Một tuần làm việc chỉ 4 ngày, người lao động có hạnh phúc hơn?
Ít việc hơn, ít tiền hơn, nhưng hạnh phúc hơn và năng suất cao hơn. Đó là lập luận của những người ủng hộ chế độ làm việc 4 ngày/tuần tại Đức.
Trong khi Đức, giống như nhiều quốc gia khác, đang nỗ lực tìm kiếm nguồn lao động, thì hàng chục công ty lại thử nghiệm cho phép nhân viên làm 4 ngày/tuần.
Tính đến đầu tháng 2/2024, đã có 45 công ty và tổ chức tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu thử nghiệm chế độ tuần làm việc 4 ngày trong 6 tháng. Người lao động sẽ tiếp tục được nhận đầy đủ tiền lương. Sáng kiến trên do công ty tư vấn Intraprenör phối hợp với tổ chức phi lợi nhuận 4 Day Week Global (4DWG) đưa ra.
Những người ủng hộ lập luận rằng, tuần làm việc 4 ngày sẽ giúp tăng năng suất của người lao động và do đó giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động có tay nghề của đất nước. Đức từ lâu đã nổi tiếng về sự cần cù và hiệu quả. Tuy nhiên trong những năm gần đây, năng suất ở Đức đã giảm.
Thời gian làm ngắn đi không hẳn là lười biếng. Về cốt lõi, năng suất được đo bằng cách chia sản lượng kinh tế cho số giờ làm việc. Trong vài năm qua, chi phí năng lượng cao đã ảnh hưởng đến sản lượng của các công ty, khiến họ và đất nước - có điểm năng suất thấp hơn. Nếu các công ty có thể duy trì sản lượng hiện tại với nhân viên làm việc ít giờ hơn, điều này đương nhiên sẽ dẫn đến mức năng suất cao hơn. Nhưng cũng có thể không?
Những người ủng hộ lập luận trên cho rằng, nhân viên làm việc 4 ngày thay vì 5 ngày sẽ có động lực hơn và do đó làm việc hiệu quả hơn. Mô hình này cũng có khả năng thu hút nhiều người hơn vào lực lượng lao động bằng cách thu hút những người không sẵn sàng làm việc 5 ngày một tuần, giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động.
Lý thuyết này đã được đưa vào thử nghiệm bên ngoài nước Đức. Kể từ năm 2019, 4DWG đã thực hiện các chương trình thí điểm trên toàn cầu — từ Vương quốc Anh và Nam Phi đến Australia, Ireland và Mỹ. Hơn 500 công ty đã tham gia thử nghiệm và kết quả ban đầu dường như ủng hộ thời gian làm việc ngắn hơn.
Nhìn vào một thử nghiệm với gần 3.000 công nhân ở Anh, các nhà nghiên cứu từ Cambridge và Boston nhận thấy gần 40% người tham gia cho biết họ cảm thấy bớt căng thẳng hơn sau thí nghiệm và số lượng đơn xin nghỉ việc giảm 57%.
Số ngày nghỉ ốm cũng giảm đi 2/3. Số liệu gần đây do công ty bảo hiểm y tế DAK của Đức cho thấy trong năm 2023, trung bình người lao động ở Đức nghỉ ốm 20 ngày. Dựa trên thống kê trên, Hiệp hội các công ty dược phẩm Đức (VFA) cho biết số ngày nghỉ liên quan đến bệnh tật ốm đau gây tổn thất lên tới 26 tỷ Euro (28 tỷ USD) ở Đức trong năm 2023, điều này khiến sản lượng kinh tế giảm 0,8 điểm phần trăm.
Trong chương trình thử nghiệm làm 4 ngày/tuần ở Anh, các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy doanh thu trung bình tăng khoảng 1,4% ở 56/61 công ty tham gia. Đa số bày tỏ mong muốn duy trì tuần làm việc 4 ngày.
Tuy nhiên, với những công việc nghiên cứu, đòi hỏi chuyên môn cao hơn, không thể khẳng định chế độ làm việc thử nghiệm này có hiệu quả tại Đức.
Chuyên gia thị trường lao động ông Enzo Weber đã tiến hành khảo sát tại Đại học Regensburg và Viện Nghiên cứu Việc làm và thấy rằng dự án thí điểm này gặp một số vấn đề.
Phát biểu với Hãng truyền thông DW, ông Weber cho rằng, chỉ những công ty có công việc phù hợp với chế độ làm việc 4 ngày/tuần mới đăng ký thử nghiệm. Do đó, các kết quả không thể áp dụng cho toàn bộ nền kinh tế.
Ông Weber cũng hoài nghi chế độ làm việc ít hơn có thể tăng sự tập trung đối với công việc. Ít giờ hơn đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến các yếu tố xã hội và sáng tạo của công việc. Trong nghiên cứu này, những hậu quả có thể chưa cảm nhận ngay lập tức, do trong các nghiên cứu mới chỉ được thử nghiệm kéo dài 6 tháng.
Những người hoài nghi khác chỉ ra thách thức trong việc đo lường năng suất. Giảm giờ làm việc có thể dẫn đến những thay đổi về cơ cấu, và ảnh hưởng đến sự gắn kết của nhân viên. Ông Holger Schäfer, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Đức (IW) tại Koln, cho biết, việc mong đợi tăng 25% năng suất để đổi lấy việc giảm 20% thời gian làm việc là điều viển vông.
Nhà kinh tế Bernd Fitzenberg thuộc Viện Nghiên cứu Việc làm (IAB) của Đức cho rằng, một tuần làm việc 4 ngày có thể đồng nghĩa với việc chi phí của các công ty sẽ cao hơn nếu “việc dàn trải giờ làm việc chỉ trong 4 ngày không được bù đắp bằng việc tăng năng suất”.
Ông Fitzenberg cho rằng: “Chế độ làm việc này trở nên vô cùng khó khăn trong các lĩnh vực dịch vụ, nhất là với những thời điểm cố định với khách hàng hoặc những người đang được chăm sóc”, đặc biệt càng khó thực hiện hơn trong các lĩnh vực như điều dưỡng, dịch vụ an ninh hoặc vận tải. Ông cho biết: “Nếu thực hiện cứng nhắc những quy định như vậy trên tất cả các ngành theo cùng một cách, điều đó có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh”.
Bất chấp những ý kiến phản đối, tuần làm việc 4 ngày vẫn có sức hấp dẫn, ngay cả đối với những doanh nghiệp công nghiệp có uy tín. Nghiệp đoàn lớn nhất nước Đức IG Metall hiện ủng hộ việc thử nghiệm rút ngắn thời gian làm việc trong một thời gian. Ví dụ, trong ngành thép, hiện nay áp dụng chế độ làm việc chỉ 35 giờ/tuần.