Mùa dịch, đường sắt tìm cách vượt khó
Trong khi vận tải khách đang gặp phải không ít khó khăn bởi các chuyến tàu phải cắt bớt, hành khách sụt giảm thì vận tải hàng hóa bằng đường sắt lại được coi là điểm sáng bởi doanh thu vẫn tăng trưởng đều.
Vận tải hàng hóa đường sắt tăng dù ảnh hưởng của COVID-19
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, dù ảnh hưởng do dịch COVID-19, tuy nhiên vận tải hàng hóa vẫn được duy trì, 6 tháng đầu năm 2020 sản lượng tấn xếp giữ được mức 96,7% và doanh thu tăng gần 5% so với cùng kỳ. Để giữ được điều này, ngành Đường sắt đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy các luồng hàng khác như tàu hàng chuyên tuyến, tàu container lạnh. Đồng thời, có chính sách giảm giá cước để thu hút khách hàng như: Giảm từ 2-17% giá cước tùy theo mặt hàng, cự ly và thời điểm vận chuyển.
Ông Lê Quang Dân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay, doanh thu 6 tháng vận tải hàng hóa của đơn vị này tăng tới 12% so cùng kỳ. "Chúng tôi đã đẩy mạnh khai thác tàu hàng chuyên tuyến, hiện đang chạy 18 đôi/tuần. Trong đó, 7 đôi/tuần tàu hàng nhanh H9/10 chuyên vận chuyển hàng bưu phẩm, chuyển phát nhanh cho các đối tác Viettel, VNPost. Doanh thu 6 tháng đôi tàu này đã được hơn 70 tỷ", ông Dân nói.
Được biết, đơn vị đã duy trì ổn định hàng liên vận quốc tế qua cửa khẩu với Trung Quốc. Tuyến Hà Nội - Lào Cai, vẫn duy trì được đôi tàu hàng chuyên tuyến Khai Viễn (Trung Quốc) - Hải Phòng chạy hàng ngày với mặt hàng phân bón DAP từ Trung Quốc nhập về và mặt hàng lưu huỳnh quá cảnh cảng Hải Phòng xuất sang Trung Quốc. Trên tuyến này còn khai thác vận chuyển hàng quặng sắt từ Lào về cảng Vũng Áng, theo đường biển về cảng Hải Phòng và xuất sang Trung Quốc bằng đường sắt. Hàng nhập từ Trung Quốc theo đường sắt về có nguyên vật liệu phục vụ các nhà máy sản xuất phân bón như DAP, amoni…
Với tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, ngoài các mặt hàng từ phía Nam ra như: sắn, container đông lạnh xuất hoa quả, thủy sản sang Trung Quốc, ngành Đường sắt còn tổ chức tiếp chuyển bằng đường sắt các container lạnh từ ga cửa khẩu Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Các xe ôtô vận chuyển container lạnh tập kết tại ga Đồng Đăng, từ đó lập tàu vận chuyển container sang Trung Quốc.
Đường sắt Việt Nam có thể vận tải liên vận quốc tế từ kho đến kho
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thông tin thêm, hiện đường sắt Việt Nam có thể vận tải liên vận quốc tế quá cảnh Trung Quốc đến Trung Á, châu Âu. Cụ thể, về hạ tầng, đường sắt Việt Nam kết nối với đường sắt Trung Quốc qua 2 cửa khẩu đường sắt: Đồng Đăng và Lào Cai.
Tại cửa khẩu Lào Cai, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1000mm Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai (Việt Nam) - Sơn Yêu (Trung Quốc). Qua cửa khẩu này, hàng trên tàu khổ 1.000mm từ Việt Nam vào trong nội địa Trung Quốc có thể sang toa trên tàu khổ 1435mm tại ga Hà Khẩu Bắc để hòa mạng đường sắt Trung Quốc. Tàu không sang toa có thể đi tiếp trên tuyến đường sắt khổ 1000mm còn lại duy nhất của Trung Quốc, tuy nhiên xa nhất chỉ đến Khai Viễn (tỉnh Vân Nam).
Qua cửa khẩu Lào Cai - Sơn Yêu, hàng hóa từ Việt Nam và từ nước thứ ba qua cảng Hải Phòng quá cảnh Việt Nam sang Trung Quốc có thể thông qua đường sắt 1435mm vận chuyển đến các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Tây Trung Quốc; Hoặc thông qua đường sắt 1000mm đến các địa phương miền núi phía Nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và ngược lại.
Trên tuyến này hiện đường sắt Việt Nam đang vận chuyển từ Trung Quốc nhập về gồm nguyên vật liệu phục vụ các nhà máy sản xuất phân bón như DAP, amoni… và mặt hàng lưu huỳnh quá cảnh cảng Hải Phòng xuất sang Trung Quốc với sản lượng tương đối lớn.
Tại cửa khẩu Đồng Đăng, đường sắt Việt Nam kết nối ray với đường sắt khổ 1435mm Trung Quốc qua cửa khẩu Đồng Đăng (Việt Nam) - Bằng Tường (Trung Quốc). Qua cửa khẩu này, hàng hóa từ Việt Nam có thể vận chuyển bằng đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc, quá cảnh Trung Quốc đến các nước châu Âu, Trung Á và ngược lại.
Thông tin cụ thể về tuyến vận tải hàng hóa này, lãnh đạo Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) - đơn vị đảm nhiệm vận tải liên vận quốc tế Á - Âu cho biết, hàng từ các địa phương theo tàu tập kết về các ga Đông Anh, Yên Viên, sau đó sẽ lập đoàn tàu sang Trung Quốc, từ Trung Quốc lại đi tiếp sang các nước Trung Á và châu Âu. Đến nay, đường sắt Việt Nam đã thực hiện vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam xuất sang các nước như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức…
Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây… Hàng nhập, chủ yếu từ Nga, Trung Quốc, trong đó từ Nga là sữa, thực phẩm, mỹ phẩm…Vị này chia sẻ thêm, ngoài hình thức vận chuyển truyền thống đường sắt - đường sắt sang các nước, đường sắt Việt Nam còn nhận vận chuyển đa phương thức: đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển.
Với tất cả các phương thức vận chuyển này, đường sắt đều nhận thực hiện dịch vụ trọn gói, từ kho đến kho, bao gồm cả vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan, chuyển tải qua các ga biên giới, giám sát vận chuyển, nhận - giao hàng đến tận kho…
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/mua-dich-duong-sat-tim-cach-vuot-kho-608561/