Một vùng văn hóa Bồ Điền
Khi nhắc đến vùng đất Bồ Điền xưa (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc ngày nay), là nhắc đến một thời hào hùng 'Đánh ngô Kẻ Bồ' và những di sản gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu ấy đã trải qua bao năm tháng và tạo nên một vùng văn hóa Bồ Điền đậm đà bản sắc xứ Thanh.
Một góc vùng đất Bồ Điền (làng Phú Điền ngày nay).
Chúng tôi trở về Bồ Điền một vùng văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa Việt vào một ngày nắng đẹp. Người dân nơi đây đang náo nức chuẩn bị cho lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia – Lễ hội đền Bà Triệu, Lễ hội đền Bà Triệu 2023. Dạo bước trên những con đường bê tông sạch đẹp, cảm nhận rõ cuộc sống yên bình trong không gian làng Việt cổ. Hai bên đường dân cư san sát, bện chặt lấy nhau tạo nên một khối đoàn kết từ kết cấu đến tinh thần. Đến giữa làng, nơi được mệnh danh là “trái tim” của làng chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ bởi khối kiến trúc đậm bản sắc Việt - đình Phú Điền, được lưu giữ nguyên vẹn trong dòng chảy tấp nập, hối hả của cuộc sống hiện đại. Một công trình kiến trúc văn hóa mang đậm bản sắc Việt, cùng với cây đa, bến nước, tất cả vẫn còn nguyên vẹn hơi thở của làng Việt truyền thống.
Không gian văn hóa này càng đậm sắc Việt hơn mỗi khi vào dịp lễ hội. Người dân trong làng cùng chung lòng ngưỡng vọng đối với Thành hoàng làng – Bà Triệu. Ai cũng chuẩn bị tươm tất, thành kính hướng về ngày giỗ của Bà. Có lẽ, chính sự thờ phụng, nhất tâm hướng về Thành hoàng làng đã trở thành sợi dây liên kết vô hình, giúp dân Bồ Điền đoàn kết, tạo dựng nếp sống cộng cảm hòa đồng, phong tục tập quán được bảo tồn và phát huy qua nhiều thế hệ. Cụ Đặng Văn Khâm, 90 tuổi, một bậc cao niên trong làng Phú Điền chia sẻ: Lễ hội là ngày vui nhất của làng. Mọi người không chỉ thể hiện lòng thành kính đối với Thành hoàng làng, gửi gắm ước nguyện một năm mưa thuận gió hòa, gặp may mắn mà đây còn là dịp người dân được hòa mình vào lễ hội, rũ bỏ những muộn phiền, lo toan cùng nhau tham gia các trò chơi, trò diễn dân gian. Qua lễ hội, người dân Phú Điền ngày càng đoàn kết, gắn bó với nhau.
Bồ Điền là một vùng đất cổ. Vào thời Việt cổ có tên Kẻ Bồ. Nay là làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc). Theo sách Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX, thôn Phú Điền thuộc xã Phú Điền – là một đơn vị hành chính kiểu “nhất xã nhất thôn”. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, làng Phú Điền thuộc xã Phú Điền. Từ năm 1954 đến nay, sau nhiều lần chia tách, sáp nhập làng Phú Điền là đơn vị hành chính của xã Triệu Lộc. Theo các sách địa chí và địa danh lịch sử, Bồ Điền là một khu vực đồng bằng châu thổ nằm giữa hai dãy núi đá vôi, ở phía Bắc là núi Châu Lộc (điểm cuối dãy núi đá chạy từ tỉnh Hòa Bình về ngăn cách hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình), dưới chân là sông Lèn. Phía Nam là dãy núi Tam Đa (đoạn chót của dãy núi chạy dọc sông Mã) và dưới chân là sông. Từ Bồ Điền nhìn ra phía Đông là vùng đồng bằng huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc. Địa thế ấy đã tạo nên cho Bồ Điền trở thành vùng có cảnh quan phong thủy “sau có núi, trước có sông làm án” và cửa ngõ trọng yếu trên con đường thông thương từ Bắc vào Nam, từ miền xuôi lên miền núi, từ đồng bằng xuống biển.
Với vị trí phong thủy đón vượng khí ấy đã tạo nên một vùng Bồ Điền trù phú. Theo các cụ cao niên trong làng, xưa vùng này có tên gọi Bồ Điền, bởi đây là một vùng đất có núi giống cái bồ và có nhiều ruộng (điền). Sau đổi tên thành Phú Điền có nghĩa là đất tốt - ruộng tốt, gắn liền với ước vọng cuộc sống ấm no, đủ đầy của người dân địa phương.
Về mặt quân sự, Bồ Điền là một vị trí quân sự hiểm yếu. Bởi vậy, mà Bà Triệu đã chọn Bồ Điền làm căn cứ cách mạng. Tại Bồ Điền, ngược lên sông Lèn là quê hương của Bà Triệu; hoặc có thể tới căn cứ núi Nưa khi cần thiết. Và, có thể thuận tiện liên lạc với nghĩa quân các vùng. Nơi đây đã từng diễn ra hơn 30 trận quyết chiến ác liệt của nghĩa quân Bà Triệu với giặc Ngô. Điều này đã tạo nên thanh thế cho vùng đất “đánh ngô Kẻ Bồ”. Hiện nay, tại đây vẫn còn dấu vết của các đồn lũy quân doanh của nghĩa quân. Tương truyền, khi Bà Triệu xây dựng căn cứ địa tại đây, nghĩa quân cùng Nhân dân đã đắp lũy xây thành. Nhân dân Bồ Điền hăng hái góp sức, góp quân cho nghĩa quân Bà Triệu. Tinh thần yêu nước, đoàn kết chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương đất nước ấy không chỉ được minh chứng trong cuộc khởi nghĩa Bà Triệu mà trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, từ các trận địa pháo xây dựng trên đồi núi, quân dân ta kiên cường, anh dũng chiến đấu, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Lèn và tuyến đường giao thông huyết mạch Bắc vào Nam.
Có lẽ, vì sinh ra lớn lên từ vùng đất có vị trí quân sự hiểm yếu, gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước nên người dân nơi đây luôn đoàn kết, phát huy tinh thần yêu nước, gìn giữ quê hương, đất nước. Cùng với đó, được nuôi dưỡng bởi mảnh đất trù phú nên con người nơi đây luôn nồng hậu, nghĩa tình, chịu thương, chịu khó. Dù thời chiến hay thời bình, Nhân dân Bồ Điền vẫn luôn đoàn kết, gắn bó với nhau. Điều này đã tạo nên bản sắc của cộng đồng dân cư và sức mạnh địa phương cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, cũng bởi đặc trưng đó, người dân Bồ Điền đã cùng nhau lưu giữ gần như nguyên vẹn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông xưa để lại. Đó là những dấu tích liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bà Triệu và sự ngưỡng vọng đối với bậc tiền nhân đã có công xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Để rồi, đáp lại sự đoàn kết, trân quý lịch sử ấy là vinh dự được sống và đồng hành cùng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội đền Bà Triệu và Khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu. Có lẽ, hiếm có địa phương nào mà cùng lúc lưu giữ hai di sản cấp quốc gia như vậy. Điều đó, càng chứng minh các lớp lang văn hóa của vùng đất Bồ Điền.
Với việc hội tụ đủ các yếu tố vị trị địa lý, lịch sử, văn hóa, con người, như một kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, Bồ Điền trở thành vùng văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của văn hóa xứ Thanh và văn hóa Việt. Để những giá trị lịch sử, văn hóa quý báu ấy, người dân Phú Điền hôm nay đã và đang nỗ lực khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/mot-vung-van-hoa-bo-dien/180777.htm