Một túi nylon, chai nhựa bạn vứt xuống khiến bạn và gia đình lâm nguy hơn

Phung phí thêm một mảnh giấy ăn, mua một chai nước suối hay phần cà phê mang về đựng trong cốc nhựa, chính mỗi người chúng ta đang hằng ngày làm Trái đất nóng lên.

Tôi từng chứng kiến cảnh trái khoáy thế này ở quán ăn trong một ngày đầu hè nóng như thiêu đốt ở Hà Nội: Người đàn ông liên tục rút giấy ăn lau miệng, lau trán, lau tay rồi vứt xuống sàn nhà, trong khi không ngớt phàn nàn với bạn về thời tiết và bình luận về tình trạng hủy hoại môi trường, khí nhà kính, biến đổi khí hậu.

Có lẽ ông cũng như nhiều người khác không nhận ra sự mâu thuẫn giữa lời nói với hành động của mình. Dù “biến đổi khí hậu” đã trở thành khái niệm quen thuộc được rất nhiều người dân nhắc đến khi bàn chuyện thời tiết ngày càng kinh khủng hơn, họ có thể không biết, rất nhiều thứ mà họ sử dụng vô tội vạ đã góp phần tạo nên tình trạng tồi tệ đó.

Nhiều người không biết rằng thêm một mảnh giấy ăn họ rút ra rồi ném xuống, thêm một suất cà phê hay trà sữa mang đi đựng trong ly nhựa, một chai nhựa đựng nước suối hay nước ngọt, một hộp xốp đựng phần ăn trưa kèm chiếc thìa và đôi đũa dùng một lần… đều khiến Trái đất nóng lên nhanh hơn, tạo ra tiết trời hầm hập như lò lửa đến mức có thể chiên trứng ốp la trên mặt đường.

Đôi đũa dùng một lần ấy được lấy từ một cây xanh từng che mát mặt đất và giữ nước trong lòng đất nhưng nay đã bị đốn hạ. Quá trình sản xuất nó cũng như các mặt hàng khác gồm chai nhựa, cốc nhựa, hộp xốp, giấy ăn… đều phát thải khí nhà kính. Việc sản xuất nhiệt điện phục vụ hoạt động công nghiệp này cũng vậy.

Càng tiêu thụ nhiều những món đồ dùng một lần, bạn càng thúc đẩy sự lặp lại liên tục những quy trình sản xuất gây phát thải khí nhà kính, khiến Trái đất nóng lên.

Một suất cà phê hay trà sữa mang đi đựng trong ly nhựa, một chai nhựa đựng nước suối hay nước ngọt, một hộp xốp đựng phần ăn trưa kèm chiếc thìa và đôi đũa dùng một lần… đều khiến Trái đất nóng lên nhanh hơn. (Ảnh: Logistics)

Một suất cà phê hay trà sữa mang đi đựng trong ly nhựa, một chai nhựa đựng nước suối hay nước ngọt, một hộp xốp đựng phần ăn trưa kèm chiếc thìa và đôi đũa dùng một lần… đều khiến Trái đất nóng lên nhanh hơn. (Ảnh: Logistics)

Đặc biệt đối với đồ nhựa, ngoài tác hại đầu độc môi trường đất và nước, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Plos One tháng 8/2018 còn cho thấy, quá trình phân hủy chúng cũng sản sinh khí nhà kính. Loạt thí nghiệm của các nhà khoa học Mỹ và Canada đã chứng minh các vật dụng nhựa quen thuộc với chúng ta hằng ngày như chai lọ, túi mua sắm, hộp đựng thực phẩm… sẽ giải phóng các loại khí gây hiệu ứng nhà kính khi phân hủy trong tự nhiên.

Chúng ta đang sống trong những tháng ngày mà sự xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên dị thường, cực đoan đã trở nên thường xuyên đến mức bình thường: Mùa đông nóng như mùa hè, mưa lũ trái quy luật, hạn - mặn khốc liệt, giông lốc, mưa đá trái mùa… Đây là hậu quả sự nóng lên của Trái đất, một trong những biểu hiện biến đổi khí hậu.

Đã không còn ai nằm ngoài ảnh hưởng của những biến đổi đáng sợ này. Bên cạnh những gia đình có người thiệt mạng là những hộ dân trở nên nghèo khổ, phá sản sau thảm họa mà thiên nhiên giáng xuống. Tất cả mọi người phải sống trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Người ta thường trách “ông trời” hoặc quy tội cho ai đó mà quên phần trách nhiệm của mình trong việc tạo ra môi trường sống ngày nay. Quan trọng hơn, mọi người thường quên rằng, bản thân mình có thể dừng hoặc hạn chế rất nhiều hành vi đốt nóng Trái đất, chẳng hạn như đừng dùng khăn giấy một cách vô tội vạ khi ăn uống tại nhà hay hàng quán, đừng xin thêm túi nylon khi mua sắm.

Con người đương đại lạm dụng những món đồ dùng một lần do thói quen và sự tiện lợi mà chúng mang lại. Phải chăng chúng ta không thể sống nổi nếu thiếu chai nhựa, cốc nhựa, hộp xốp, túi nylon? Chắc chắn là không. Hạn chế tối đa việc sử dụng chúng liệu có phải là điều khả thi? Câu trả lời là có. Thế nhưng số người đang từ chối đồ dùng một lần những khi có thể chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong số người nhận thức được tầm quan trọng của nó.

Thật khó từ bỏ các vật dụng tiện ích có hại môi trường đang vây quanh mọi lúc mọi nơi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm bớt việc tiêu thụ chúng mà không làm giảm chất lượng cuộc sống, chỉ cần luôn nhớ rằng: Lấy thêm một món đồ không thật sự cần thiết đó là bạn một lần đánh đổi cơ hội được sống tốt hơn, an toàn hơn cho bản thân và đồng loại, thậm chí là cơ hội sinh tồn.

Nên lựa chọn thế nào, người có đủ trí tuệ đều hiểu, việc còn lại là nghiêm khắc với bản thân và thay đổi thói quen.

Tiến Đạt

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mot-tui-nylon-chai-nhua-ban-vut-xuong-khien-ban-va-gia-dinh-lam-nguy-hon-ar869729.html