giỗ trận” của đơn vị ông…
Những năm tháng chiến tranh ác liệt đó, biết bao đồng đội của ông đã nằm lại. Mỗi năm, ông đều đặn quay trở lại chiến trường xưa cũng để thực hiện công tác phát quà cho bà con. Trên hành trình ấy, ông luôn biết ơn vì còn có người vợ hiền luôn đồng hành cùng ông trong nhiều hoạt động.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nho-ve-thoi-hoa-do-mot-la-phoi-va-cau-chuyen-200cc-mau-311556.html