Mùa đấu giá đất 'bội thu' của vùng ven Hà Nội

Chỉ 25 lô đất được đem ra đấu giá, nhưng có hơn 200 hồ sơ đăng ký tham gia. Đây là con số 'vô tiền khoáng hậu' được ghi nhận trong một buổi đấu giá đất tại huyện Mê Linh (Hà Nội) mới đây.

Đồ họa: Thanh Vũ

Đồ họa: Thanh Vũ

Nhiều huyện ngoại thành ồ ạt đấu giá đất

“Trong đợt đấu giá gần đây tại xã Kim Hoa (huyện Mê Linh), chúng tôi đã nhận được hơn 200 hồ sơ đăng ký tham gia, trong khi số lượng đất được đưa ra đấu giá chỉ có 25 lô”, lãnh đạo Công ty đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam (Công ty Đấu giá Việt Nam) hào hứng chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.

Vị này cho hay, trước đó, dự án trên đã được triển khai đấu giá 6 lần trong năm 2023, nhưng kết quả thu về không khả quan. Thậm chí, có những phiên đấu giá chỉ bán được một suất. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, tình hình đã thay đổi, Công ty chỉ cần mở một đợt đấu giá vào tháng 4, toàn bộ số thửa đất tồn dư đã được bán hết.

“Ngay từ cuối quý IV/2023, tín hiệu khởi sắc đã nhen nhóm xuất hiện. Còn trong thời điểm hiện tại, thị trường đang ấm hơn rõ rệt. Không chỉ vùng ven Hà Nội, ngay cả các tỉnh, thành phố lân cận cũng ghi nhận giao dịch nhộn nhịp trở lại”, người đứng đầu Công ty Đấu giá Việt Nam nhận định.

Trước đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cũng phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh số 5 - Quốc gia, tổ chức phiên đấu giá 30 thửa đất tại thị trấn Quang Minh và xã Liên Mạc. Kết quả thu về cũng rất tích cực, khi tổng số tiền trúng đấu giá lên tới 130 tỷ đồng, cao hơn 60 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Trên đà thành công của những phiên đấu giá gần đây, ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, địa phương sẽ tiếp tục đưa ra đấu giá gần 500 thửa trong năm 2024. Đây là các khu đất nằm ở vị trí đẹp, đón đầu Dự án đường Vành đai 4.

Không chỉ Mê Linh, nhiều huyện vùng ven Hà Nội cũng tấp nập triển khai các cuộc đấu giá đất, có thể kể đến như Phúc Thọ, Hoài Đức, Thường Tín, Quốc Oai, Đông Anh… Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục có thêm hai cuộc đấu giá lớn diễn ra tại huyện Chương Mỹ và Phú Xuyên.

Cụ thể, Công ty Đấu giá hợp danh Bảo Phong ra thông báo đấu giá 34 thửa đất tại khu tái định cư sân golf hồ Văn Sơn, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ). Các thửa đất này có diện tích từ 167,2 m2 đến 706,2 m2, mức giá khởi điểm khoảng 5,49 - 7,94 triệu đồng/m2. Hạn cuối nộp hồ sơ tham gia là ngày 15/5. Buổi đấu giá dự kiến được tổ chức vào ngày 18/5 tại hội trường UBND huyện Chương Mỹ.

Còn tại huyện Phú Xuyên, Công ty Đấu giá hợp danh Sao Việt cũng thông báo kế hoạch đấu giá 28 lô đất. Trong đó, khu Thùng Lò Gạch, thôn Bái Đô (xã Tri Thủy) có 12 thửa được mở bán. Diện tích các thửa từ 137,5 đến 143 m2, mức giá khởi điểm từ 14,1 triệu đồng/m2.

Bên cạnh đó, khu Bờ Giếng, thôn Kiều Đông (xã Đại Xuyên) cũng có 14 thửa đất được đưa ra đấu giá. Các thửa có diện tích 109,7 - 135,4 m2, giá bán nằm trong khoảng 11,5 - 12,8 triệu đồng/m2.

Hai thửa đất đấu giá còn lại thuộc khu Ao sau dịch vụ 2 (xã Vân Từ) và khu Đồng Khay (xã Văn Hoàng), với diện tích lần lượt là 120 m2 và 131,2 m2. Mức giá khởi điểm tương ứng là 11,6 triệu đồng/m2 và 4,7 triệu đồng/m2. Hạn chót nhận hồ sơ tham gia đấu giá các khu đất trên là ngày 9/5. Buổi đấu giá dự kiến tổ chức vào ngày 12/5 tại Nhà văn hóa trung tâm huyện Phú Xuyên.

Dòng sản phẩm có tính thanh khoản cao

Lý giải về sự thành công của các buổi đấu giá gần đây, lãnh đạo Công ty Đấu giá Việt Nam cho rằng, lãi suất tiết kiệm hạ về mức thấp khiến nhiều người không còn mặn mà gửi tiền ngân hàng. Ngoài ra, các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, ngoại tệ đang trải qua nhiều biến động, do đó, bất động sản nghiễm nhiên trở thành nơi “đổ vốn” tin cậy của nhà đầu tư.

“Quy định cập nhật giá đất hàng năm trong Luật Đất đai 2024 có thể khiến giá bất động sản đi lên. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ gom đất trước khi luật được áp dụng. Ngoài ra, những lô đất được đấu giá thường chỉ từ 3 tỷ đồng đổ xuống. Đây là khoảng giá dễ thanh khoản và phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người”, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội phân tích.

Theo vị chuyên gia này, các huyện vùng ven Hà Nội có lợi thế lớn về quỹ đất và dư địa phát triển. Trong bối cảnh tâm lý thị trường đang đi lên, các lãnh đạo huyện sẽ không bỏ lỡ “con gà đẻ trứng vàng” mang tên đấu giá đất để gia tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Về việc một số thửa đất có giá bán tương đối cao so với mặt bằng chung, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh khẳng định, những lô đất có giá trúng lên tới 90 triệu đồng/m2 tại huyện Mê Linh sở hữu ưu thế lớn về mặt vị trí và có tính thanh khoản rất tốt. Số lượng những thửa đất có giá trị cao như vậy chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mức giá này không phản ánh toàn bộ bức tranh thị trường bất động sản tại địa phương.

Anh Nguyễn Tuấn Quang - một nhà đầu tư nhận xét, các lô đất trúng giá đợt này đang bị đẩy lên tương đối cao. Với thị trường bất động sản vùng ven, nhà đầu tư này cho biết, bản thân mình sẽ cố gắng “săn” đất thổ cư hoặc các mảnh phát mãi của ngân hàng để đạt được sự tối ưu về giá, từ đó gia tăng tỷ lệ sinh lời.

“Dẫu vậy, không thể phủ nhận rằng, đất đấu giá cũng có những điểm cộng riêng. Đây thường là những lô có hồ sơ pháp lý chuẩn chỉnh, hạ tầng xung quanh phát triển, nằm quanh các khu dân cư và tọa lạc gần các tuyến đường lớn”, anh Quang chia sẻ.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/mua-dau-gia-dat-boi-thu-cua-vung-ven-ha-noi-d214793.html