Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án lãng phí, đề xuất chính sách xử lý
Nhấn mạnh việc chậm trễ báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương ảnh hưởng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải rà soát ngay để có chính sách xử lý.
Sáng 25-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí.
Tại phiên họp, các đại biểu đã rà soát lại các công việc đã triển khai và các kết quả đạt được. Cùng với đó, chỉ ra những khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài...
5 phương châm phòng, chống lãng phí
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xử lý kiến nghị của các địa phương; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Về bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu phát triển rất lớn, yêu cầu tăng trưởng rất cao và tình trạng lãng phí nguồn lực còn nhiều, phức tạp. Do đó, theo Thủ tướng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phòng, chống lãng phí phải bám sát 5 phương châm.
Trước tiên, phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng chỉ rõ công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện phòng, chống lãng phí phải bám sát 5 phương châm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh phòng, chống lãng phí là không có giới hạn về không gian và thời gian; phải làm liên tục; làm từ trên xuống dưới, làm từ trong ra ngoài; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội. Thẩm quyền của ai thì người đó làm, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
Theo Thủ tướng, phòng, chống lãng phí phải gắn kết với tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế kết hợp chặt chẽ với cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp theo, phòng, chống lãng phí phải gắn kết với sự phát triển đất nước, thực hiện mục tiêu tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đồng thời, phòng, chống lãng phí phải gắn với 3 đột phá chiến lược; tháo gỡ vướng mắc thể chế, vướng mắc tại các dự án lớn, huy động nguồn lực trong nhân dân và xã hội.
Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài để đề xuất chính sách xử lý
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương phải tập trung chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Cụ thể, cần thống nhất về nhận thức và tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí trong tất cả các cấp, ngành, lĩnh vực. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải quán triệt rất rõ nội dung này để đưa vào các cam kết, kế hoạch, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu tất cả các ngành, các cấp, các địa phương phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.
Nhấn mạnh chính sách ban hành chưa hoặc không phù hợp cũng gây ra sự lãng phí rất lớn, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…
Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế-xã hội, các định mức kinh tế-kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước.

Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nhấn mạnh việc chậm trễ trong báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương không chỉ thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ xử lý các dự án tồn đọng, kéo dài, làm gia tăng tình trạng lãng phí.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ngay việc thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Các trường hợp không thực hiện nghiêm túc, không báo cáo đúng hạn sẽ bị xem xét trách nhiệm, xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Bộ KH&ĐT (sắp tới đây sẽ là Bộ Tài chính) cùng với Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giám sát chặt chẽ, tổng hợp báo cáo định kỳ, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các đơn vị chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện.
Hợp nhất các Ban Chỉ đạo có chức năng tương đồng thành một
Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng hiện nay một số ban chỉ đạo, tổ công tác đang hoạt động có cùng chức năng, nhiệm vụ xử lý tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng. Do đó, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hợp nhất các Ban Chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thành một Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng Ban Chỉ đạo, hoàn thành trước ngày 28-2.
Tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; tăng cường phân cấp, phân quyền nhất là trong quản lý các dự án đầu tư công.
Thủ tướng cũng yêu cầu thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, ngành vào công tác quản lý, giám sát. Đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan.
Song, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát công tác phối hợp sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền.
Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo trước ngày 15-3.
Liên quan đến việc tháo gỡ các vướng mắc về đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố theo Kết luận số 77-KL/TW của Bộ Chính trị, vừa qua Chính phủ đã báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 170/2024/QH15, qua đó tạo cơ sở pháp lý để giải quyết các dự án tồn đọng, vướng mắc.
Riêng tại Đà Nẵng, theo thống kê đến nay, hơn 1.300 dự án sẽ được tháo gỡ theo tinh thần Kết luận của Bộ Chính trị.
Đồng thời, giải quyết tồn tại kéo dài đối với dự án bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2; hoàn thành chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém; xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây.
Ngoài ra, thúc đẩy các dự án kéo dài như chuỗi dự án điện khí Lô B – Ô Môn kéo dài 20 năm, cùng một loạt dự án năng lượng, đặc biệt là hoàn thành đường dây 500 kV mạch 3 trong vòng 6 tháng…