Mốt trẻ con trang điểm tại Trung Quốc
Mặc dù chỉ mới 8 tuổi, nhưng bé Mengmeng đã quen với phấn mắt và sen môi chẳng kém gì sách giáo khoa và đồ chơi.
Cô bé Mengmeng học sinh tiểu học ở Thượng Hải là người mẫu nhí làm việc bán thời gian, từng xuất hiện trong nhiều quảng cáo cùng chương trình thời trang dành cho trẻ em. Những buổi chụp hình hoặc sự kiện đòi hỏi Mengmeng phải trang điểm.
Bà Candice Yang muốn nuôi dưỡng ý thức thẩm mỹ cho con mình: “Con gái tất nhiên phải học cách trân trọng cái đẹp ngay từ lúc còn nhỏ”.
Những gia đình như Mengmeng và mẹ của bé góp phần làm gia tăng đáng kể lượng tiêu thụ mỹ phẩm dành cho trẻ em ở Trung Quốc – xu hướng đi ngược lại với nhiều thành phần xã hội khác, chẳng hạn như trường học đề ra quy định nghiêm ngặt về ngoại hình học sinh (thậm chí cả kiểu tóc).
Theo thống kê do hãng bán lẻ hàng nhập khẩu Kaola thực hiện, doanh số sản phẩm trang điểm trẻ em trên nền tảng này vào tháng 5.2020 tăng hơn 1.200% so với cùng kỳ năm 2019, doanh số tính đến tháng 7.2020 tăng gấp 3 lần năm trước đó.
Học giả Trữ Triều Huy thuộc Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục quốc gia nhận xét tăng trưởng ngành sản phẩm trang điểm trẻ em được thúc đẩy bởi tham vọng biến con thành ngôi sao của không ít bậc cha mẹ.
“Khi truyền thông xã hội phát triển, nhiều người đã thành danh nhờ hình thức livestream. Các bậc cha mẹ hy vọng con cái cũng nổi tiếng như vậy nên họ cho chúng ăn mặc, trang điểm rồi "quảng cáo’ con trực tuyến”, học giả Trữ lý giải.
Trên vài ứng dụng truyền thông xã hội, nhập từ khóa “trẻ em trang điểm” sẽ ra rất nhiều đoạn phim với những đứa trẻ đang cố gắng khiến bản thân giống “công chúa” hoặc tạo hình dễ thương nào đó.
Ví dụ trên nền tảng Xiaohongshu, một cô bé khoảng 7 tuổi đăng đoạn phim hướng dẫn cách trang điểm nhanh trong 3 phút, phù hợp trình diễn sân khấu.
Video trẻ em trang điểm tràn ngập trên mạng xã hội Trung Quốc - Ảnh: SCMP
Sở dĩ mỹ phẩm trẻ em ngày càng phổ biến là vì số lượng gia đình tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Gia đình trung lưu không ngần ngại đầu tư cho con tham gia hoạt động ngoại khóa như ca hát hay nhảy múa (cần trang điểm khi trình diễn).
“Đặt trong bối cảnh Trung Quốc thì tôi nghĩ đây là chuyện tốt. Chúng ta từng quá tập trung vào thành tích học tập của trẻ, sẽ tốt hơn khi trẻ em được làm điều gì đó khác, đa dạng hóa hoạt động. Tuy nhiên cũng cần có giới hạn. Nếu vượt qua giới hạn, hoạt động ngoại khóa sẽ tiêu tốn quá nhiều thời gian của trẻ và khiến trẻ quá chú trọng ngoại hình”, theo học giả Trữ.
Cô Liu Xiaoyun không cấm 2 con gái (4 tuổi và 9 tuổi) thỉnh thoảng trang điểm. Người mẹ này muốn bảo vệ tính tò mò của con. “Nhưng thành thật mà nói, tôi cũng lo một khi quen với sử dụng mỹ phẩm, con sẽ đánh giá người khác qua vẻ ngoài hoặc nghĩ rằng bản thân chỉ xinh đẹp khi trang điểm”, cô Liu chia sẻ.
Cô Yang lại quan tâm đến thành phần mỹ phẩm: “Người trang điểm của những buổi trình diễn thời trang trẻ em thường dùng mỹ phẩm có thương hiệu, chất lượng tốt. Tuy vậy tôi phát hiện mỹ phẩm họ dùng chủ yếu dành cho người lớn, không tốt cho trẻ nhỏ nhưng đâu còn lựa chọn nào khác”.
Trong khi đó, mặt hàng mỹ phẩm trẻ em được bày bán như đồ chơi và không ghi rõ thành phần. Disney Princess - hãng mỹ phẩm trẻ em nổi tiếng nhất Trung Quốc - tự giới thiệu trên trang web là đơn vị sản xuất đồ chơi, công ty Khải Lợi Đạt (Quảng Đông) sở hữu nhiều bộ mỹ phẩm trẻ em mới đây tham gia một triển lãm đồ chơi tại Thẩm Quyến. Hàng chục thương hiệu khác tiếp cận khách hàng thông qua nền tảng thương mại điện tử với nhiều mức giá khác nhau.
Mỹ phẩm trẻ em bị xem như đồ chơi, không ghi rõ thành phần - Ảnh: SCMP
Dịp lễ Ngày quốc tế thiếu nhi 1.6 vừa qua, bác sĩ da liễu Lu Yao làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng - Phụ nữ trung ương Thành Đô tiếp nhận một số bệnh nhân nhỏ tuổi bị dị ứng sản phẩm trang điểm. Ông khuyến cáo làn da, hệ thống miễn dịch lẫn nội tiết của trẻ em còn non nớt, hơn nữa các bé còn có thói quen đưa tay vào miệng nên dễ bị thành phần nguy hiểm trong mỹ phẩm gây hại.
“Nhìn chung mỹ phẩm có hại cho trẻ em hơn cho người lớn. Dựa trên nghiên cứu hiện tại, trẻ em chỉ có thể sử dụng mỹ phẩm đạt chuẩn 1 lần/tháng, trên một số vùng da nhất định”, theo bác sĩ Yao.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mot-tre-con-trang-diem-tai-trung-quoc-166787.html