Mùa điều năm cũ
Có những thứ nhẹ nhàng rời xa từ khi nào không rõ, đến khi giật mình nhận ra đã trở thành hoài niệm. Có những nơi ta rất chán hôm nay, chỉ ước ao được đi thật xa, đến lúc nào đó lại muốn trở về. Đánh mất và tiếc nuối - phải chăng đó là quy luật muôn đời của cuộc sống?
Mùa điều năm cũ
Tôi đánh rơi quê hương từ cái ngày bước chân vào giảng đường đại học. Từ đó đến nay bôn ba nơi đất khách. Trong tâm trí của đứa con gái chớm thành người lớn, miền đất ấy, ngôi nhà ấy là nơi bất đắc dĩ lắm mới phải về.
Lớn lên trong gia đình chẳng mấy hạnh phúc, cả tuổi thơ phải chứng kiến cảnh cha say rượu rượt đánh mấy mẹ con. Đêm trở thành nỗi sợ. Tôi dặn lòng phải học thật giỏi, phải thoát khỏi nhà, phải làm bao chuyện lớn lao. Chao ôi, chú chim bé nhỏ nào khi mới tập bay chẳng muốn bay cao và xa… Nỗi nhớ quê bắt đầu lăn tăn gợn từ khi tôi lấy chồng xa, mỗi năm chỉ về thăm nhà được đôi lần. Quê hương trở thành nỗi chờ mong, khắc khoải tháng ngày rồi bung tỏa khát khao vào những ngày nghỉ lễ.
Những ngày về ngoại là những ngày vui vẻ nhất. Nó thật khác xa những năm tháng tuổi thơ cơ cực. Cuối mùa nắng rớt bắt đầu mùa mưa cũng là thời điểm kết thúc mùa điều. Những vườn điều chỉ còn lưa thưa trái, chủ bỏ không thu hoạch nữa. Bà ngoại rủ đi mót điều về nướng. Mẻ điều rang nghi ngút khói, nhựa điều cháy khét, phun xì xì bắn cả vào mặt mày. Trong hơi khói nồng khét, nước mắt nước mũi thi nhau trào, cả tuổi thơ ùa ạt hiện về…
Ảnh minh họa
Thường vào mùa này, khi xưa, chị em tôi sẽ rủ nhau cầm sào đi mót điều. Sào được làm từ thân cây trúc, cao nghêu, trên đầu có gắn móc sắt nặng trịch để móc vào cành rung cho trái rụng. Sào càng cao càng đỡ phải leo cây. Đứa con nít nào cũng leo cây nhanh như sóc. Những cây điều cổ thụ tán chọc trời, cành giăng tua tủa, kiến càng vàng nghịt. Vậy mà lũ nhóc chúng tôi vẫn trèo lên, giơ sào móc vào những nhánh điều trên cao, rung thật mạnh cho trái chín rơi xuống. Phải rung cho nhanh để khi kiến càng từ tổ bò tới thì lập tức nhảy xuống đất tránh. Nói thì dễ vậy chứ khối lần chúng tôi bị kiến bâu từ đầu tới chân, nhảy được xuống đất lăn ra giãy đành đạch, quần áo, tóc tai đầy những kiến. Kiến càng đốt đau nhưng ít độc, không sưng như vết kiến lửa đốt, bởi vậy chúng tôi không sợ kiến là bao.
Chưa thấy loại quả nào mủ nhiều như quả điều. Trái điều căng ứ thứ nước chan chát, hiếm trái ngọt. Vậy mà thứ nước chát ấy cứu khát cho dân mót điều kha khá lần chứ chẳng chơi. Đi mót ở những vườn xa nhà, chai nước đem theo đã cạn thì cách giải khát tốt nhất là ăn vài quả điều. Cũng có tí nước cho đỡ khát, nhưng vị chát thì đeo bám cổ họng đến tận khi được uống ngụm nước.
Cái thứ nước từ quả điều mà dính vào áo thì thôi rồi, có giặt mấy cũng chẳng ra. Nâu sì. Áo trắng đi học mà lỡ dính thì chỉ còn nước đem bỏ. Nhưng hồi đó, chẳng ai đem bỏ quần áo dơ bao giờ. Nó sẽ được giữ lại dùng làm “áo giáp” để mặc đi làm. Áo quần lũ trẻ chúng tôi lúc nào cũng lem luốc mủ điều. Chân tay thì dính đầy nhựa hột điều. Thứ nhựa từ hột điều độc vô cùng, dính tới đâu là ăn da tới đó, bám miết cho tới khi thay da non. Bàn tay vào mùa điều trông như da hổ, loang lổ những vết mủ.
Thứ bọn trẻ chúng tôi mong chờ nhất là lúc nhóm lửa nướng hạt điều. Bóc tách lớp vỏ đầy nhựa, bên trong là thứ nhân bùi như đậu phộng, nhưng giòn hơn, thơm hơn. Hạt điều nướng là thứ quà vặt vào hàng đặc sản của lũ trẻ con thời ấy. Chúng tôi không đem nướng những hạt chín vỏ còn xanh nhạt, căng mọng đẹp đẽ. Thứ hạt ấy để dành đem bán lấy tiền mua chút đồ ăn hay quần áo, sách vở cho năm học mới. Những hạt rụng đã lâu, khô quắt lại, đỏ tía và xấu xí vì ẩm mốc của hơi đất lâu ngày không ai mua được đem nướng. Đứa nào đứa nấy lấm lem mủ, than nhìn nhau cười ha hả rồi lại hùa nhau chà tay chân xuống nền xi măng cho tróc bớt mủ điều.
Tôi lớn lên theo những mùa điều ra hoa, rụng trái. Hoa điều găm đầy tóc chải rụng cả nùi mới sạch hết. Tay thì bị mủ hạt điều ăn da đen sì.
Những mùa hoa và quả rơi vào ký ức… Quê hương xếp lại bỏ vào ngăn kéo, lãng quên giữa nỗi lo cơm áo gạo tiền…
Cho đến chiều hôm ấy, khi những đứa trẻ ngày xưa đã thành mẹ rủ nhau đi mót điều. Hoa điều lại găm đầy tóc, mủ điều lại dính đầy tay. Tuổi thơ ào chảy như con lũ hung hãn cuốn vỡ đập kiên cố. Ôi tuổi thơ! Ôi những ngày cơ cực! Có ai ngờ lại trở về theo cách này đâu?
Thời gian phũ phàng bào mòn tất cả, duy chỉ ký ức qua bao tháng năm càng thêm nóng giẫy, tươi mới, thêm thôi thúc, cồn cào. Chúng tôi ngồi ôn ký ức về những mùa điều rụng quả. Rồi, lại hối hả mỗi người một ngả ra đi. Mắt mẹ đượm màu ráng chiều vừa rơi phía chân trời đằng tây.
Tôi đánh rơi quê hương sau bánh xe đò liên tỉnh. Tôi đánh rơi tôi nơi miền trời rợp bóng điều cổ thụ. Mủ điều độc lắm, đâu chỉ bám hoài vào da, nó còn bám hoài miền ký ức không buông để mỗi khi cạy tới lại nhoi nhói nơi ngực trái. “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên). Quê hương ơi, còn đó nóng hổi niềm mong nhớ của bao phận người xa xứ. Mới hay người già sao lại cố chấp quay về quê cũ dù khi trở về chỉ còn mảnh tàn tro.
Bao lâu nữa mới được về quê cũ? Bao giờ chị em lại tíu tít cùng nhau ôn lại tuổi thơ? Câu hỏi ngổn ngang miền ký ức. Câu trả lời còn ở một nơi xa, rất xa…
Ngọc Trúc
Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/van-hoa/mua-dieu-nam-cu-133854.html