Mùa cá phèn vùng nước lợ

Từng là loài cá 'bỏ đi' nhưng vài năm gần đây, cá phèn, một loại thủy sản có nhiều ở vùng nước lợ cửa sông đổ ra biển ở miền Tây Nam bộ bỗng nhiên trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Đặc biệt, loài cá có màu nhìn hơi úa vàng này chỉ xuất hiện khoảng 3 tháng (từ tháng 3 tới tháng 6 âm lịch), thời điểm khan hiếm thủy sản nhất với cư dân kiếm sống bằng nghề sông nước vùng đồng bằng, bởi đó là cao điểm mùa khô.

Ngư dân ở biển Tiền Giang bán cá phèn.

Ngư dân ở biển Tiền Giang bán cá phèn.

Xuôi ngược nơi cửa sông

Là người gắn bó nhiều năm với sông nước miền Tây Nam bộ ở đoạn sông Cổ Chiên chảy ra phía biển, lão ngư Nguyễn Đăng Hòa (67 tuổi) ngụ xã Thạnh Phong (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre) cho biết vài năm qua ông thường đi lưới cá phèn. “Trước kia ngư dân ở đây thường tìm các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá ngát, bông lau, cá sủ… để đánh bắt chứ ít ai đi đánh cá phèn. Nhiều khi lưới kéo gặp cá phèn, nhất là loại phèn chỉ (loại nhỏ bằng ngón tay) thì ngư dân thường bỏ đi. Nếu có đem bán cũng chả được bao nhiêu tiền bởi rất ít người ăn cá phèn chỉ. Người ta chỉ lấy cá phèn chỉ ướp muối để làm mắm mà thôi. Thế nhưng vài năm trở lại đây, cá phèn có giá lắm. Như phèn vàng giờ bán ở chợ cũng 60 ngàn, không thua kém nhiều so với cá lăng, cá ngát. Còn phèn chỉ cũng có giá bằng nửa phèn vàng mà lại dễ bán, nhiều người mua lắm. Những ngày gần đây, đánh bắt được bao nhiêu mang lên phía gần chợ Khâu Băng đều có thương lái thu mua hết bấy nhiêu, rất khỏe. Nghe nói họ đem lên TPHCM bán đó”, ông Hòa chia sẻ.

Theo ngư dân cao tuổi, cá phèn ở vùng cửa sông Cổ Chiên thường chỉ xuất hiện vài tháng vào thời điểm mùa nước cạn, phèn mặn từ cửa biển chảy ngược về cửa sông bởi chúng ưa thích sống ở môi trường nước lợ. Khi mùa mưa tới, nước trên thượng nguồn đổ về nhiều, cá phèn sẽ di cư ra phía cửa biển. Có lẽ vì chỉ xuất hiện ở mùa khô, trùng với thời điểm phèn mặn từ biển tràn vào sông nên người dân gọi đây là cá phèn. Cứ vậy, vòng đời của loài thủy sản nhỏ bé lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, với những ngư dân như ông Hòa, đó lại là nguồn sinh kế trong vài tháng khó khăn này. Ông Hòa kể, với những ngư dân sống trực tiếp nhờ vào thiên nhiên như ông thì sự thay đổi của thời tiết, khí hậu là rất quan trọng. Mùa mưa cả vùng châu thổ Cửu Long Giang đều có nhiều cá tôm nhưng mùa khô như hiện nay, thủy sản khan hiếm lắm. Biến đối khí hậu khiến nhiều sông ngòi kênh rạch cạn kiệt, nước còn không có thì lấy đâu ra tôm cá. Tất nhiên ở sông Cổ Chiên này, nguồn cá tôm cũng bị khan hiếm theo. “Trước kia cá bông lau ở đây nhiều lắm, có ngày thả lưới kiếm cả triệu đồng. Rồi thả câu cũng bắt cả mớ cá bông lau đuôi vàng, toàn loại hai, ba ký lô. Giờ thả câu thì khó lắm, chỉ giải trí cho vui thôi chứ không có cá. Hầu hết các loại cá ngon vùng nước lợ như: Cá bông lau, cá sủ, cá ngát, cá lăng… hiện đều hiếm. May mắn lại còn cá phèn, loài cá tưởng như bỏ đi giờ giúp nhiều người mưu sinh qua ngày”, ông Hòa nói.

Đặc sản cá phèn.

Đặc sản cá phèn.

Thực tế, khúc sông Cổ Chiên này không chỉ có riêng ông Hòa mà còn hàng chục người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt thủy sản, với nguồn lợi là những rổ cá phèn. Trong số đó có anh Thảo, cháu họ ông Hòa. Ngồi trên một chiếc ghe dài khoảng 8 mét, anh Thảo đang lặng lẽ thả giàn lưới xuống lòng sông. “Đợt này mưa ít, cá phèn bự từ ngoài cửa biển về nhiều lắm và lớn hơn đợt trước. Mười con dính lưới thì có tới 6 con bằng quả chuối. Cá phèn cỡ lớn bán được 70 ngàn/kg, loại nhỏ hơn thương lái chỉ mua 60 ngàn/kg. Chiều qua tôi kéo được 6 kg cá, bán được 400 ngàn. Nhưng hôm trước nữa thì chỉ có 4 kg thôi, tùy từng bữa nữa. Hôm nay trời trở gió, có mưa là cá lặn mất, kéo chỉ lèo tèo vài con. Hôm nào trắng nắng trong thì buổi chiều cá nổi lên mặt kiếm ăn rất đông. Loài cá phèn này lạ lắm, nếu không biết sẽ không bao giờ lưới được chúng”, anh Thảo tiếp lời.

Trò chuyện thêm, chúng tôi được biết anh Thảo quê gốc ở vùng núi Hớn Quản (tỉnh Bình Phước). Hồi trước anh theo bạn bè xuống Bình Chánh làm công nhân, sau đó lấy một người phụ nữ cùng công ty. Đợt dịch bệnh Covid - 19 mấy năm trước, công ty cho nghỉ việc nên vợ chồng anh đưa 2 con về quê ngoại ở vùng ven sông Cổ Chiên này sống. Trong những ngày đó, anh Thảo theo chân ông Hòa, người cậu họ của vợ đi đánh cá trên sông. Cứ tưởng sinh ra và lớn ở vùng núi rừng thì không biết thả lưới, nhưng không ngờ anh Thảo lại bắt cá rất cừ. Mẻ lưới nào anh thả cũng nặng lưới khiến một người hơn 50 năm làm nghề như ông Hòa còn bất ngờ. Thế rồi anh Thảo quen việc thả lưới nên vợ chồng anh quyết định ở hẳn quê, không lên thành phố tìm việc nữa. Từ đó, hàng ngày anh cùng ông cậu đi trên hai chiếc ghe nhỏ bé thả lưới cùng nhau. “Thường thì ghe người ta đi xa nhau để thả lưới chứ không ai đi cùng nhau cả. Tuy nhiên cậu tôi cũng lớn tuổi mà vùng này nước lớn lắm. Sông Cổ Chiên rộng mấy cây số, ghe thuyền lớn chạy qua thôi sóng cũng làm ghe nhỏ của mình chấp chới rồi. Lại có bữa gió thổi từ phía biển vào, ghe lật như chơi. Tôi đi cùng cậu để lỡ có chuyện gì thì còn ứng cứu nữa. Hiện mỗi ngày hai cậu cháu chạy ghe từ mũi Cồn Lớn ngược lên phía đò Bến Chổi hay đò Bến Trại là quay về. Hôm nào vui thì ngược tới đò Rạch Dầu thôi. Xong lại vòng qua bên Cồn Nghêu, Cồn Bần, Mỹ Long… Hai cậu cháu không đi xa đâu, chỉ loanh quanh đây kiếm sống”, anh Thảo kể.

Anh Thảo lặng lẽ với công việc của mình.

Anh Thảo lặng lẽ với công việc của mình.

Đặc sản từ sông ra biển

Ngồi lán lại trên chiếc ghe nhỏ, nhìn anh ngư dân lặng lẽ kéo từng đoạn lưới, phải lâu lâu mới có một chú cá phèn màu hồng dính lưới. Lúc đó người ngư dân lấy tay dang rộng cánh lưới, giật mạnh một cái để chú cá phèn rớt vào khoang ghe, nơi có một chút nước đợi sẵn. Cứ thế, công việc lặp đi lặp lại nhiều lần, cho tới khi ngó vào khoang ghe thì đã có hàng chục chú cá phèn nằm chồng lên nhau, đôi khi có chú cá phèn nhỏ may mắn được hất trở lại sông. Theo chia sẻ của anh Thảo, ở vùng cửa sông này có hai cách đánh bắt cá phèn. “Như cậu cháu tôi thì chọn thả lưới vào buổi sáng đoạn ven sông Cổ Chiên. Là loại lưới nhện mỏng nên có nhiều cá phèn dính lưới. Ngoài ra cũng có thêm vài con cá lăng, mè dinh hay cá he nữa. Nhưng có nhiều ghe khác ở đây họ dùng lưới kéo ven sông. Lưới kéo thì tốn kém hơn nhưng bắt được nhiều. Không chỉ cá phèn mà nhiều loại cá, cua cũng dính hết. Họ kéo theo kiểu tận diệt, đầu tư lưới mấy chục triệu đồng, ghe cũng lớn lắm mà chỉ đánh bắt buổi tối thôi. Ban ngày xã cấm. Đánh bắt như vậy không chỉ cá phèn mà cá gì rồi cũng hết”, anh Thảo băn khoăn.

Những ngày này, đi dọc các cửa sông vùng đồng bằng châu thổ, hầu hết các cánh đồng, cửa sông đang mùa nước cạn. Dù đã xuất hiện những cơn mưa nhưng dòng sông vẫn bị thu hẹp rất nhiều. Tất nhiên, nguồn lợi thủy sản cũng vì thế mà bị thu hẹp theo. Phải hai, ba tháng nữa, khi nước trên thượng nguồn đổ về, dòng sông mới lại trù phú cùng vô vàn sản vật. Đó cũng là lý do nhiều ngư dân thường treo lưới, lật ghe xếp lại ở thời gian này. Chỉ còn rất ít người, thường là ở vùng hạ lưu nơi sông đổ ra biển thì may mắn vẫn còn có thêm những loại thủy sản như cá phèn để duy trì cuộc sống mưu sinh. Và đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều người bắt đầu săn bắt loại cá này.

Nhưng không chỉ có ở vùng hạ lưu nước lợ, cá phèn cũng xuất hiện nhiều tại các khu vực ven biển miền Tây Nam bộ. Có điều khá khác lạ, nếu cá phèn nước ngọt được coi là đặc sản, giá trị kinh tế khá cao thì cá phèn nước mặn vẫn khá rẻ. Nhiều ngư dân vùng Vàm Láng, Gò Công Đông, Cửa Tiểu, Cửa Đại (tỉnh Tiền Giang) cho biết cá phèn nước mặn cũng xuất hiện nhiều từ thời gian sau tết, thường được ngư dân làm nghề đóng đáy đánh bắt được. Tuy nhiên, cá phèn nước mặn khai thác ngoài biển phải chọn những con lớn mới có thể làm khô, còn đa phần ngư dân phải bán cá bột cho những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc cho mấy chủ đầm nuôi tôm, cá. Đó là lý do dù đánh bắt được nhiều nhưng cá phèn nước mặn ít giá trị hơn.

ĐOÀN XÁ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/mua-ca-phen-vung-nuoc-lo-5721425.html