'Mùa đông tiền số' có nguy cơ bước vào kỷ băng hà
Thời kỳ ngủ đông của thị trường tiền số có thể biến thành kỷ băng hà dài hạn, trong bối cảnh niềm tin của giới đầu tư đã mất cùng những điều kiện khó khăn của nền kinh tế.
Sau cú lao dốc gây sốc hồi đầu năm, ngành công nghiệp tiền số dường như đã ngủ đông. Từng có thời được cả thế giới tài chính săn đón, giờ đây, các nhà đầu tư nhỏ lẻ dường như đã hết tha thiết với tiền số, trong khi các quỹ đầu tư lớn quyết định án binh bất động.
Bước vào kỷ băng hà
Chỉ chưa đầy một năm trước, Bitcoin (BTC) tiến sát mốc 70.000 USD. Nhưng từ tháng 8 đến nay, giá của đồng tiền số lớn nhất thị trường chủ yếu dao động quanh mốc 20.000 USD.
Mức độ biến động giá trung bình của Bitcoin hiện thấp nhất kể từ tháng 10/2020, theo phân tích của CryptoCompare.
Ethereum (ETH), đồng tiền có giá trị lớn thứ 2 thị trường, đã không thể đột phá giá trị sau bản cập nhật "Merge" hôm 15/9.
Theo Financial Times, hiện tượng giá trị các đồng tiền số lao dốc được ví von là "mùa đông tiền số", tức giai đoạn đi xuống theo chu kỳ của thị trường.
Nhưng, thời gian kéo dài của giai đoạn ảm đạm này, cùng thực tế hàng nghìn lao động trong lĩnh vực tiền số mất việc làm những tháng qua, cho thấy đây có lẽ sẽ là kỷ băng hà. Chưa xuất hiện dấu hiệu nào cho thấy thị trường tiền mã hóa sẽ có động lực mới để tăng trưởng trở lại.
CoinShares, tập đoàn giao dịch và đầu tư tài sản kỹ thuật số, miêu tả thời gian hiện tại là "thời kỳ thờ ơ" mà thị trường tiền số phải trải qua.
Tiền số đang hứng chịu số phận tương tự các tài sản thuộc loại mang tính đầu cơ cao, trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhằm đẩy lùi lạm phát. Điều này khiến các nhà đầu tư rút vốn khỏi các loại tài sản rủi ro.
Chỉ số chứng khoán công nghệ NASDAQ của Mỹ đã mất 30% giá trị trong năm qua, mức sụt giảm tồi tệ bậc nhất trong phạm vi các nền kinh tế phát triển.
Nhưng Bitcoin thậm chí còn mất tới 70% giá trị trong cùng thời kỳ, cùng với sự sụp đổ của đồng LUNA và hệ sinh thái Terra hồi tháng 5, không chỉ khiến các nhà đầu tư mất hàng chục tỷ USD mà còn khiến lòng tin vào tiền số suy giảm nghiêm trọng.
Từ 3.200 tỷ USD, giá trị toàn thị trường đã co lại chỉ còn trên dưới 1.000 tỷ USD.
Hàng nghìn lao động đã mất việc làm sau khi các sàn giao dịch như Coinbase và Gemini cắt giảm nhân sự, thu hẹp hoạt động. Theo CNN, quỹ đầu tư mạo hiểm Three Arrows Capitol và sàn cho vay Celsius Network đã phá sản.
Một loạt lãnh đạo cấp cao trong ngành như Jese Powell của Kraken, Michale Saylor của MicroStategy, hay Alex Mashinsky của Celsius, đã phải từ chức.
Việc mức giá đi ngang khiến thị trường rơi vào trạng thái "ôm hàng" chờ lên giá. Theo phân tích được Morgan Stanley công bố tuần qua, 78% đơn vị Bitcoin trên toàn thị trường đã không được giao dịch trong 6 tháng vừa qua, đây là kỷ lục chưa từng có.
Không thể sớm trở lại
Bên cạnh áp lực từ lãi suất của các ngân hàng trung ương, một số thử nghiệm với tiền số cũng mang lại kết quả tồi tệ, khiến thị trường càng thêm sợ hãi.
El Salvador đã thất bại khi tích trữ và công nhận Bitcoin là đồng tiền chính thức, khiến quốc gia Mỹ Latin thua lỗ hàng tỷ USD.
Tiền số đã không thể chống lại lạm phát. Giá của các đồng tiền số thậm chí còn giảm ngay cả khi lạm phát ở các quốc gia phát triển chạm ngưỡng 10%.
"Bitcoin đã không phát huy vai trò hàng rào chống lạm phát hay nơi tích trữ tài sản trong những năm qua", Alkesh Shah, chiến lược gia về tài sản kỹ thuật số tại Bank of America, nhận định.
Ngay cả khi đã chuyển đổi, tách khỏi hoạt động "đào" tiêu tốn nhiều chi phí cho điện năng, tiền số cũng không khởi sắc.
Tháng 9 vừa qua, mạng lưới Ethereum đã công bố bản cập nhật "Merge", giúp giảm tiêu thụ điện tới 99%, theo Reuters. Nhưng bản cập nhật không giúp tăng giá trị của đồng ETH.
Các "thợ đào", bằng cách sử dụng máy tính để giải các phương trình phức tạp đổi lại phần thưởng là tiền số, đang đứng trước sức ép ngày một lớn. Trong khi phải tiếp tục chi tiền để chạy máy đào, phần thưởng họ nhận được ngày một ít hơn, giá trị ngày càng nhỏ hơn.
Tuần qua, công ty đào tiền số Core Scientific cảnh báo nguy cơ cạn tiền mặt vào cuối năm và có thể thông báo phá sản. Cổ phiếu của Core Scientific đã mất 70% giá trị.
Core Scientific cho biết nguyên nhân việc làm ăn bết bát là giá đồng Bitcoin lao dốc, chi phí tiền điện tăng, cũng như việc kiện tụng với nền tảng cho vay Celsius.
Dù giá trị các đồng tiền số lao dốc, một số người vẫn tỏ ra lạc quan. Dan Ives, giám đốc điều hành công ty đầu tư Wedbush Securities, cho rằng dù đang trải qua thời kỳ rất khó khăn, các loại tài sản đầu cơ trong đó có tiền số vẫn sẽ tồn tại.
"Công nghệ chuỗi khối và nhiều ứng dụng hơn sẽ là cách để tiền số tiếp tục phát triển", ông Ives nói.
Trong tháng 8, Coinbase công bố một thỏa thuận với tập đoàn quản lý đầu tư BlackRock được hy vọng sẽ mang lại sức sống mới cho thị trường tiền số.
BlackRock cho biết các khách hàng của tập đoàn này vẫn rất quan tâm tới tiền số dù giá trị thị trường đã giảm mạnh.
Vài tuần qua, NASDAQ, Mastercard và BNY Mellon đã thông báo sẽ cung cấp dịch vụ tiền số - dấu hiệu cho thấy mối quan tâm vẫn rất lớn dù thị trường lao dốc trong năm nay. Nhưng sẽ cần thời gian trước khi sự quan tâm này biến thành động lực đi lên cho thị trường.
"Ý tưởng rằng chúng ta đột nhiên chứng kiến giá tăng mạnh trước khi tiền số có chỗ đứng vững chắc hơn trong nền kinh tế, tôi nghĩ, là điều viển vông", Charley Cooper, giám đốc điều hành tập đoàn blockchain R3, nhận định.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-dong-tien-so-co-nguy-co-buoc-vao-ky-bang-ha-post1369896.html