MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh
Ngày 31/10, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Bắc Ninh quy định số lượng, khung chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, khu phố; chức danh, mức hỗ trợ kiêm nhiệm đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.
Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Điều, trong đó, quy định số lượng, khung chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được bố trí theo loại hình đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể: xã loại 1 là 14 người, loại 2 là 12 người và loại 3 là 10 người. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được hưởng mức phụ cấp hàng tháng bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng.
Mỗi thôn, khu phố bố trí tối đa không quá 9 người được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố. Thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên; khu phố có từ 500 hộ gia đình trở lên; thôn, khu phố thuộc cấp xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hỗ trợ kinh phí là 12 triệu đồng/tháng/thôn/khu phố; đối với các thôn và khu phố còn lại được hỗ trợ kinh phí là 10 triệu đồng/tháng/thôn/khu phố để chi trả cho những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, khu phố.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất sự cần thiết ban hành Nghị Quyết và việc ban hành Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và của tỉnh Bắc Ninh. Các ý kiến cũng đề nghị cần quy định cụ thể mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; nâng mức kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Lợi đánh giá cao những ý kiến góp ý của đại biểu tâm huyết, chất lượng, tập trung vào những nhóm nội dung, vấn đề cụ thể.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh sẽ tổng hợp chi tiết và đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức nghiên cứu thấu đáo, rà soát kỹ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Đảm bảo quyền, lợi ích của người dân, khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, để Nghị quyết đi vào cuộc sống.