Mùa chổi đót ở bản làng La Ủ

Sống rải rác trên những rẻo cao thuộc vùng ven rừng Nam Cát Tiên, những gia đình người dân tộc KHo phải đối mặt với biết bao khó khăn, thiếu thốn. Không chỉ thiếu về cái ăn, cái mặc, những cơn sốt rét rừng đã trở thành 'ác mộng' suốt bao năm, mà theo họ, đó là do... 'con ma rừng' giáng họa! Thế rồi cơ duyên từ lá thư của một người thợ sửa khóa, cuộc sống những người dân nơi đây bắt đầu bước sang trang mới...

Lá thư của người thợ sửa khóa

Còn nhớ những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, vùng đất Tân Phú (Đồng Nai), khu vực giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng vẫn còn khá hoang sơ, dân cư thưa thớt. Đặc biệt với những người dân tộc KHo đã quen với nghề đốt rừng, làm rẫy mưu sinh nên mỗi hộ thường sống rải rác trên những triền đồi dốc ven rừng. Thời đó, bản La Ủ (thuộc xã Phú Bình, huyện Tân Phú, Đồng Nai) có khoảng 30 hộ gia đình dân tộc KHo sinh sống. Gọi là bản làng nhưng thực ra chỉ là những chòi rẫy nằm rải rác trên triền núi. Muốn sang nhà hàng xóm cùng bản phải băng theo đường mòn đi cả chục phút mới tới nơi. Vậy nên mỗi dịp xuống chợ, dân bản có khi phải mang gùi đi bộ từ sáng sớm, đến tối mịt mới về tới nhà.

Cuộc sống gần như tách biệt, nên những người dân ở đây thiếu thốn đủ bề. Cái ăn, cái mặc còn bữa thiếu bữa no, nên chuyện con chữ đối với họ hiển nhiên là điều quá xa lạ. Điều ám ảnh lớn nhất đối với người dân bản La Ủ là những cơn sốt rét rừng ác tính đã cướp đi sinh mạng của biết bao người. Theo dân bản thời đó, chuyện bệnh tật, sốt rét, ấy là do... "con ma rừng" đem họa tới!

Nhiều lần có dịp tiếp xúc với người dân KHo, anh Hùng - một người thợ làm nghề sửa khóa ở chợ Phương Lâm (xã Phú Lâm, huyện Tân Phú) - biết được cuộc sống khó khăn của người dân ở bản La Ủ. Trăn trở về những cơn sốt rét rừng hành hạ dân bản, anh Hùng thường để dành tiền hoặc vận động từ bạn bè tìm mua thuốc chữa bệnh sốt rét để giúp đỡ người dân. Là bạn đọc thường xuyên của Báo Công an TPHCM (nay là Chuyên đề Công an TPHCM), biết báo có chuyên mục xã hội - từ thiện, anh Hùng quyết định viết một bức thư gửi đến tòa soạn kể về cuộc sống khó khăn của người KHo ở bản La Ủ, mong có một "phép màu" đến với bà con nơi đây.

Đại diện Báo Công an TPHCM và các Mạnh thường quân chụp hình lưu niệm với người dân La Ủ

Đại diện Báo Công an TPHCM và các Mạnh thường quân chụp hình lưu niệm với người dân La Ủ

Nhớ lại những ngày đầu đến với bản La Ủ, nhà báo Lê Thị Nam Bình - nguyên Trưởng ban Thời sự - Chính trị, Báo Công an TPHCM, nay đã nghỉ hưu - cho biết: Khi tiếp nhận bức thư từ người thợ sửa khóa, chị đã trực tiếp tìm đến với người dân nơi đây và không thể cầm được nước mắt khi chứng kiến cuộc sống quá khó khăn của họ. Bởi tính về vị trí địa lý, nơi họ sống không xa mấy so với vùng trung tâm của huyện Tân Phú, hay so với TPHCM cũng chỉ cách khoảng 120km, thế nhưng cuộc sống của bà con lại quá khó khăn và dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài...

Và rồi, từ bài viết đăng trên Báo Công an TPHCM, cuộc sống của người dân ở La Ủ đã được mọi miền Tổ quốc biết đến. Thông qua Báo Công an TPHCM, nhiều Mạnh thường quân đã mang gạo, tiền, thực phẩm, thuốc men... đến giúp đỡ người dân nơi đây. Đặc biệt, cũng thông qua báo và các Mạnh thường quân, chính quyền địa phương xã Phú Bình đã quy hoạch một vùng đất gần với Quốc lộ 20, gần trung tâm xã, dựng lên hàng chục căn nhà nhỏ bằng tường gạch, lợp tôn, sau đó vận động các hộ gia đình người dân tộc KHo ở bản La Ủ về đây sinh sống. Phải nói rằng đó là bước ngoặt đầu tiên đưa cuộc sống người dân nơi đây sang trang mới.

Trẻ em "làng chổi đót" đón trăng

Từ khi chuyển về nơi ở mới, người dân bản La Ủ như được "đổi đời". Họ có nhà ở ổn định, chắc chắn, được chính quyền địa phương hỗ trợ về mọi mặt, không còn sợ "con ma rừng" hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Niềm hạnh phúc lớn nhất là những đứa trẻ KHo nơi đây đã bắt đầu bập bẹ biết đánh vần, ghép chữ.

Mạnh thường quân tặng quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở La Ủ

Mạnh thường quân tặng quà Trung thu cho các cháu thiếu nhi ở La Ủ

Liên tục gần 15 năm sau đó, Báo Công an TPHCM đã đồng hành với cuộc sống của bà con nơi đây. Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán và Trung thu, đại diện báo và các Mạnh thường quân thường tổ chức chuyến công tác từ thiện, lên thăm và tặng quà cho người dân La Ủ, chứng kiến cuộc sống của dân bản thay đổi từng ngày, nhưng nhớ nhất vẫn là ánh mắt của những đứa trẻ La Ủ trong những ngày đón "mùa trăng".

Dịp gần nhất là Trung thu 2014, phóng viên Báo Công an TPHCM có dịp đến La Ủ. Năm đó, dân bản ngoài việc đi rừng, làm nương, còn có thêm nghề làm chổi đót. Ngoài những ngày đi làm nương, đàn ông La Ủ lên rừng hái cây bông đót đem về bản. Những phụ nữ ở nhà phơi bông đót cho khô, sau đó bện thành từng chiếc chổi nhỏ đem ra chợ bán. Bông đót rộ nhất là từ tháng 2 sau Tết Nguyên đán, nhưng quanh năm đót vẫn cho thu hoạch, dù không nhiều. Chính vì thế, dân bản nơi đây vẫn có thể hái đót từ rừng mang về và có việc làm bện chổi quanh năm. Những em nhỏ trong bản La Ủ lúc đó cho biết, ngoài thời gian đến trường, các em còn phụ giúp cha mẹ phơi bông đót, thậm chí vài em còn biết cách xếp đót thành hình để người lớn sau đó dùng dây mây buộc thành chổi.

Nhà báo Nam Bình trao quà cho các em nhỏ

Nhà báo Nam Bình trao quà cho các em nhỏ

Chuẩn bị mùng mền và các nhu yếu phẩm tặng người dân

Chuẩn bị mùng mền và các nhu yếu phẩm tặng người dân

Sống ở "làng chổi đót" nên chuyện ăn - chơi - ngủ - nghỉ của đám trẻ cũng gắn với bông đót. Mùa Trung thu, đám trẻ La Ủ ngoài rước đèn ngôi sao thì còn có thú vui "rước" bông đót. Bông đót làm cờ, làm đuôi ngựa... cùng đám trẻ chơi trò đánh trận giả và cả bản lại rộn tiếng cười vang. Chơi đánh trận chán chê, đám trẻ lại thản nhiên nằm lăn lên mớ bông đót ngủ ngon lành. Cũng vì lúc này họ sống quần cư, mỗi nhà cách nhau vài bước chân, cả làng chung nhau một khoảng sân rộng nên bọn trẻ con trong bản cứ "ngồi đâu là nhà, ngả đâu là giường". Chúng đón mùa trăng một cách hồn nhiên, vô tư, giữa khoảng sân rộng đầy mùi thơm bông cỏ đót.

La Ủ giờ đây đã đổi sắc. Cuộc sống dân bản dù còn khó khăn, nhưng không đến nỗi phải thiếu cái ăn, cái mặc. Nhiều người dân nơi đây đã biết làm ăn, buôn bán, không còn phụ thuộc vào rừng. Một số đứa trẻ ngày xưa đen nhẻm, quần áo lò xo xộc xệch, thì nay đã được học cao, người đi làm nhân viên y tế, người trở thành giáo viên ở Trường dân tộc nội trú... và cơn ác mộng "con ma rừng" đã lùi sâu như chuyện cổ tích, dĩ vãng xa xưa.

Chúng tôi chợt nhớ về La Ủ, nhớ về bản làng xưa và những bước chân của Báo Công an TPHCM khi đến với người dân bản làng. Một mùa trăng tròn lại đến, thật hạnh phúc khi biết rằng cuộc sống của người dân KHo ở bản La Ủ giờ đây đã thực sự khởi sắc.

ĐĂNG HÒA - DUY LUÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/mua-choi-dot-o-ban-lang-la-u_153201.html