Mùa gặt

Thời chưa có kênh mương thủy lợi, đồng lúa quê tôi mỗi năm chỉ có một vụ. Bởi vậy, mùa gặt đầu tháng 10 được mong đợi nhất trong năm. Ai cũng trông chờ nồi cơm lúa mới thay cho củ lang, củ mì qua bữa trong những ngày giáp hạt.

Trước ngày gặt, khoảng thời gian chờ lúa chín đều, chiều chiều trên cánh đồng thường rất đông vui, nhộn nhịp. Nhà nào cũng sai con nít ra bám ruộng để canh chừng bò nghé nhảy giẫm, quan trọng hơn là đuổi chim, nếu lơ là sẽ bị những đàn sẻ “thu hoạch” sạch. Tiếng hò hét, tiếng gõ nắp vung beng beng của lũ trẻ chen lẫn tiếng leng keng của vỏ lon sữa trên tay “ông” bù nhìn cùng đuổi chim nghe vang cả góc trời!

Trong làng, không khí trở nên rộn ràng. Háo hức nhất là đám trẻ con lo chuẩn bị nơm, lờ, đụt để bắt cá. Người lớn thì lo chuẩn bị câu liêm, đòn gánh, dây thừng và tìm người đổi công thu hoạch lúa. Cùng lúc, phải kiểm tra lại cái sạp đập lúa vì một năm chỉ dùng có một mùa, nếu hư thì làm lại cho chắc chắn để đập lúa cho nhanh.

Làm sạp cũng đơn giản: mặt sạp hình chữ nhật có chiều dài hơn thân cây lúa, đan bằng thanh tre vót tròn hoặc cây dẻ ốc cỡ như ngón tay cái, một đầu tra 2 chân cao đến thắt lưng người lớn, đầu kia để nằm trên đất tạo độ nghiêng vừa tầm tay đập xuống cho mạnh, lúa sẽ rụng dưới lòng sạp chứ không văng xa, rất tiện.

Gặt lúa không phải là việc nặng nhưng đòi hỏi sự dẻo dai, nhanh nhẹn. Sớm tinh mơ ra đồng đã thấy nhiều tấm lưng rạp mình trên ruộng, người cúi rất thấp đưa tay gặt lúa sát gốc để tận dụng rơm rạ. Bà con tranh thủ gặt trong buổi sáng rồi phơi cho lúa rút bớt nước để chiều gánh cho đỡ nặng. Từng bó lúa được đặt ngay ngắn, thẳng hàng. Động tác phải nhẹ nhàng, khéo léo thì hạt lúa mới không bị rơi rụng.

Người lớn gặt tới đâu, đám trẻ theo sau tới đó, hò reo bắt cá! Con rô, con sặc dễ bắt, cá lóc phải dùng nơm mà úp. Mấy lỗ xói trũng, dùng bàn chân tát cạn nước, lấy cuốc đào lên thế nào cũng có con chạch, con lươn. Đôi khi gặp cá trê, không biết bắt là bị ngạnh nó đâm, nhức phát sốt, có đứa vừa khóc vừa ôm đầu mà chạy về nhà!

Thu hoạch lúa. Ảnh: Internet

Thu hoạch lúa. Ảnh: Internet

Cảnh đập lúa trong đêm thật nhộn nhịp! Tiếng hạt lúa bắn rào rào hòa cùng tiếng cười nói rôm rả làm quên đi nỗi vất vả trong công việc. Người đứng sạp thường là đàn ông, phải đập mạnh và biết trở bó lúa thật đều để không sót hạt, nếu hạt nào không rụng thì phải dùng tay tuốt. Lũ chúng tôi thì phụ giúp những việc lặt vặt như cào rơm, chuyển rạ, quạt lúa... Các mẹ, các chị thì rê và sảy.

Việc rê thóc thấy thế chứ không dễ, không quen là rê không sạch và mỏi tay lắm! Bưng thúng thóc đưa lên cao ngang đầu rồi nghiêng thúng cho hạt chảy đều xuống trông như tấm mành, hạt chắc rơi thẳng xuống nia, hạt lép bay ra ngoài. Hôm nào không có gió thì lấy nón lá quạt, nhà nào chu đáo sắm hẳn cái quạt làm bằng khung tre dán giấy.

Sảy thóc còn khó hơn, hai tay dang rộng cầm chặt hai bên vành nia nẩy lên hạ xuống nhịp nhàng. Thóc tung lên thành làn cong cong, hạt chắc rơi xuống nia phía người, hạt lép rơi dần vào đầu nia bên kia rồi cuối cùng sảy hẳn ra ngoài. Đêm đập lúa nhà nhà thức đến khuya. Khi tạm xong, mọi người quây quần ăn tô cháo cá, cháo lươn nấu gạo mới vừa thơm vừa ấm bụng để lấy sức cho ngày mai.

Giờ đây, máy móc đã làm thay nhiều việc cho người nông dân nên mùa gặt không còn như xưa nữa. Nhưng không khí làng quê ngày mùa vẫn còn in đậm trong tôi! Mỗi lần có dịp ngang qua cánh đồng óng vàng lúa chín, ký ức tuổi thơ lại ùa về, đượm hương lúa mới.

PHAN VĂN THIÊN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12383/202010/mua-gat-5704723/