Mù Cang Chải – Yên Bái: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn
Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân, nhằm tăng hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM).
Mù Cang Chải là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong những năm gần đây, huyện đã tích cực chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 30% trở lên, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn dưới 70%.
Đại hội Đảng bộ huyện Mù Cang Chải lần thứ XIX đã đề ra 4 chương trình trọng điểm để thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025; một trong 4 chương trình trọng điểm của huyện trong nhiệm kỳ mới này là phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Để triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Mù Cang Chải ban hành chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS gắn với chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Phấn đấu xây dựng Mù Cang Chải trở thành huyện du lịch - là điểm đến “Bản sắc, An toàn, Thân thiện”; phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn là huyện nghèo, đến năm 2030 không còn là huyện nghèo.
Những năm qua, để nâng cao chất lượng nguồn lao động, hướng tới mục tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo các ngành chức năng, phối hợp với các cơ sở dạy nghề quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Từ các chính sách hỗ trợ dạy nghề đã tạo thêm nhiều việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp.
Anh Giàng A Tuấn - một người con của bản La Pán Tẩn, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải chia sẻ: “Cũng như nhiều thanh niên khác trong bản, trong xã, trước đây tôi cũng chỉ làm nông cùng bố mẹ, quanh năm suốt tháng không đủ ăn. Tôi suy nghĩ rất nhiều phải làm gì để thoát khỏi cảnh đói nghèo, phải kiếm một cái nghề để không những đảm bảo cuộc sống cho gia đình mà còn giúp được bà con dân bản. Vậy nên, ở xã, huyện mở lớp học nghề gì là tôi đều đăng ký tham gia. Phải có nghề mới đỡ khổ, mới thoát được nghèo. Giờ thì kinh tế gia đình tôi đã ổn định. Tôi làm nghề thu nhập 1 tháng có khi bằng cả 1 năm làm ruộng. Đến nay tôi đã có một cửa hàng sửa chữa xe máy, nông cụ và đồ điện tử gia đình khang trang, lúc nào cũng đông khách”.
Nhờ chăm chỉ học hỏi và quyết tâm của bản thân đến nay thu nhập của gia đình Tuấn đạt từ 15 - 30 triệu đồng/tháng, tùy thời điểm. Không chỉ ổn định được kinh tế cho gia đình, những thời điểm đông khách, Tuấn còn tạo việc làm cho 2 lao động với mức lương từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Còn anh Thào A Su ở bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn năm 2021 sau khi học xong các lớp: chế biến món ăn, hướng dẫn viên, buồng bàn và lễ tân đã mạnh dạn cải tạo lại ngôi nhà sàn đang ở làm mô hình homestay phục vụ khách du lịch.
Thào A Su chia sẻ: "Phong cảnh ở xã mình đẹp, có nhiều khách du lịch đến đây, nên mình đã quyết tâm làm mô hình này, hiện tại nhà mình phục vụ được trên 20 khách. Thời gian tới mình sẽ đầu tư mở rộng để đón được nhiều khách hơn!”.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải cho biết: "Huyện coi việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan”.
Ông Trương Đăng Hùng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Mù Cang Chải cho biết: "Phòng đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn tham mưu thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng lựa chọn nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhu cầu cung ứng lao động của các doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện pháp lý, có uy tín để thông tin, tư vấn, tạo nguồn, tuyển chọn đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài...”.
Cùng với đó, huyện sẽ tiếp tục vận động người dân tham gia các lớp học nghề; xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, nhất là các nghề phi nông nghiệp để góp phần tích cực giảm nghèo bền vững và chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.
Theo đó, Mù Cang Chải thực hiện đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo chuyên môn các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở về đào tạo nghề, giải quyết việc làm chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp, tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất về chất lượng chuyển dịch cơ cấu lao động.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong tháng 9 năm 2022, toàn huyện đã có trên 50 lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Lũy kế 9 tháng có 282 lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, đạt 74,2% so với kế hoạch năm.
Huyện Mù Cang Chải phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 30% trở lên, tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm còn dưới 70%. Để đạt được mục tiêu trên, huyện đã chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp gắn với du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh.
Cũng nhờ thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn đặc biệt là vùng đồng bào DTTS nên huyện Mù Cang Chải đã nâng cao thu nhập cho người dân, tăng hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia và đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng NTM.