Một TikToker bị khóa kênh 5 triệu người theo dõi vì... thiếu tế nhị với trẻ em

Việc đùa giỡn với trẻ em, trẻ vị thành niên trên sóng livestream có thể khiến các nhà sáng tạo nội dung đối mặt với việc bị mất kênh, ảnh hưởng tới doanh thu bán hàng.

Sáng 11-6, tại sự kiện "Nâng cao các giải pháp toàn diện, cam kết thúc đẩy môi trường số an toàn" do TikTok Việt Nam tổ chức, nhà sáng tạo nội dung Thiện Nhân với kênh TikTok hơn 5 triệu người (gọi tắt là TikToker) cho biết anh đã bị khóa kênh chỉ vì đùa giỡn gả cháu trai cho khán giả xem livestream.

Khóa kênh vì thiếu tế nhị với trẻ em

Thiện Nhân cho cho biết: Hơn nửa tháng trước, trong một lần livestream giao lưu cùng khán giả, trước bình luận khen cháu trai đã lớn, và muốn làm cháu dâu, Thiện Nhân vui vẻ đáp lại "anh có nhận cháu dâu".

"Chỉ câu nói này thôi, 10 phút sau TikTok buộc tôi dừng phiên livestream vì tôi có hành vi thiếu đúng đắn với trẻ nhỏ. Sau 30 ngày kênh TikTok bị khóa vĩnh viễn, dù trước đó tôi có nhiều cống hiến và được nền tảng này vinh danh”- Thiện Nhân nói.

Theo TikToker này, dù việc bị khóa kênh ảnh hưởng đến tinh thần và doanh số bán hàng nhưng giúp anh ý thức hơn trong việc sử dụng mạng xã hội, nhất là có trẻ nhỏ.

 Thiện Nhân (ở giữa) kể câu chuyện bị khóa kênh TikTok vì gả cháu cho khán giả trên sóng livestream. Ảnh: THU HÀ

Thiện Nhân (ở giữa) kể câu chuyện bị khóa kênh TikTok vì gả cháu cho khán giả trên sóng livestream. Ảnh: THU HÀ

Bà Nguyễn Phương Anh, Đại diện nhóm an toàn TikTok cũng cho hay, dù việc tương tác qua lại như trong phiên livestream của Thiện Nhân chỉ mang tính vui vẻ, vô hại nhưng đã vi phạm khi có lời trêu ghẹo với trẻ em, trẻ vị thành niên...

“ Việc xử lý vi phạm của TikTok nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng”- bà Anh nói.

Siết chặt an toàn khi sử dụng mạng xã hội

Thạc sĩ (Th.S) Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng của Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho biết, khảo sát tiếng nói trẻ em do MSD thực hiện vào năm 2020, chỉ ra: Trẻ em dành 83% thời gian lên mạng cho học tập, 71% cho giải trí và kết bạn, 23% là chia sẻ thông tin, 30% phục vụ nhu cầu mua sắm và 6% cho livestream.

Tuy nhiên, 40% trẻ em cảm thấy không an toàn khi sử dụng Internet. Hơn 70% trẻ em từng có trải nghiệm không mong muốn như bị lộ thông tin cá nhân, bị nhắn tin quấy rối, bị bắt nạt trên mạng... Năm 2020, 124 trẻ em (22%) từng trải qua việc bị xâm hại tình dục trực tuyến.

"Có quá nhiều rủi ro cho trẻ trên không gian mạng. Hiện nay, nhiều trẻ em, trẻ vị thành niên đã vô tình hoặc có chủ ý trở thành những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội. Nhiều em bé nổi tiếng và tạo ra thu nhập cho gia đình trên môi trường mạng ngay từ khi lọt lòng.

Dù điều này có thể tốt nhưng cũng đem lại nhiều rủi ro về quyền riêng tư cho trẻ. Chính vì thế, tôi đánh giá cao việc các nền tảng mạng xã hội đặt ra các quy chuẩn cộng đồng dành cho từng độ tuổi. Điều này sẽ tạo sự an toàn lành mạnh trên các không gian mạng”, bà Linh nói.

Ở góc độ quản lý nền tảng, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam đồng tình với bà Linh và cho rằng đảm bảo an toàn cho người dùng và cộng đồng luôn là ưu tiên hàng đầu của TikTok.

"Hiện chúng tôi đang siết chặt các quy định đối với trẻ nhỏ như quy định số tuổi ngay từ khi tải ứng dụng, giới hạn độ tuổi với nội dung không phù hợp với trẻ vị thành niên, hay trẻ từ 13 -15 tuổi khi dùng TikTok sẽ không nhận được thông báo từ 9 giờ tối, hay trao quyền cho cộng đồng bằng các tính năng như vô hiệu hóa tin nhắn (với trẻ từ dưới 16 tuổi), kiểm soát tin nhắn, bình luận……”- ông Thanh nêu.

Theo vị này, tính riêng quý 4-2023, TikTok đã gỡ bỏ hơn 85,6 triệu video vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng và điều khoản dịch vụ của nền tảng. Trong đó 46,8 triệu video được xóa tự động. Ngoài ra, hơn 91% video vi phạm đã được gỡ chỉ trong vòng 24 giờ đăng tải.

Một số nền tảng khác như Youtube cũng thông tin, đã và đang siết chặt các vấn đề sử dụng đối với trẻ nhỏ khi sử dụng ứng dụng. Đơn cử như ra mắt nền tảng riêng cho trẻ, hay quản lý nội dung dành cho trẻ từ 13 đến 17 tuổi sẽ ở chế độ riêng tư theo mặc định, tức chỉ hiển thị với người dùng và những người được người dùng lựa chọn.

Mạng xã hội YouTube này cũng buộc các nhà sáng tạo nội dung phải đánh dấu nội dung video của họ có dành cho trẻ em hay không...

Th.S Nguyễn Phương Linh cho rằng: Gia đình, nhà trường và xã hội cần chú trọng giáo dục, trang bị kiến thức cho trẻ em để bảo vệ bản thân trước làn sóng bùng nổ của internet, và tận dụng lợi thế mà công nghệ mang lại.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/mot-tiktoker-bi-khoa-kenh-5-trieu-nguoi-theo-doi-vi-thieu-te-nhi-voi-tre-em-post795214.html