Một thử nghiệm táo bạo của nghệ thuật cải lương

Nhà hát Cải lương Việt Nam vừa ra mắt vở diễn 'Cánh cửa hé mở', khai thác chủ đề về công nghệ biến đổi gen và trí tuệ nhân tạo AI. Một tác phẩm đậm màu sắc viễn tưởng, lạ nhưng rất thuyết phục...

Câu chuyện bắt đầu về gia đình Thắng-Huyền, do gen di truyền nên những đứa con họ sinh ra đều mất sau một thời gian ngắn. Và họ đã tìm tới sự trợ giúp của công nghệ gen. Vị giáo sư đề xuất phương pháp sửa chữa gen của hai người bằng protein để cho ra đời một nhân vật phi thường.

Khát khao có được đứa con mạnh khỏe, dằn lại những nghi ngại, lo lắng...Thắng – Huyền đã đồng ý với đề xuất của vị giáo sư.

Nhưng đúng như lo ngại, linh cảm của một người mẹ, khi trưởng thành, cậu con trai đã trở thành một con người siêu phàm, có những khả năng đột biến khác xa với người bình thường. Câu chuyện bắt đầu từ sự thông minh siêu phàm này...

"Cánh cửa khép hờ" là vở diễn đầu tiên khai thác đề tài công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo AI.

"Cánh cửa khép hờ" là vở diễn đầu tiên khai thác đề tài công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo AI.

Ở đó, từng bước, khán giả được tiếp cận với những lời cảnh tỉnh về xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra trên thế giới. Cũng đồng thời khẳng định, mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên. Mọi tham vọng tác động làm biển đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân, đều tiềm ẩn những hiểm họa cho toàn nhân loại.

Với nghệ sĩ, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt.

Với nghệ sĩ, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt.

Theo chia sẻ của đạo diễn Triệu Trung Kiên, vở diễn đề tài giả tưởng là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay. Cánh cửa mở hé cho những điều thần kỳ, tự thân, thuận theo tự nhiên để cải biến mỗi cá thể, qua đó nâng tầm cho hiện thực thời đại. Tác phẩm cũng thể hiện mong muốn dấn bước vào các đề tài hóc búa, làm phong phú món ăn tinh thần hướng tới tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khán cải lương ở mọi lứa tuổi.

“Với nghệ sĩ, đây là một phép thử, tạo nguồn cảm hứng mãnh liệt. Nghệ thuật không có giới hạn, song song với bảo tồn cải lương truyền thống, chúng tôi tìm mọi cách để phát triển nó trong thời gian tới", NSND Triệu Trung Kiên cho hay.

Cũng phải thừa nhận, khá lâu rồi Nhà hát mới có một đêm sáng đèn nhiều cảm xúc như vậy. Không có nhiều trang trí, phần lớn sự hấp dẫn nằm ở phía nghệ thuật biểu diễn. Các diễn viên Nhà hát đều là những tài năng của ngành Cải lương nước nhà như Minh Hải vai chính Phạm Thắng, Huyền vợ Thắng do Ninh Thị Như Quỳnh đóng, bà dì Dịu do Nguyễn Thị Hà vào vai, cậu con trai Phạm Tân Kỷ Nguyên do Hoàng Tuấn thể hiện… đều đã diễn tròn vai.

Người xem ghi nhận sự thay đổi, vật lộn giữa phần người và phần quỷ trong vai của Hoàng Tuấn được thể hiện khá xuất sắc; hay vai cô giúp việc vụng về, thảo mai nhưng rất duyên của Trần Thị Thu Hiền.

Các diễn viên đã thể hiện rất xuất sắc.

Các diễn viên đã thể hiện rất xuất sắc.

Tuy nhiên, là đêm diễn đầu tiên nên không tránh khỏi những sơ sót khi diễn chưa thật ăn ý, tiết tấu sân khấu có lúc bị trùng, hoặc những đoạn quá nhanh khiến khán giả không kịp lắng đọng cảm xúc, phần giải thích khoa học chưa mang tính phổ cập, người xem phải “hack não” một quãng ngắn, khiến mạch xem bị đứt đoạn...Nhưng đó chỉ là những “lỗi” nhỏ, khó tránh. Hi vọng, sẽ có nhiều hơn những tác phẩm mang tính dự báo, cảnh tỉnh vốn là một trong những chức năng của văn học nghệ thuật như Cánh cửa mở hé.

Cao Ngọc

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-thu-nghiem-tao-bao-cua-nghe-thuat-cai-luong-10289049.html