Mùa đánh bắt 'sâm nước' đồng quê

Những ngày tháng 10 (âm lịch), nước trên đồng rút cạn, ngư dân chộn rộn khai thác cá chạch bán chợ xa. Giờ đây, loài cá đặc sản giàu dinh dưỡng này được ví như 'sâm nước' miền Tây, đang cạn kiệt dần trong tự nhiên.

Trên cánh đồng ven biên

Xế trưa, cái nắng biên giới gắt gỏng, nhưng không xoa dịu cơn bấc thổi vi vu. Trên cánh đồng mùa cạn, những chiếc xuồng lưới đang chòng chành theo nhịp đập cơn sóng, khai thác cá, tôm. Sáu Khải (59 tuổi) giong chiếc vỏ lãi băng qua cánh đồng nước mênh mông, rồi bủa từng tay lưới dọc, ngang bắt cá. Hơn 30 năm trong nghề khai thác cá chạch, Sáu Khải được anh em trong nghề “hạ bạc” ví von là “trùm” bắt “sâm nước”. Bởi, chỉ cần nhìn con nước lớn, ròng trên đồng là Sáu Khải biết nơi nào có cá chạch trú ẩn nhiều.

Từ lâu, cánh đồng ven biên giới được thiên nhiên hào phóng ban tặng nguồn lợi thủy sản khá phong phú. Trong đó, loài cá chạch đồng xuất hiện nhiều so với đồng trong. Sáu Khải bật mí, mùa này cá chạch đã lớn, tìm đường bơi ra sông, rạch sinh sống. Loài cá này thích ẩn núp dưới đáy bùn non. Nước rút cạn đồng, cá chạch sẽ tìm những vạt đìa hoặc cồn, bãi bồi trên sông đào hang trú ẩn. Đến mùa mưa già (tháng 5 âm lịch) cá sinh sản, lớn dần trong tự nhiên.

Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng, Sáu Khải chuẩn bị cơm, nước mang theo trong chuyến “thủy trình” giăng lưới cá chạch. Bủa lưới xong, ông neo đậu chiếc vỏ lãi bên chòm gáo nghỉ mát, đợi cá chạch di cư dính lưới. “Mùa nước nổi năm nay, tôi đầu tư 100 tay lưới (100m/tay), chiều cao 1,5m. Nước giựt, cá chạch dính rất mạnh, tôi thu hoạch 3 - 4kg/ngày. Cá chạch cỡ lớn, bạn hàng thu mua 200.000 đồng/kg, trừ chi phí, kiếm ngót nghét hơn 500.000 đồng/ngày” - Sáu Khải phấn khởi.

Ngược dòng thời gian khoảng hơn 30 năm trước, vào mùa lũ, cá chạch xuất hiện rất nhiều. Người dân đặt dớn bắt cá ăn không hết, phải làm khô dự trữ. Khi con nước rút cạn trên đồng, men theo những tuyến kênh, dân nghèo hì hục kéo chiếc cào sắt, bắt chục ký cá mỗi ngày.

Về sau, nhiều cánh đồng đắp đê ngăn lũ, sản xuất lúa vụ 3, môi trường sống của loài cá này bị thu hẹp dần. Hiện nay, cá chạch chỉ sinh sống tại cánh đồng ngoài bờ bao ven biên giới. Sáu Khải nói rằng, cá chạch chỉ ăn phù du, tôm, tép nên được xem là loài thủy sản bổ dưỡng. “Trước đây, loài cá này dân nghèo không thèm ăn. Bây giờ, trở thành đặc sản, có giá trị cao, được nhà hàng tranh mua” - Sáu Khải cho hay.

Nghề “hạ bạc”

Cơn bấc rì rào, trên khúc kênh Vĩnh Tế “soi bóng” những phận đời mưu sinh theo con cá. Có người, quanh năm lấy xuồng làm nhà, lặng lẽ trên đồng nước. Nhìn dòng nước lững lờ trôi, Sáu Đen (63 tuổi) bồi hồi nhớ lại: “Những năm lũ lớn dìm ngập đồng ruộng, cá chạch nhiều vô kể. Hiện nay, nguồn cá này ngày càng ít. Rồi đây, người ta đánh bắt theo kiểu tận diệt, cá chạch sẽ hiếm dần trong mùa nước nổi”. Trải qua bao mùa lũ, Sáu Đen thấm thía nỗi thăng trầm, trắc trở của nghề “hạ bạc”. Mấy ai giàu có, hết nước trên đồng thì xem như hết tiền.

Tính đến nay, Năm Ngại (61 tuổi) đã 35 năm trong nghề. Ngồi co ro trên chiếc xuồng cui, Năm Ngại tâm sự: “Nước vừa rút khô đồng, bà con ở đây nhanh chân trở về quê ăn Tết. Nhờ chí thú giăng lưới cá chạch suốt mùa nước nổi, nên có đồng vô, đồng ra xài ba ngày Tết”.

Theo ông, thời điểm này, cá chạch to cỡ 2 ngón tay, bà con dùng lưới loại mắt to 3cm bủa trên đồng lũ. Có hôm gặp trời giông bão, lạnh lẽo, nhóm Năm Ngại, Sáu Đen, Ba Kiều, Bảy Bình, Tư Nĩ… phải tìm nơi trú ẩn trên đồng. Họ xem những bụi cây như chiếc “phao cứu sinh” để tiếp tục hành trình giăng lưới gian nan…

Chị Thủy, một bạn hàng chuyên thu mua cá chạch tại chợ Cây Mít (phường Nhơn Hưng, TX. Tịnh Biên) cho hay, mùa nước giựt, mỗi ngày chợ có trên 30 đầu xuồng mang cá về bán. Nguồn cá đa dạng, trong đó cá chạch được thu mua rất mạnh.

“Ngư dân thu hoạch cá bao nhiêu, bạn hàng thu mua bấy nhiêu. Để đủ nguồn cá chạch giao tại các quán ăn, nhà hàng, tiểu thương phải đặt cọc trước cho ngư dân” - chị Thủy cho hay. Còn ông Trần Văn Hạnh (bạn hàng chuyên thu mua cá chạch ở chợ Kênh 10, huyện Châu Thành) cho biết, lũ rút, cá chạch chạy đú của ngư dân ít hơn những mùa lũ trước…

Theo đông y, cá chạch sông tính bình, ôn trung, rất bổ dưỡng. Loài cá này có tác dụng lợi mật, cải thiện chức năng gan, bồi bổ sức khỏe rất tốt. Do vậy, cá chạch ngày càng được ưa chuộng, chế biến thành nhiều món ngon, như: Kho nghệ, lẩu cơm mẻ hoặc chiên giòn, tạo nên hương vị đậm đà, chân quê ở vùng sông nước miền Tây.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Nguyễn Hoàng Huy cho biết, cá chạch sông có tập tính sinh sống ở tầng đáy nước sâu. Loài cá này có giá trị cao, được cho sinh sản nhân tạo thành công. Tuy nhiên, cá chạch sông chưa phải là đối tượng nuôi thương phẩm được người dân lựa chọn.

-HOÀNG MỸ

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/mua-danh-bat-sam-nuoc-dong-que-a381615.html