Mù Cang Chải: Phụ nữ người Mông còn nhiều vất vả với lao động sản xuất thủ công
Trong khi nhiều nơi khác ở vùng miền núi Tây Bắc đã áp dụng máy móc, công nghệ vào sản xuất canh tác nông nghiệp thì nhiều phụ nữ người Mông ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vẫn áp dụng các phương thức thủ công. Điều này khiến chị em còn nhiều gian nan, vất vả.
Người Mông ở Mù Cang Chải vẫn duy trì sản xuất canh tác nông nghiệp với trồng lúa trên ruộng bậc thang là kế sinh nhai chính, tuy nhiên, phương thức canh tác sản xuất thì vẫn áp dụng thủ công, chủ yếu là lao động chân tay. Mỗi năm người Mông ở đây canh tác 2 vụ lúa và ngô, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực trong năm cho cả gia đình.
Do điều kiện đồi núi có độ dốc cao, ít mặt bằng nên người Mông chủ yếu canh tác trên các thửa ruộng bậc thang - đây cũng là những “công trình” kỳ vĩ, mà từ thế hệ cha ông họ, đã dày công san đồi, bạt núi tạo ra các thửa ruộng bậc thang nằm trên các sườn núi, sườn đồi.
Điều đáng nói, để sản xuất ra hạt thóc thì từ khâu cày bừa, gieo mạ, đến khi cấy hái, chăm sóc và thu hoạch sản phẩm, người dân đều áp dụng một quy trình thủ công truyền thống từ nhiều đời nay.
Chị Thào Thị Xúa, ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, cho biết: “Người Mông chúng tôi ở đây vẫn làm lúa như ngày xưa, dùng trâu cày bừa; nhổ mạ bằng tay, cắt lúa, đập lúa bằng tay, mang phân bón và thu lúa về cũng dùng gùi và đi bộ thôi. Thế nên cũng vất vả lắm nhưng chị em quen công việc làm rồi, cũng không thấy ai kêu mệt đâu”.
Chị Giàng Thị Mây, ở bàn Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, chia sẻ: “So với nhiều nơi khác thì người Mông chúng tôi ở đây vẫn làm việc lạc hậu, không sử dụng nhiều máy móc vào làm ruộng nương. Nhưng việc áp dụng máy móc thì cũng có nhiều cái chưa hợp lý. Vì ruộng nương năm nào cũng chỉ có như vậy, công việc vẫn như thế. Người dân hoàn toàn có thể làm thủ công cũng đáp ứng được. Nên chúng tôi thấy việc làm từ xưa đến nay vẫn thế, mặc dù có vất vả nhưng chị em cũng vẫn vui vẻ làm thôi”.
Vào ngày mùa, trên những cánh đồng bậc thang của người Mông nơi đây vẫn rộn ràng tiếng nói cười của những người nông dân chăm chỉ, nam giới thì cày bừa, phụ nữ thì nhổ mạ, cấy hái. Những đứa trẻ nhỏ vẫn theo bố mẹ lên nương. Đứa địu em, đứa vui chơi nhìn bố mẹ, anh chị làm công việc đồng áng. Đến bữa, cả gia đình lại quây quần ăn uống ngay tại bờ ruộng rất vui vẻ và đoàn kết.
Đặc biệt, chị em người Mông cũng như các gia đình nơi đây vẫn duy trì tập quán lao động đổi công, vào những ngày mùa vụ. Gia đình nọ làm giúp cho gia đình kia và ngược lại, nhờ đó, phần công việc nặng nhọc cũng được san sẻ cho nhau, vơi bớt đi những nỗi gian truân của mỗi thành viên trong bản làng, đồng thời tăng sự đoàn kết tương thân, tương ái lẫn nhau.
Bà Sùng Thị Mỷ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mù Cang Chải, cho hay: “Người Mông ở Mù Cang Chải có đặc thù là họ canh tác chủ yếu trên các thửa ruộng bậc thang, nằm trên đồi, trên núi. Giao thông đi lại còn khó khăn, các diện tích ruộng thì cũng nhỏ hẹp, thậm chí là có những khu vực ruộng nương còn manh mún. Vậy nên rất khó để áp dụng máy móc vào sản xuất. Do đó, người dân vẫn duy trì các phương thức sản xuất thủ công, chủ yếu dựa trên sức người nên khá vất vả”.
Với những phương thức lao động sản xuất còn thủ công, chị em phụ nữ người Mông nơi đây còn lắm gian truân. Song, những việc làm này lại khiến khách du lịch ở trong và ngoài nước tới Mù Cang Chải rất yêu thích và nể phục. Vì họ cảm nhận được những sự gian truân, vất vả của những người phụ nữ Mông "một nắng hai sương" trên những thửa ruộng bậc thang để mưu sinh trên vùng núi cao, thể hiện sức sống và lao động sản xuất chăm chỉ, bền bỉ của chị em.