Mua – bán 'xác' DN niêm yết, nâng giá cổ phiếu kiếm lợi tiền tỷ

Cơ quan Công an quận Long Biên vừa triệt phá 1 đường dây thao túng thị trường chứng khoán thông qua các hành vi mua – bán 'xác doanh nghiệp' niêm yết trên sàn chứng khoán, làm gian dối báo cáo tài chính, nâng giá cổ phiếu sau đó bán ra thị trường thu lợi bất chính.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1979, trú tại Khu đô thị Vinhomes Riverside, quận Long Biên, Hà Nội) về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán".

Cơ quan điều tra cho biết đã tiến hành thu thập tài liệu từ nhiều nguồn để xác định dòng tiền; xác định sự luân chuyển chứng khoán giữa những tài khoản có nghi vấn để xác định và chỉ ra mối quan hệ của những tài khoản chứng khoán trong cùng một đội nhóm; xác định chủ thể điều hành và trực tiếp thực hiện hành vi mua/bán chứng khoán trong đội nhóm nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu trên thị trường.

Đối tượng Nguyễn Khánh Toàn.

Đối tượng Nguyễn Khánh Toàn.

Cơ quan điều tra đã xác định đối tượng cầm đầu là Nguyễn Khánh Toàn. Phương thức hoạt động của đường dây này là tìm mua, chuyển nhượng lại các doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn chứng khoán nhưng có kết quả kinh doanh yếu kém mà cổ phiếu có thị giá thấp (hay gọi là "xác doanh nghiệp").

Nhóm các đối tượng làm gian dối báo cáo tài chính và hoạt động của doanh nghiệp, tiến hành công bố thông tin để thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư, sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán khác nhau để tiến hành mua bán trong nội bộ của nhóm. Sau khi nâng giá cổ phiếu, nhóm đối tượng sẽ bán ra thị trường để thu lợi bất chính.

Cụ thể, từ tháng 3 – 12/2021, Nguyễn Khánh Toàn đã chỉ đạo các nhân viên Công ty Chứng khoán Trí Việt sử dụng 20 tài khoản chứng khoán đứng tên của nhiều người khác nhau để liên tục mua, bán cổ phiếu KDM của Công ty Cổ phần Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới; nay đối tên là Công ty Cổ phần Tập đoàn GCL, tạo ra cung, cầu giả tạo; liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu KDM với khối lượng chi phối vào thời điểm đóng cửa thị trường tạo ra mức giá đóng cửa mới cho cổ phiếu KDM, thao túng giá của cổ phiếu KDM trong giai đoạn từ tháng 3 – 12/2021. Thông qua hành vi phạm tội, tính đến thời điểm này, nhóm đối tượng đã thu lợi bất chính hơn 9,8 tỷ đồng.

Theo đó, hành vi này của các đối tượng đã làm giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị thực của doanh nghiệp, gây ra sự bất công cho các nhà đầu tư trên thị trường; ảnh hưởng đến tính công bằng, minh bạch của thị trường chứng khoán; làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán.

Tập đoàn GCL, doanh nghiệp này được thành lập từ ngày 1/6/2009, với tên ban đầu là Công ty TNHH Long Thành. Năm 2013, doanh nghiệp chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần, vốn điều lệ 16 tỷ đồng.

Trong nhiều năm, Tập đoàn GCL trải qua 2 đợt tăng vốn, đồng thời trải qua không ít lần đổi tên. Những tên cũ của doanh nghiệp có thể kể đến như Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Long Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư HP Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Lê Gia, Công ty Cổ phần Tổng Công ty Phát triển Khu đô thị Dân cư mới.

Ngành nghề hiện tại của doanh nghiệp là kinh doanh thương mại thép, đầu tư tài chính và đầu tư bất động sản.

Tập đoàn GCL được chấp thuận niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vào ngày 9/3/2016 với giá đóng cửa cuối phiên là 11.600 đồng/cổ phiếu. KDM đóng cửa phiên 21/6 vừa qua ở mức 20.100 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, sau giai đoạn được xác định bị thao túng chứng khoán bởi nhóm đối tượng trên, cổ phiếu KDM trên thị trường chứng khoán đã ghi nhận nhiều chuỗi tăng “dựng đứng”. Trong những tháng đầu năm 2022, kể từ ngày 21/1/2022 đến ngày 13/4/2022, giá cổ phiếu KDM đã tăng từ mức 6.500 đồng/cổ phiếu lên mức 37.700 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng là 480% trong khoảng 3 tháng.

Trong năm 2023, cổ phiếu KDM tiếp tục ghi nhận 2 chuỗi tăng “dựng đứng”, tuy nhiên mức độ không còn “khủng” đến hàng trăm phần trăm như trước. Trong vòng 1 năm trở lại đây, thị giá của KDM đã tăng khoảng 73%, từ mức 10.500 đồng/cổ phiếu.

Về tình hình kinh doanh, điểm đặc biệt của Tập đoàn GCL là mức đỉnh doanh thu và lợi nhuận lại được ghi nhận ở giai đoạn trước khi lên sàn. Theo đó, kết quả kinh doanh tốt nhất của doanh nghiệp này đạt được vào năm 2015, với doanh thu hơn 88,7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 3,6 tỷ đồng.

Sau khi lên sàn, doanh nghiệp chưa từng ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận tương đương. Thậm chí, trong năm 2021-2022, Tập đoàn GCL lần lượt thua lỗ 252 triệu đồng và 3,3 tỷ đồng. Dù vậy, trong năm 2023, kết quả kinh doanh cho thấy doanh nghiệp đã phần nào phục hồi khi đạt doanh thu tăng trưởng dương và ghi nhận lợi nhuận dương.

Mới đây, Tập đoàn GCL đã thông báo về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với số lượng 497.000 cổ phiếu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:7, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1 quyền nhận cổ tức, mỗi 100 quyền sẽ được nhận 7 cổ phiếu phát hành mới. Sau phát hành, vốn điều lệ của doanh nghiệp này sẽ tăng lên mức gần 76 tỷ đồng.

Thu An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/mua-ban-xac-dn-niem-yet-nang-gia-co-phieu-kiem-loi-tien-ty-d112393.html