'Mùa đông' tiền ảo đặt ra thách thức mới cho Singapore
Singapore đang loay hoay với tầm nhìn trở thành trung tâm tiền ảo của khu vực châu Á khi các nhà quản lý ở đảo quốc sư tử tìm cách giám sát chặt chẽ hơn sau hàng loạt vụ sụp đổ của các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền ảo có trụ sở đặt tại nước này.
Các công ty môi giới, cho vay, sàn giao dịch tiền ảo cũng như các công ty phát triển công nghệ blockchain (chuỗi khối) đã đổ xô đến Singapore, trung tâm tài chính Đông Nam Á, sau khi chính phủ nước này ban hành khung quy định cho các dịch vụ thanh toán số. Theo Cơ quan quản lý tiền Singapore (MAS), có gần 200 công ty đã nộp đơn xin giấy phép cung cấp dịch mua bán các mã thông báo thanh toán số như bitcoin, ether…
Chỉ có khoảng 12 công ty trong số đó đã được cấp phép trong bối cảnh thị trường tiền ảo gần đây rơi vào thời kỳ “ngủ đông”, khiến giá trị của các mã thông báo thanh toán số như luna và terraUSD gần như bị xóa sạch. Điều này dẫn đến quỹ đầu tư tiền ảo Three Arrows Capital, có trụ sở tại Singapore, vỡ nợ và phải làm thủ tục phá sản cũng như buộc một số nền tảng cho vay tiền ảo phải đóng băng hoạt động rút tiền.
Luna Foundation Guard và Terraform Labs, các tổ chức đứng đằng sau hai mã thông báo thanh toán số luna và terraUSD cũng được thành lập và đăng ký hoạt động tại Singapore. Hồi đầu tháng 7, Vauld Group, một công ty cho vay tiền ảo có văn phòng đặt tại Singapore, đã đình chỉ hoạt động rút tiền đồng thời nộp đơn xin tòa bảo hộ để tái cấu trúc sau khi chứng kiến nhà đầu tư ồ ạt rút 200 triệu đô la Mỹ khỏi nền tảng cho vay của công ty trong tháng 6.
Các cú sụp đổ vẫn tiếp tục diễn ra. Zipmex, một sàn giao dịch tiền ảo có trụ sở tại Singapore, đã nộp đơn yêu cầu bảo vệ tài sản khỏi các chủ nợ vào cuối tháng 7. Trong tuần này, Hodlnaut, một công ty cho vay tiền ảo ở Singapore, cho biết đã tạm dừng nhiều dịch vụ.
Hodlnaut trước đó đã được MAS chấp thuận cấp giấy phép về nguyên tắc. Hồi tháng 6, Giám đốc điều hành Hodlnaut Zhu Juntao cho biết ở thời kỳ đỉnh cao, công ty ông đã quản lý số tài sản 750 triệu đô la Mỹ với phần lớn là người dùng nước ngoài.
Người phát ngôn của MAS cho biết đã hủy bỏ quyết định phê duyệt giấy phép cho Hodlnaut và việc tạm dừng dịch vụ của công ty không vi phạm các quy định quản lý của Singapore.
“MAS đã liên tục nhắc nhở công chúng rằng giao dịch tiền ảo là rất nguy hiểm, không chỉ giá trị của tiền ảo cực kỳ biến động mà tiền của khách hàng cũng không được bảo vệ theo luật”, người phát ngôn này nói.
Sau khi thị trường tiền ảo sụp đổ trong thời gian gần đây, MAS đã cảnh báo rằng cơ quan này sẽ xử lý cứng rắn đối với các công ty bất chính trong lĩnh vực tiền ảo và dự định vạch ra kế hoạch phát triển Singapore trở thành một trung tâm tài sản kỹ thuật số.
“Những công tiền ảo tự giới thiệu đặt trụ sở tại Singapore đã chẳng liên quan gì với các quy định quản lý tiền ảo ở Singapore”, Giám đốc điều hành MAS Ravi Menon nói trong một bài phát biểu hồi tháng 7. Ông nói rằng các tổ chức như Terraform Labs, Luna Foundation Guard và Vauld Group chưa được MAS cấp phép kinh doanh tiền ảo, trong khi đó, quỹ Three Arrows không chịu sự chi phối của đạo luật dịch vụ thanh toán của Singapore.
Song ông thừa nhận rằng các quy định quản lý tiền ảo ở Singapore và các nơi khác trên thế giới cho đến nay đã tập trung vào rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố, và các quy định quản lý nói chung vẫn phải chạy theo sau ngành công nghiệp tiền ảo đang phát triển nhanh.
Trước khi thị trường tiền ảo sụp đổ gần đây, nhiều công ty tiền ảo đã bị thu hút đến Singapoe, nơi có các chính sách thuế, nhập cư và doanh nghiệp hấp dẫn và thông thoáng, đồng thời họ cũng hào hứng khi giới chức trách nước này cam kết sẽ hỗ trợ phát triển và đổi mới blockchain.
DBS Group, ngân hàng lớn nhất của Singapore, đã ra mắt sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số cho các nhà đầu tư vào năm ngoái. Họ đã có kế hoạch mở rộng dịch vụ này cho khách hàng lẻ, nhưng đã thay đổi quyết định cách đây vài tháng sau khi Singapore cấm tiếp thị dịch vụ giao dịch tiền ảo ở nơi công cộng.
Trong khi đó, sự giám sát chặt chẽ hơn của MAS đối với các đơn xin cấp giấy phép kinh doanh đã khiến nhiều công ty tiền ảo thất vọng. Hàng chục công ty đã rút đơn đăng ký của họ, bao gồm cả chi nhánh tại Singapore của Binance, sàn giao dịch tiền ảo nhất thế giới.
Claire Wilson, đối tác của Công ty Holland & Marie, nói: “Nhiều công ty trong ngành đang bối rối và thất vọng trước những tín hiệu nhiễu loạn từ MAS. Singapore tuyên bố nước này muốn trở thành một trung tâm tài sản kỹ thuật số sáng tạo rồi sau đó, lại nói rằng họ áp đặt một chế độ kiểm soát nghiêm ngặt đối với tiền ảo”.
Một số công ty tiền ảo cho biết họ đã phải chịu sự giám sát tăng cường từ MAS sau cú sụp đổ của đồng tiền ảo TerraUSD và quỹ Three Arrows. Các công ty tiền ảo, đã nhận được giấy phép hoặc sắp hoàn thành thủ tục xin giấy phép kinh doanh ở Singapore, cho biết đó là một quá trình kéo dài hai năm bao gồm ngồi phỏng vấn với các cơ quan quản lý, cung cấp thông tin chi tiết về cách họ kiếm tiền và cho các quan chức biết cách họ bảo vệ chống rửa tiền và các cuộc tấn công mạng.
Kristi Swartz, đối tác của Công ty DLA Piper, nhận định các nhà quản lý Singapore đang đối mặt với tình thế bế tắc: họ vừa muốn đặt ra các quy định quản lý cụ thể nhưng cũng muốn các điều khoản đủ rộng để ngăn chặn các hành vi sai trái hoặc rủi ro, bao gồm cả những hành vi mà họ có thể chưa nghĩ đến trong một ngành công nghiệp chuyển động nhanh chóng. Swartz nói: “Khi bạn cố gắng tỏ ra rõ ràng và cứng rắn nhưng vẫn linh hoạt, điều đó thật khó khăn”.
Theo Wall Street Journal
Lê Linh
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/mua-dong-tien-ao-dat-ra-thach-thuc-moi-cho-singapore/