Mùa cưới

Tiếng micro hú dài đến chói tai, anh dẫn chương trình mới cất lên câu mà trẻ con cũng thuộc làu: - Kính thưa các cụ các ông các bà, thưa quan viên hai họ, thưa toàn thể hội hôn. Hôm nay, ngày lành tháng tốt, được sự nhất trí của hai họ, hai bên gia đình, đã tổ chức lễ thành hôn cho đôi trẻ…

Bọn trẻ con đi xem đám cưới mắt dán vào anh ấy mắt không chớp, có khi vẫn anh bí thư đoàn xã, anh cho thuê loa đài, hay anh vẫn dẫn chương trình đám cưới trong làng thế mà vẫn cứ há hốc mồm, trật tự lắng nghe. Và nói thật là cả "hội hôn’’ cũng đều đã "ổn định chỗ ngồi’’ để nge anh dẫn chương trình nói có đầu, có cuối.

Anh thường đọc thơ:

"Ai chắp cánh cho chim bay về tổ

Ai mở đường cho tuổi trẻ gặp nhau"

Mới hôm nào chú rể còn bỡ ngỡ, không dám bươc chân vào ngõ nhà cô dâu mà sau 1 thời gian tìm hiểu nay đã trở thành con cái trong nhà. Anh nói đến đây, cô dâu, chú rể thường bị dồn mọi ánh nhìn, làm cô dâu e thẹn, cúi mặt, tay vân vê cái khăn tay. Cũng phải rất lâu sau khi lần lượt đại diện họ nhà trai phát biểu, đại diện họ nhà gái phát biểu thì không khí mới trở nên "cởi mở’’ hơn. Đám thanh niên mới dám khe khẽ nói chuyện với nhau. Đôi ánh mắt nhìn nhau tình tứ và có cả lảng tránh.

Các chị em họ hàng làm giúp, người nhà chú rể thường không ngồi bàn trà dự đám cưới mà thường đứng quây quần ‘’xem đám cưới’’ cùng bọn trẻ con. Ai cũng tưởng là ‘’vòng ngoài’’ không quan trọng nhưng thực ra họ vẫn là chân chạy, tiếp nước, cau trầu từ bếp ra. Đội này cũng chính là tai mắt, nói thế là vì đôi nào ý tứ, để ý đến nhau là đều bị ‘’lọt tầm ngắm’’.

Cái phông sau lưng anh dẫn chương trình đung đưa hình ảnh chim bồ câu, cắt bằng giấy hồng điều, giấy đỏ, chữ song hỉ và 2 chữ cái tên cô dâu, chú rể lồng vào nhau cứ được cả hội hôn ngắm mãi. Có khi nó còn được ai đó chú ý, hỏi thăm xem ai vẽ hộ, cắt hộ để ‘’ khi nào đến lượt mình’’ còn nhờ. Nếu mua, thì mua ở chợ nào, giá bao nhiêu, để còn biết đường khi cần. Vì mua ở chợ làng, chợ tổng còn dễ chứ đi chợ tỉnh sợ người ta nói thách, không biết đường nào mà trả.

Không khí "hội hôn’’ thực sự thỏa mái khi đến chương trình văn nghệ. Có thể anh dẫn chương trình hát trước rồi mời mọi người hát sau. Cũng có khi đám nhà trai có người xung phong hát tặng cô dâu, chú rể và toàn thể hội hôn ngay 1 bài. Những bài hát trữ tình về quê hương, tình yêu lứa đôi thường được chọn nhiều nhất. Nhà trai hát xong, bao giờ cũng phải mời bằng được đại diện họ nhà gái đáp lời. Có cô nào đằng họ nhà gái hát hay nhận luôn thì chương trình mới được tiếp tục. Nếu các cô còn e thẹn trước hội hôn thì còn phải động viên mãi.

Xưa, hiếm lắm mới có đám cưới mời được người có cây đàn ghi ta, đàn đánh đuổi theo người hát là chính, nhưng vẫn rất vui. Có cô gái ‘’ bị ép’’ thẹn mãi chẳng dám đứng lên hát, đành kéo mic về bàn và ngồi hát. Mọi người càng tò mò, dồn mắt về phía tiếng hát cất lên. Có cô gái, vừa mới hôm nào còn lếch thếch cắp cái túi bạt đi học thế mà hết cấp 2 nghỉ học, nhãng đi có qua vụ hè, qua cái Tết đã thành thiếu nữ, giọng hát đã lanh lảnh. Các cụ cứ xơi thuốc xơi trầu trong nhà, những tưởng chuyện của các cụ. Ai ngờ, cũng nhân dịp này đánh tiếng, ngỏ lời xin cho con, cho cháu nhà mình thăm hỏi ‘’đám’’ con gái nhà ấy.

Đám cưới quê xưa, trẻ con lau nhau chưa bao giờ hết nghịch, nhà có thiếu nước, có khát đâu mà vào đám cưới, nhiều đứa cứ phải len vào tận bàn anh chị thanh niên xin chén nước chè, xin cả miếng trầu mới yên.

Đám cưới cũng là nơi lý tưởng để con trai, con gái biết và tìm hiểu nhau. Sau đám cưới rất nhiều những người bên họ nhà trai có cớ để tìm đến nhà các cô gái đã biết nhau trong đám cưới. Nếu có người hơi hướng họ hàng dắt đi thì nhất, bằng không đám con trai sẽ tập hợp nhau đi tán gái theo hội. Hợp duyên thì đánh là thắng, không thì có khi anh chân gỗ lại yêu được, cưới được vợ, anh kháu giai, dẻo mồm thì lại vô duyên.

Lại nói tiếp chuyện của "hội hôn’’. Chương trình văn nghệ chừng khoảng 30 phút đến cả tiếng đồng hồ, khi muốn kết thúc thì anh dẫn chương trình bao giờ cũng nói: Mời các cụ các ông các bà và toàn thể hội hôn uống nước xơi trầu... Vẫn từ bọn trẻ con rộ lên rồi len vào các bàn, thi nhau lấy trầu cau, có khi là rút bông hoa trong lọ hoa trên bàn. Chẳng biết để làm gì, vì trẻ con không ăn trầu, bà nó có khi cũng ngồi tem trầu đám cưới cả ngày hôm qua, còn quơ tay lấy bông đồng tiền, bông hoa đu đủ tỉa nhuộm vàng, nhuộm hồng kia để về nghịch thì rất phí. Thế nhưng chúng cứ phải đua nhau tranh cướp người lớn nói mãi không nghe, chỉ đến khi lớn, đi đám cưới bạn bè hẳn hoi chúng mới thấy buồn cười trò trẻ con này.

Đám cưới kết thúc cũng là khi người nhà trai đưa cùng cô dâu, cô phù dâu và chú rể về buồng cưới. Nhiều khi người lớn phải dẹp đường để lấy lối đi, không trẻ con cứ xấn tới xem.

Dù cô phù dâu đi cùng, xách hộ túi đồ theo, nhưng run lắm. Chút nữa thôi, bạn bè theo nhau về hết, ai cũng về nhà mình, làm ăn, có bố mẹ, anh chị, còn cô dâu ở lại "thân’’ nhất với chồng thôi. Còn mọi người thì dường như vẫn nhìn cô dò xét. Dù cho, khi lễ gia tiên, khi trao quà cưới ai cũng dặn dò, nhắn nhủ cô những lời thật lòng cả.

Cô dâu nhìn vào mắt cô phù dâu, như không muốn rời bạn. Cô phù dâu lại nghĩ đến mình, cũng chẳng mấy mà cưới, vì nhà người ta cũng giục lắm rồi. Trẻ con, ngoài cửa sổ nhìn vào, cửa buồng các bà, các bác, rồi có mấy bạn gái ngó xem buồng cô dâu trang trí thế nào. Mọi người giơ tay chào, nhìn vào mắt ngấn lệ của cô dâu.

Rồi đến lúc, cô phù dâu cũng phải ra về. Hai người bạn thân nắm tay nhau mãi, cô phù dâu phải buông tay bạn mà vội bước ra ngoài khuôn cửa. Vẫn biết là hạnh phúc mà vẫn cứ vậy là sao?

Chẳng biết chú rể háo hức thế nào khi trời dần tối, chứ cô dâu vẫn rất lo.

Ngoài kia mọi người đã về vãn. Phông trang trí cũng được dỡ, người nhà đem vào buồng cho cô dâu chữ lồng, chữ song hỉ và cả đôi chim câu bóc khéo vẫn còn nguyên.

Cái ri đô đung đưa. Chú rể nhẹ nhàng nhắc cô dâu thay đồ cưới ra, để cùng cả nhà dọn dẹp. Xưa, cả làng đám cưới cô dâu vẫn chỉ mặc quần sa tanh, áo trắng. Mùa đông thì mặc thêm áo mút đỏ bên trong, mãi sau này cô dâu mới mặc áo tân thời, áo dài và ôm hoa lay ơn, có cái đuôi kết rất dài.

Đèn măng xông, vẫn sáng trưng, bàn ghế đã trả bớt, bữa cơm chiều vẫn tay những chị làm giúp làm được bày lên. Cô dâu e lệ ăn bát cơm trước sự dỗ dành của người nhà.

Hạnh phúc âu lo trong mắt cô chú rể và cả nhà đều hiểu nên rất thông cảm.

Đêm mát rượi, đêm se lạnh hay ấm nóng thế nào chắc có lẽ mà tuyn trắng, ri đô hoa và gối thêu đôi chim bồ câu ngậm dải lụa mới biết.

Trẻ con lại kháo ầm ầm cái chuyện, nay anh ý đèo chị ý đi sắm cưới rồi đấy. Hay là ông giáo hay vẽ báo tường đang vẽ chữ lồng cho anh ý, với chị kia... Ngay cả những đêm trăng sáng, các anh, các chị đi chơi, tìm hiểu nhau chúng cũng đi... rình. Quá là vô duyên, nhưng ai trách trẻ con bao giờ. Với lại, trai chưa vợ, gái chưa chồng, đương nhiên phải tìm hiểu nhau để mà nên duyên chứ, không chỉ đôi trẻ mà cả bố mẹ, họ hàng hai bên đều "thúc’’ ép việc này. Nếu mà việc đánh tiếng đạt kết quả thì bao giờ nhà trai chẳng nói "Cưới vợ thì cưới liền tay". Và khi nhà trai đã có lời, có lễ thì nhà gái cũng phải nhanh chóng quyết định, kẻo mà...

Qua tháng Ngâu cũng 30 ngày mà mưa gió, mà lo lắng thấp thỏm và mong ngóng sang Thu nên ai cũng cảm thấy tháng ấy lê thê. Tháng 8 trở đi cho đến qua tháng Chạp, hết Giêng Hai, hết cả tháng 3, mới hết mùa cưới.

Những ai nhớ, ai xem, ai dự đám cưới với những "hội hôn’’ này giờ hẳn đều đã là "trung niên cứng". Nhớ 1 thời, phông bạt, bàn ghế, làm giúp đám cưới quá cơ. Những tưởng đám "mối lái", cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy không mấy hạnh phúc, ấy thế nhưng, ơn giời, con đàn, cháu đống vẫn là đôi bạn đời tin cậy bên nhau.

Chợ làng giờ chẳng ai bán giấy đỏ, giấy hồng điều. Người làng cũng chẳng mấy người còn nhớ hay viết chữ lồng, vẽ đôi chim câu, cắt chữ song hỉ nữa. Giờ dịch vụ cưới hỏi trọn gói họ làm cả. Dựng rạp nhanh, đẹp, vuông vức, căng với chữ in trang trí phông nền cũng đẹp hơn và khác xưa. Nhất là bộ ảnh cưới "trong mơ’’ cô dâu, chú rể xưa cũng chẳng dám mơ.

Mùa cưới, mỗi năm đến, người già điều nhớ, điều quên mất rồi. Có lẽ đám trung niên là nhớ hơn cả. Nhớ, lo và chuẩn bị tinh thần để lên ông lên bà, ngoài những việc lo cho con thì các bà mẹ chồng, mẹ vợ cũng diện hơn xưa nhiều, sắm đến cả mấy bộ áo dài để diện, kẻo rồi người ta trông vào...

Mùa cưới, nói là thuê khoán trọn gói thế nhưng vẫn rất nhiều việc phải lo, chỉ có ai đi qua rồi mới biết rút kinh nghiệm. Thế nhưng toàn những việc bận mà vui và phải làm sao để chu toàn nhất, cho các con và cho cả 2 gia đình.

Bọn trẻ giờ nói đến chữ "hội hôn’’ lại nhíu mày suy nghĩ rồi cười phá lên.

Mùa cưới xưa và nay, tính ra cũng đã nhiều điểm khác. Duy chỉ có niềm hạnh phúc của lứa đôi thì thời nào cũng ăm ắp...

NGUYỄN MINH HOA

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mua-cuoi-10293667.html