Mua bán, sáp nhập doanh nghiệp ở Việt Nam giảm mạnh

Trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị mua bán sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Ngày 3-11, Diễn đàn mua bán - sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2022 (M&A Vietnam Forum 2022) tổ chức họp báo cung cấp các thông tin chính thức về diễn đàn M&A thường niên lần thứ 14, do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chủ đề “Kích hoạt những cơ hội mới”.

Báo cáo mới nhất của công ty phân tích dữ liệu hàng đầu GlobalData cho thấy, quý III/2022 là quý có hoạt động M&A toàn cầu kém nhất, với giá trị thương vụ giảm 48% so với cùng kỳ năm 2021.

Các đại biểu trả lời báo chí. Ảnh: V.LONG

Các đại biểu trả lời báo chí. Ảnh: V.LONG

Cụ thể, thị trường toàn cầu ghi nhận 8.258 thương vụ M&A trị giá 544 tỉ USD, so với 9.605 thương vụ trị giá hơn 1 nghìn tỉ USD được ghi nhận trong quý cùng kỳ của năm 2021. Các giao dịch quy mô lớn chậm lại, thị trường M&A trên toàn cầu có thể phải trải qua cuộc suy thoái vào năm tới.

Tại Việt Nam, theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A cũng chỉ đạt 5,7 tỉ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, quỹ đầu tư tư nhân và quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm nay.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới - sáng tạo Việt Nam năm 2022 được dự báo sẽ chứng kiến mức đầu tư trị giá khoảng 2 tỉ USD, giữ vững phong độ của một “ngôi sao đang lên” về khởi nghiệp trong các nước Đông Nam Á.

Những dấu hiệu trên cho thấy, thị trường M&A tại Việt Nam được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.

Vì vậy, M&A Vietnam Forum 2022 sẽ thảo luận chuyên sâu các cơ hội, cũng như những nút thắt trong M&A tại Việt Nam, làm sao để tiếp tục thu hút dòng tiền từ các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh và các quỹ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư tư nhân, quỹ đầu tư mạo hiểm có lượng tiền dự trữ dồi dào đang tìm nơi rót vốn.

Diễn đàn sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM, TP.HCM vào ngày 23-11-2022, thu hút hơn 500 khách tham dự.

Năm 2021, Masan Group đóng góp 3 thương vụ tiêu biểu gồm: De Heus Group (Hà Lan) mua lại toàn bộ mảng thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn Masan ước tính giá trị khoảng 600 – 700 triệu USD, thương vụ SK Group (Hàn Quốc) mua 16,26% của Masan tại VinCommerce giá trị 410 triệu USD và thương vụ mua lại 85% cổ phần của Phúc Long, giá trị 280 triệu USD.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/mua-ban-sap-nhap-doanh-nghiep-o-viet-nam-giam-manh-post706215.html