Mua bán điện cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng

Nghị định cho phép thực hiện mua bán điện trực tiếp (cơ chế DPPA) của Chính phủ không chỉ khơi thông nguồn lực điện tái tạo, thu hút đầu tư mà còn giúp chuyển đổi năng lượng sang sản xuất xanh. Cơ chế này sẽ đưa thị trường điện lực tiến gần tới cấp độ 'bán buôn' và ''bán lẻ' cạnh tranh.

Giải tỏa nguồn năng lượng tái tạo

Ngày 03/7/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 80/2024/NĐ-CP quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Theo đó, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bao gồm các nhà máy điện mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực.

Đây là bước đi có tính đột phá trong lộ trình xác lập thị trường điện cạnh tranh ở Việt Nam, đồng thời giúp các doanh nghiệp (DN) sản xuất có cơ hội lựa chọn các nhà cung cấp điện để đạt được chứng chỉ sản xuất xanh khi ngày càng có nhiều khách hàng quốc tế yêu cầu; đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. "Xanh hóa" là con đường bắt buộc, các DN thực hiện càng sớm thì cơ hội xuất khẩu càng có lợi. Đây cũng là nghị định mà các DN chờ đợi từ lâu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân

Nghị định 80 quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán điện năng được thực hiện thông qua 2 hình thức, gồm: mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện, giao nhận điện năng qua đường dây kết nối riêng giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn, giá cả do hai bên thỏa thuận.

Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện bao gồm đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Nghị định cũng cho phép khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (EVN - hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu; đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua hợp đồng kỳ hạn.

Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) chính thức được vận hành từ 03/7/2024

Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) chính thức được vận hành từ 03/7/2024

Ông Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực nhấn mạnh, việc ban hành cơ chế DPPA rất quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện các cơ chế/chính sách tiên tiến, công bằng, minh bạch, tạo động lực để thu hút nguồn vốn tư nhân trong đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy phát triển thị trường điện cạnh tranh tại Việt Nam.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định nói trên, ngày 05/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì hội nghị với 63 tỉnh thành, bộ ngành, tổ chức liên quan, để triển khai cơ chế DPPA. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: "Đây là cơ chế còn mới, chúng tôi đã dự báo trước tình hình và đề ra các giải pháp, đồng thời chúng tôi đã thành lập một tổ công tác để theo dõi kịp thời và phản ứng nhanh trong quá trình triển khai thực hiện nghị định này".

Nhiều điểm mới

Nghị định 80 có nhiều điểm mới so với dự thảo. Ví dụ, dự thảo quy định khách hàng sử dụng điện lớn là 500.000kWh/tháng, thì Nghị định 80 hạ mức tiêu thụ bình quân 200.000kWh/tháng trở lên, tính trung bình 12 tháng gần nhất. Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế, khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao... có sản lượng mua điện từ 200.000kWh/tháng trở lên đấu nối cấp điện áp 22kV trở lên.

Các nhà máy điện gió được phép bán điện trực tiếp. Ảnh: TTXVN

Các nhà máy điện gió được phép bán điện trực tiếp. Ảnh: TTXVN

Lưu ý, cơ chế DPPA là đơn vị sản xuất điện được bán trực tiếp cho người dùng, nhưng phải là những "khách hàng lớn" có mức tiêu dùng điện là 200.000kWh/tháng. Khi chọn mức 200.000kWh/tháng để áp dụng cho cơ chế này, Bộ Công thương đã tính toán với khách hàng dùng điện từ 200.000 - 1 triệu kWh/tháng. Trong đó, lượng khách hàng tiêu thụ từ 200.000kWh/tháng có khoảng 7.700 khách hàng, chiếm hơn 36% trên tổng số khách hàng dùng điện với mục đích phù hợp với năng lực cung cấp điện năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời hiện nay.

Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), nhu cầu tham gia hình thức mua bán điện trực tiếp rất lớn. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Nike, Google, Apple, Heineken... đã gửi thư tới Thủ tướng, Bộ Công thương bày tỏ sự ủng hộ với cơ chế DPPA.

Với bên mua điện (mục đích sản xuất từ cấp điện áp 22kV trở lên), có gần 50% số khách hàng được khảo sát trả lời mong muốn được tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu ước tính 996MW. Với bên bán, trong số 95/106 dự án có công suất đặt từ 30MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) có 24 dự án (với công suất đặt 1.773MW) muốn tham gia cơ chế DPPA; 17 dự án (công suất khoảng 2.836MW) cân nhắc về điều kiện tham gia.

Cơ chế DPPA có hiệu lực tức thì, hàng chục dự án với hàng ngàn MW điện tái tạo sẽ được giải phóng sau thời gian bị ách tắc, bổ sung nguồn cung điện khá lớn khi mà nguồn điện nước ta đang thiếu hụt như hiện nay. Bên cạnh đó, chắc chắn sẽ tăng lượng "người mua", thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh, thay vì chỉ EVN và các tổng công ty phân phối điện thuộc EVN như hiện nay, giúp đưa thị trường điện lực tiến gần tới cấp độ "bán buôn" và "bán lẻ” cạnh tranh.

Ngoài ra, cơ chế DPPA cũng tạo cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển năng lượng tái tạo. Đặc biệt vì thời gian qua tồn tại những "khoản trống" về pháp lý trong lĩnh vực điện tái tạo. Với DN sản xuất xuất khẩu, việc mua trực tiếp điện tái tạo từ nhà đầu tư trong các KCN sẽ giúp họ sớm có chứng chỉ giảm phát thải carbon để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Nghị định 80 có hiệu lực ngay trong ngày ký, cho thấy cơ chế DPPA cần kíp đến mức nào, đặc biệt để khách hàng và đơn vị phát điện sớm gặp nhau; khơi thông nguồn năng lượng tái tạo rất nhiều tiềm năng ở nước ta, thu hút đầu tư trên lĩnh vực này, góp phần để nước ta thực hiện cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.

Một tin vui từ hiệu ứng của Nghị định 80: Ngày 09/7, Quỹ Năng lượng sạch Đông Nam Á II (SEACEF II) do Clime Capital (có trụ sở ở Singapore) quản lý đã rót khoản đầu tư trị giá 10 triệu USD cho một DN Việt là Nami Distributed Energy (Nami) - công ty năng lượng sạch chuyên cung cấp các giải pháp sáng tạo về năng lượng phân tán, để làm điện sạch.

Ông Lưu Hoàng Hà (Chủ tịch Nami) cho biết: "Khoản đầu tư này và danh mục dự án phong phú đang mở rộng nhanh chóng, tạo vị thế hoàn hảo cho Nami ở vòng gọi vốn tiếp theo và tiếp tục tăng trưởng trên lĩnh vực điện sạch".

Cần hoàn thiện chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà

Một vấn đề hiện nay, việc lắp đặt và sử dụng điện mặt trời mái nhà cho sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các KCN. Sau thời gian dài chờ đợi chính sách mới, hiện dự thảo chính sách mới vẫn chưa có, lộ ra khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực này.

Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 chỉ khuyến khích điện mặt trời mái theo hình thức tự sản, tự tiêu, ưu tiên khuyến khích phát triển điện mặt trời tại hộ dân, công sở; chưa khuyến khích các cơ sở khác đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ điện lớn như các DN, bao gồm DN trong KCN lớn. Trong khi các DN cần sản xuất xanh để thuận lợi trong việc xuất khẩu. Việc sử dụng điện mặt trời mái nhà không chỉ giúp DN sản xuất xanh mà còn chủ động trong sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất.

Hiện cơ chế về điện mặt trời mái nhà cho DN, KCN chưa rõ ràng. DN lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh. Với cơ chế hiện nay, DN muốn cũng không làm được. Trên thực tế triển khai, số lượng DN, KCN chuyển đổi sang sử dụng điện mặt trời mái nhà vẫn còn hạn chế vì cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, các thủ tục, quy trình xin giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy... còn chung chung, làm nhiều DN nản chí. Vì vậy, các DN mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các KCN.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/mua-ban-dien-canh-tranh-thuc-day-chuyen-doi-nang-luong_164523.html