Mùa cá mòi ngược nước
Khi những cơn gió nồm đầu tháng 4 thổi vào từ biển cả, cũng là lúc từng đàn cá mòi lại ngược dòng sông Hiếu lên thượng nguồn đẻ trứng. Nhiều vạn chài dọc sông Hiếu bắt đầu vào mùa đánh bắt cá mòi…
Trở về nhà sau đêm dài chèo thuyền đánh bắt cá mòi bằng rớ chàn, “lưới mòi” (loại lưới chuyên dùng đánh bắt cá mòi) trên sông Hiếu (đoạn chảy qua xã Triệu An, huyện Triệu Phong), anh Lê Văn Quyền ở vạn chài thôn Phú Hội, xã Triệu An, tranh thủ trò chuyện cùng tôi. Anh Quyền cho biết, cá mòi là loài cá có đặc tính sinh trưởng khá thú vị. Cá mòi có “đồng hồ sinh học” rất chính xác và cơ bản giống với loài cá hồi ở Châu Âu. Cá mòi quanh năm sống ở biển, chỉ đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 (âm lịch) hằng năm mới từ biển bơi ngược dòng nước các con sông lên thượng nguồn đẻ trứng. Trứng nở, cá mòi con lớn lên ở vùng nước ngọt một thời gian rồi xuôi theo dặm dài của các dòng sông ra biển. Một điều thú vị nữa là cá mòi khi ngược sông sẽ tìm đúng nơi sinh ra để đẻ trứng. Cá mòi có hình dáng giống cá trích biển, có màu trắng và vảy nhỏ, da bóng nhẫy mỡ màng. Dù cá mòi có nhiều xương nhỏ nhưng thịt và xương đều mềm, dễ ăn. Cá mòi chỉ dài khoảng 15 cm và nặng khoảng 30 g.
Vạn chài thôn Phú Hội có 6 hộ dân làm nghề chài lưới trên sông Hiếu. Vào mùa đánh bắt cá mòi, mọi người thay phiên nhau túc trực trên sông cả ngày lẫn đêm. Cũng bởi thời điểm này là lý tưởng nhất để đánh bắt cá mòi. Đang lúi húi, tỉ mẩn ngồi vá lại tay lưới mòi bị rách sau chuyến đánh bắt cá mòi trên sông, anh Lê Văn Ánh cho biết, gần mấy chục năm gắn bó với khúc sông Hiếu qua bao mùa đánh bắt cá mòi, nên anh đã kịp tích lũy cho riêng mình “vốn liếng” kinh nghiệm về tập tính di chuyển của loài cá mòi khi ngược sông lên thượng nguồn đẻ trứng. Theo anh Ánh, nghề đánh bắt cá mòi cũng đơn giản như nhiều nghề khác mà gia đình anh đang làm để mưu sinh. Theo kinh nghiệm của anh, loài cá mòi thường di chuyển ở độ sâu khoảng 3 - 5 m vào ban ngày; còn ban đêm cá mói di chuyển gần mặt sông hơn. Cá mòi vừa di chuyển, vừa kiếm ăn. Muốn đánh bắt cá mòi phải dùng lưới mòi có mắt lưới phù hợp với kích cỡ của cá mòi (lưới có chiều rộng khoảng 8 - 10 m; chiều dài khoảng 200 - 300 m; sợi lưới mảnh như lưới bén và có 3 lớp). Loại lưới này chỉ dùng để đánh bắt cá lớn, còn con nhỏ lọt lưới sẽ là “của để dành” cho mùa đánh bắt cá mòi năm sau. Và cũng để cá mòi phát triển nhằm khai thác lâu dài mà không bị tận diệt.
“Cánh ngư dân vạn chài thôn Phú Hội thường bảo với nhau là làm nghề gì cũng không nên tham lam. Đánh bắt phải có chừng mực, chứ không nên tận diệt. Vì đời mình mưu sinh còn phải nghĩ đến con cháu mai sau. Cá mòi phải đánh bắt vào ban đêm, hoặc những ngày mưa nhiều khiến nước sông trở nên đục ngầu phù sa mới hiệu quả, còn đánh bắt ban ngày hoặc mùa nước sông trong, cá dễ dàng nhìn thấy lưới nên không đánh bắt được nhiều. Khi lưới thả xuống sông, ngư dân sẽ chèo thuyền vòng quanh điểm thả lưới rồi dùng mái chèo gõ mạnh xuống nước hoặc gõ lên mạn thuyền để gây ra tiếng ồn làm đàn cá mòi giật mình chạy tán loạn và mắc vào lưới. Còn đánh bắt cá mòi bằng rớ chàn thì phải đánh bắt vào những đêm không trăng. Bởi cá mòi khi di chuyển, thấy ánh sáng điện của rớ chàn sẽ tụ lại và chỉ việc cất rớ bắt cá.
Khoảng 8 giờ sáng, thuyền của vợ chồng anh Trần Cọp cập bến. Anh nhanh chóng nhảy xuống thuyền, buộc dây neo vào bến. Lưới đóng đầy cá mòi nằm lấp lánh trên sàn thuyền, anh Cọp gỡ từng con cá, ném liên tục vào thùng nhựa. Để kịp cho vợ mang mớ cá tươi lên bán ở chợ Hà Tây (xã Triệu An), anh Cọp gọi thêm mấy thanh niên trong xóm xuống bến phụ gỡ lưới cho nhanh. Cá vừa đầy thùng nhựa là vợ anh chở đi chợ bán… Cá mòi có đặc tính là chỉ cần gỡ ra khỏi lưới sẽ chết chứ không sống lâu được như các loại cá khác. Chuyến này, anh Cọp đánh bắt được gần 50 kg (bán với giá khoảng 10 nghìn đồng/kg), thuyền của gia đình anh có thu nhập gần 1 triệu đồng.
“Không hiểu tại sao, mấy năm trở lại đây đàn cá mòi ngược nước sông lên thượng nguồn đẻ trứng ngày càng ít dần. Trước đây, chỉ cần buông lưới là cá mắc lưới trắng xóa, gỡ đến mỏi tay. Bây giờ, hôm nào đánh bắt được nhiều cũng khoảng 60 - 70 kg; còn ít thì chỉ vài kilogam. Kiên trì buông lưới nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày…Một đời gắn bó với khúc sông này, nhiều khi tôi cũng cảm thấy chạnh lòng”, anh Cọp chia sẻ.
Sau phút suy tư, anh Cọp nhiệt tình giới thiệu cách làm các món ăn từ loài cá mòi. Cụ thể như món cá mòi nướng. Cá mòi tuy không to nhưng phải làm nhiều công đoạn và phải rất khéo léo để mật không vỡ, trứng còn nguyên, thân cá sạch vảy. Làm cá mòi không mổ dọc bụng như các loại cá khác, sau khi đánh sạch vảy cá chỉ cần cắt ngang một lát vừa tầm ở phía dưới mang rồi moi mật, ruột ra, dùng tay móc mang cá và tiện dao khía những đường nhỏ quanh sườn cá rồi đem rửa sạch, sau đó để cho cá ráo nước. Chừng mươi lăm phút, đem cá kẹp vào vỉ, nướng vàng đều hai mặt, chấm với nước mắm chanh, tỏi, ớt. Rồi món cá mòi rán mỡ giòn tan khi thưởng thức vị của tỏi, ớt hòa quyện với vị béo ngậy của mỡ và ngọt bùi của trứng cá mòi…
Cá mòi được xem là “lộc trời” ở nhiều con sông, đã mang lại nguồn thu nhập cho nhiều vạn chài trong thời vụ ngắn ngủi. Trong bữa cơm gia đình đông đủ, đĩa cá mòi trứng chiên giòn khiến người ăn không chỉ cảm nhận được mùi thơm ngon của cá, mà còn cảm nhận được cả vị ngọt của sông nước quê hương…