Mùa đơm hoa, đậu quả
Mai Sơn vùng trọng điểm cây ăn quả lớn nhất tỉnh, thời điểm này, những vườn xoài, bưởi đang đồng loạt bung hoa nở rộ. Đồng hành với nông dân, đội ngũ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn thường xuyên bám cơ sở, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây thời kỳ ra hoa, đậu quả.
Có mặt tại lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tại nhà văn hóa bản Yên Tiến, xã Hát Lót, hàng trăm nông dân trồng xoài của thị trấn Hát Lót và xã Hát Lót, Chiềng Mung đang trao đổi, không khí sôi nổi. Các câu hỏi về các hiện tượng trên vườn xoài của gia đình được đưa ra bàn luận trực tiếp ngay tại lớp tập huấn.

Lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc xoài cho nông dân xã Hát Lót, Chiềng Mung và thị trấn Hát Lót.
Ông Hà Văn Khánh, nông dân tại bản Nà Hạ, xã Chiềng Mung, cho biết: Gia đình tôi có hơn 1 ha xoài và kinh nghiệm trồng xoài nhiều năm. Tuy nhiên, tôi vẫn rất tích cực tham gia những buổi tập huấn về kỹ thuật trồng trọt tại địa phương. Bởi tại đây, tôi được cập nhật tình hình sâu bệnh trên cây trồng để chủ động phòng trừ; cách lựa chọn các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và cách nhận biết các dấu hiệu khi cây trồng nhiễm sâu bệnh.
Còn ông Phạm Văn Tuấn, tiểu khu 10, thị trấn Hát Lót, chia sẻ: Chăm sóc các loại cây ăn quả đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu phải theo quy trình chặt chẽ. Bây giờ, chúng tôi không phun thuốc diệt cỏ, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học; quá trình chăm sóc có nhật ký ghi rõ thời điểm bón phân, phun thuốc để theo dõi. Sau khi xoài, bưởi đậu quả, phải tỉa bỏ những quả nhỏ chất lượng kém và bao trái để đảm bảo mẫu mã đẹp và sạch hơn.

Viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn hướng dẫn nông dân nhận biết các loại sâu bệnh trên cây xoài.
Trên địa bàn huyện Mai Sơn hiện có 3.460 ha xoài, chủ yếu là giống xoài Đài Loan (GL4). Trong đó, trên 314 ha được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn tương đương; trên 558 ha được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Mỹ, New Zealand.
Chị Phạm Thị Vân, viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mai Sơn, cho biết: Chúng tôi thường xuyên bám địa bàn, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây, đặc biệt là thời kỳ ra hoa, đậu quả, vì đây là giai đoạn quan trọng quyết định năng suất, chất lượng quả. Hướng dẫn nông dân đăng ký, xây dựng vùng trồng xuất khẩu theo vùng tập trung để dễ quản lý, giám sát, đánh giá quá trình canh tác theo các tiêu chí, nhất là việc sử dụng đúng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng loại bệnh và nằm trong danh mục mà nước nhập khẩu cho phép, đảm bảo các yêu cầu xuất khẩu. Bên cạnh việc trao đổi lý thuyết, chúng tôi ưu tiên việc trao đổi trực tiếp tại hiện trường để nông dân có thể bắt tay vào thực hành ngay tại vườn nhà mình.

Cán bộ Hội Nông dân huyện Mai Sơn trao đổi kỹ thuật chăm sóc nhãn với nông dân.
Ngoài cây xoài, huyện Mai Sơn hiện có trên 550 ha bưởi, trên 2.000 ha nhãn chuẩn bị bước vào thời kỳ ra hoa. Theo khảo sát, thời điểm này, trên cây bưởi, nhãn đã xuất hiện các loại sâu bệnh, như: Bọ xít nâu, rệp sáp, thán thư, sương mai, phấn trắng, rệp đỏ... với mật độ thưa. Những bệnh phổ biến này ảnh hưởng trực tiếp làm rụng hoa, rụng quả non. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi độ ẩm không khí cao. Đảm bảo năng suất, chất lượng quả, cán bộ chuyên môn của các cơ quan hướng dẫn nông dân thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình hình sâu bệnh của cây. Đồng thời, cắt tỉa các cành già cỗi, dọn cành và lá rụng để cây hấp thụ được dinh dưỡng tốt nhất. Khi phát hiện sâu bệnh, cần phun phòng trừ bằng các loại thuốc vi sinh.

Viên chức Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân kỹ thuật bón phân cho cây trồng.
Ông Cầm Văn Thoát, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mai Sơn, cho biết: Nhiều nông dân sau được tập huấn đã biết áp dụng vào nâng cao nâng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hội Nông dân phối hợp với cơ quan chuyên môn tiếp tục khảo sát nhu cầu của nông dân tại các địa phương để mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc na, ủ phân hữu cơ cho cây ăn quả. Qua các lớp tập huấn, giúp nông dân đẩy mạnh áp dụng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, góp phần nâng cao sản lượng, tăng thu nhập, đồng thời bảo vệ hệ sinh thái, chất lượng môi trường sống.
Với sự chủ động chăm sóc cây ăn quả của người sản xuất, cùng đồng hành của cơ quan chuyên môn, mùa quả ngọt năm nay trên địa bàn huyện Mai Sơn sẽ đạt sản lượng cao, tạo sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/mua-dom-hoa-dau-qua-v9lVpqcHR.html