Một Việt Nam đầy chất thơ
Những quan sát và diễn giải của nhà thơ Đức Jan Wagner về Việt Nam như lời cảm ơn dành cho mảnh đất hình chữ S - nơi anh đã say mê và được truyền cảm hứng từ nền văn hóa sống động và đa dạng.
Từ một góc nhìn khác
Năm 2017, nhà thơ Jan Wagner nhận lời mời của Viện Goethe Hà Nội, tham gia chương trình lưu trú tại Việt Nam. Kết quả của những chuyến đi và giới thiệu thơ của Jan Wagner tới độc giả tại Hà Nội, Huế và thành phố Hồ Chí Minh là tuyển tập Những tấm bưu thiếp Việt Nam. Qua đôi mắt của một người nước ngoài, tác giả đãghi lại rất nhiều sự việc, hiện tượng và cảnh vật mà anh cho là đậm chất Việt Nam. Jan Wagner ngắm đường phố, ra chợ, vào quán ăn, đi Lăng Bác, vào các điểm di tích văn hóa... Jan Wagner quan sát và ấn tượng, suy tư và diễn giải. Để rồi, những trang viết mang đến chuyến du lịch văn học nghệ thuật thú vị giúp khám phá đất nước Việt Nam từ một góc nhìn khác.
Với tên gọi Những tấm bưu thiếp Việt Nam, cuốn sách có thể khiến nhiều người hiểu nhầm là tuyển tập bưu thiếp Việt Nam. Nhưng khi tiếp cận, độc giả có thể hiểu vì sao tác giả chọn cách đặt tên này. Bởi những cảm nhận của Jan Wagner về đất nước, con người Việt Nam trong tác phẩm cũng y hệt như khi người ta dùng những tấm bưu thiếp để gửi cho ai đó, kể về hành trình của mình. Theo lời Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội Oliver Brandt: “Trong những bức ký họa du lịch của mình, Jan Wagner kết hợp đầy sinh động mùi vị, âm thanh, màu sắc và hình dạng khi đi qua các khu chợ và quán ăn Việt Nam để tạo thành một màn pháo hoa đầy gợi cảm”.
Là người nước ngoài nhưng với đôi mắt mẫn cảm của nhà thơ, Jan Wagner biết nhặt ra các đặc điểm rất riêng, đặc trưng ở những nơi anh đặt chân đến. Ví dụ hình ảnh những đứa trẻ ngồi kẹp giữa bố và mẹ khi đi xe máy, phía trước là tấm lưng căng cứng của bố, phía sau là phần bụng và ngực mềm của mẹ. Jan Wagner viết: “Hẳn phải là một ký ức tuổi thơ đặc biệt Việt Nam về những giây phút được che trở an toàn tuyệt đối, mà không một người Âu châu, không một người ‘không Việt Nam’ nào có thể cảm nhận được”. Thậm chí, Jan Wagner quan sát và miêu tả cả cách ngồi xổm, bàn chân phải thế nào, lưng ở tư thế ra sao… và nhận định, người Việt Nam chắc chắn phải có “cơ bắp” - những sợi cơ, búi bắp không có trong “cơ thể đã thoái hóa từ lâu của người Âu châu”…
Dịch giả Thái Kim Lan cho rằng hành văn của Jan Wagner có sự kết nối đặc biệt. Jan Wagner đến từ Đức - một quốc gia có vô vàn khác biệt so với Việt Nam, từ khí hậu, thời tiết đến văn hóa. Sự quan sát tinh nhạy của anh đưa đến những cảm nhận thú vị, khi luôn chú ý đến sự hiện diện của những thứ mà có lẽ những người đang sống xung quanh không mấy để ý như muỗi, xà phòng, thùng nước, đĩa cơm nguội... “Chẳng hạn, hãy xem cách Jan Wagner miêu tả chiếc ghế đẩu mà người Việt Nam sử dụng. Chúng ta không dễ để nảy ra những suy nghĩ về sự tạm bợ hay tính vội vàng từ chiếc ghế này như tác giả. Sự nhạy cảm và dễ rung động của Jan Wagner khiến anh biết cách diễn tả một Việt Nam rất đặc thù với văn phong văn hóa Đức của mình”.
Nối dài tình yêu và sáng tạo
“Để so sánh với những tác giả Việt Nam trước đây, với lối viết vừa mô tả địa danh vừa đậm sắc văn hóa, lại tinh tế, nhạy cảm… tôi thấy Jan Wagner có sự gần gũi với Thạch Lam của Việt Nam”. Nhận định như vậy, dịch giả Thái Kim Lan cho hay, ngoài góc nhìn với sự mô tả chi tiết, tác giả cuốn Những tấm bưu thiếp Việt Nam còn cho thấy sự truyền cảm, hóm hỉnh, sống động. “Jan Wagner là một nhà thơ mới của nước Đức. Trong khi nhiều tác giả muốn mình trở nên vĩ đại thì Jan Wagner lại muốn mình là người bình thường để ca hát và tìm niềm vui từ những điều nhỏ bé. Tôi cho rằng, ở anh có sự kết nối của hai đặc tính, nét tinh tế nhạy cảm và văn phong giản dị của một con người từ bi, rất Á Đông”.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng nhận xét, cách viết của tác giả người Đức đầy chất thơ, đúng như dịch giả Thái Kim Lan nhận định: cái hay mà Jan Wagner làm được là biến thứ tầm thường thành đối tượng văn học. Điều đó không những giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống Việt Nam theo nhiều chiều cạnh khác nhau mà còn giúp ta biết yêu hơn một vùng đất bởi cái hay và kể cả cái dở của nó.
“Ở đây, ta bắt gặp cảm xúc thú vị của một người đang yêu, một người đang say mê tìm kiếm những vẻ đẹp cuộc đời. Nhiều người khi nhìn nhận xã hội Việt Nam, do quá quen thuộc, nên thấy chẳng có gì đáng kể. Còn ở đây, tác giả là người nước ngoài, mang tới cho chúng ta cái nhìn duy tình. Tôi rất bất ngờ bắt gặp một Việt Nam được kể lại đầy chất thơ. Đây như những bài thơ dài ghép lại, được viết nên bởi con người dường như đã dành trọn tình yêu cho mảnh đất ông đặt chân đến”, nhà văn Nguyễn Trương Quý chia sẻ.
Jan Wagner cũng thừa nhận Việt Nam thực sự là nguồn cảm hứng cho những người làm công việc sáng tạo. Trải nghiệm văn hóa Việt Nam khiến anh thấy mới mẻ hơn trong tư duy và những trang viết tản mạn ra đời chính là một khác biệt lớn so với những gì trước đây anh đã làm.
“Tất nhiên, viết văn cũng là sự mạo hiểm với một nhà thơ, vì ngay đến thơ, tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian chờ đợi ý tưởng đến. Việc quan sát và cảm nhận cuộc sống qua những trang viết này bắt buộc chúng ta luôn luôn nghĩ và nhìn nhận mọi sự vật hiện diện trong đời thường, hoàn toàn khác kiểu ý tại ngôn ngoại của thơ. Nhìn chung, khoảng thời gian ở Việt Nam rất sống động và để lại những ký ức sâu đậm trong tâm trí tôi. Tôi hy vọng sẽ sớm có dịp quay lại nơi này, để có thêm những cách tiếp cận và góc nhìn mới”, Jan Wagner nói.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/mot-viet-nam-day-chat-tho-i358053/