Mùa dịch, 'chợ cóc' bán thực phẩm online mọc như nấm
Lợi dụng việc siêu thị khan hàng, nhiều người rao bán thực phẩm trên mạng (online) nhưng chất lượng phập phù và mua hàng từ nguồn này là chấp nhận hên xui.
Hàng hóa nhập nhèm nguồn gốc
Trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội, những điểm bán thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, thức ăn nấu sẵn giao tận nơi vẫn kinh doanh sôi động. Trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện càng nhiều trang, nhóm, tài khoản bán thực phẩm theo địa bàn, như Chợ online Gò Vấp, Chợ online An Phú Đông quận 12, Chợ online quận 10, Chợ online Thủ Đức và quận 9…
Thực phẩm ở các “chợ online” này không thiếu món gì, từ thịt, trứng, cá, tôm, mực, rau củ, trái cây đến các món ăn nấu sẵn (bún bò Huế, phở bò, bún riêu, bánh xèo, chả giò chiên, bánh chưng, bánh tét…), đồ ăn vặt (bánh tráng trộn, trà sữa, bánh mì, chân gà sả tắc, chè…). Chúng tôi đặt mua thử ba đơn hàng gồm những sản phẩm khó kiếm như tép, cua xay… trên nhóm “Chợ online Gò Vấp” từ ba người bán khác nhau. Giá bán các sản phẩm đều cao hơn khoảng 50% so với ngày thường, cộng thêm phí vận chuyển 25.000 đồng mỗi đơn hàng. Thế nhưng, hầu hết sản phẩm đều không tươi ngon như quảng cáo.
Nhiều khách hàng cũng gặp tình trạng tương tự nên đã lên mạng tố giác, bóc phốt hàng chất lượng kém kèm hình ảnh đối chứng. Có người không giữ được bình tĩnh, chửi người bán “treo đầu dê, bán thịt chó” khi giao hai tô bún bò Huế (giá 40.000 đồng/tô) mà chỉ có một miếng thịt bò, một khoanh chả lụa mỏng như giấy, trái ngược với những hình ảnh tô bún, phở, bánh canh đầy ắp thịt, chả khi đăng chào bán. Có khách tố nhận được cam loại 6-7 trái/kg, giá thường chỉ 30.000 đồng/kg khi đặt mua cam được rao là loại lớn (3-4 trái/kg), giá 40.000 đồng. Không ít trường hợp nhìn hình rau, cà chua được đăng tươi ngon nhưng khi đặt mua thì nhận được rau bị dập úng, khô héo.
Những lúc các cửa hàng khan hiếm thịt heo, trên Facebook vẫn có rất nhiều người chào bán thịt heo đông lạnh như sườn non, sườn cốt lết, khoanh giò, ba chỉ cắt sẵn, bằng cách rã đông, bán như thịt heo tươi, không có thông tin nhãn mác, bao bì, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn bảo quản.
Thận trọng khi mua thực phẩm trên mạng
Theo đại diện Phòng Quản lý chất lượng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, thực phẩm là nhóm hàng hóa được sản xuất, kinh doanh có điều kiện nhưng lại đang được rao bán tràn lan qua mạng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng (NTD). Người bán thường là cá nhân và không đăng ký kinh doanh do không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật hiện hành. Do đó, người bán có thể tự do thay đổi thông tin địa điểm kinh doanh mà NTD không thể lường trước được; thông tin liên lạc và danh tính của người bán cũng khó kiểm chứng; sản phẩm được bán thường không kèm theo chứng từ chứng minh nguồn gốc theo quy định. NTD rất khó kiểm tra được chất lượng sản phẩm khi chúng được đơn vị giao nhận gửi đến và bao gói rất cẩn thận.
Hiện chưa có đủ công cụ pháp lý để xử lý các cá nhân bán hàng qua mạng. Nếu phát hiện các đối tượng bán hàng qua mạng không tuân thủ đúng các quy định về phòng, chống dịch COVID-19 thì lực lượng chức năng sẽ xử lý cá nhân vi phạm theo quy định này.
Đại diện Phòng Quản lý chất lượng khuyến cáo, khi mua hàng qua mạng, đặc biệt là thực phẩm, NTD cần tìm hiểu kỹ các thông tin về chủng loại sản phẩm (thực phẩm tươi sống, thực phẩm sơ chế hay thực phẩm đã chế biến); nếu là thực phẩm chế biến thì cần có thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng, yêu cầu về chất lượng sản phẩm theo quy định, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng và điều kiện bảo quản… Đồng thời, NTD cần tìm hiểu kỹ về cơ sở sản xuất, kinh doanh những sản phẩm đó qua thông tin về địa điểm đăng ký kinh doanh hoặc địa chỉ cư trú của thương nhân, điện thoại, email… NTD nên vào đúng trang web của cơ sở hoặc trang mạng xã hội của người bán và tìm hiểu thông tin phản hồi, đánh giá từ những người mua trước đó.
Đặc biệt, các sản phẩm thịt đông lạnh được cấp đông và bảo quản lạnh với nhiệt độ tâm sản phẩm từ âm 120C trở xuống và thời gian bảo quản không được quá 18 tháng tính từ ngày sản xuất. “Quá trình đông lạnh thịt làm cho các vi khuẩn, nấm mốc tạm ngừng phát triển; khi thay đổi điều kiện bảo quản, chất lượng sản phẩm sẽ không được như ở trạng thái ban đầu nên khi rã đông, phải dùng ngay. Việc bảo quản, kinh doanh thịt đông lạnh không đúng cách sẽ làm gia tăng sự phát triển của vi sinh vật, gây mất an toàn đối với sức khỏe người dùng” - đại diện Phòng Quản lý chất lượng, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM tư vấn.
Theo Phụ nữ TPHCM