Mùa cao điểm sốt xuất huyết, người dân cần chủ động bảo vệ mình

Tại Thanh Hóa thời gian gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) nội địa đang gia tăng. Trước đó trên địa bàn tỉnh cũng liên tiếp ghi nhận các ca mắc SXH ngoại lai. Dự báo SXH có thể đạt đỉnh dịch vào tháng 10 và tháng 11 khi thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao đòi hỏi các biện pháp phòng dịch quyết liệt, kiểm soát chặt các nguy cơ bùng phát dịch SXH.

Lực lượng y tế ra quân giám sát véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại thôn 7, thị trấn Kim Tân (Thạch Thành).

Tính riêng từ đầu tháng 9 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 47 ca mắc SXH, chiếm hơn 50% số ca mắc từ đầu năm đến nay, trong đó có 12 ca mắc nội địa. Thêm vào đó, với việc liên tiếp ghi nhận các ca bệnh ngoại lai, mầm bệnh lưu hành tại các ổ dịch cũ, kết hợp với thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao như hiện nay, khiến nguy cơ xảy ra dịch SXH bùng phát trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Trong khi đó, tại nhiều địa phương, công tác phòng, chống dịch chưa đạt hiệu quả; một số chính quyền địa phương có biểu hiện lơi lỏng trong chỉ đạo triển khai công tác vệ sinh môi trường làm thủy vực để phòng chống SXH. Trong tháng 8 và tháng 9, qua giám sát của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, có tới 18 trong số 19 xã, thị trấn được giám sát có chỉ số véc-tơ truyền bệnh SXH vượt ngưỡng cảnh báo dịch. Trung tâm đã tập trung quyết liệt cho công tác phòng, chống dịch ngay từ khi xuất hiện các trường hợp mắc sốt đầu tiên để ngăn chặn dịch bùng phát trên diện rộng; chỉ đạo các trung tâm y tế phối hợp với các ban, ngành cấp xã, thôn triển khai chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao và các ổ dịch cũ; hướng dẫn người dân ra quân thực hiện chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường, xử lý lật úp các dụng cụ chứa nước, thu gom phế thải, khơi thông cống rãnh, thả cá rô vào bể chứa nước sinh hoạt và đi ngủ mắc màn phòng muỗi đốt...

Mặc dù đã có nhiều biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch, tuy nhiên theo nhận định của ngành y tế, đây là thời gian cao điểm của mùa dịch SXH nên đòi hỏi người dân nêu cao ý thức phòng dịch. Để công tác phòng chống dịch SXH đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành y tế và chính quyền các địa phương, người dân cần tuân thủ khuyến cáo mà ngành y tế đưa ra, đồng thời chủ động tìm hiểu thông tin về tình hình dịch bệnh SXH để có thái độ đúng đắn đối với căn bệnh này. Ngành y tế khuyến cáo, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc-xin phòng bệnh. Theo đó, trước tiên, người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh để có hướng điều trị kịp thời. Khi bị SXH, bệnh nhân sẽ bị sốt cao kèm theo triệu chứng đau nhức cơ thể, chán ăn. Sốt kéo dài từ 2 - 5 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng. Khi nghi ngờ bị SXH, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để phòng, chống bệnh, biện pháp phòng bệnh tốt nhất là diệt loăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường thường xuyên. Cần thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế như: đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt loăng quăng, bọ gậy; rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ hàng tuần; thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Bài và ảnh: Hà Bắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/y-te-suc-khoe/mua-cao-diem-sot-xuat-huyet-nguoi-dan-can-chu-dong-bao-ve-minh/125342.htm