Mùa gặt trên cánh đồng Mường Tấc

Cuối tháng 5 và đầu tháng 6, trên địa bàn huyện Phù Yên, lúa xuân đã chín rộ. Khắp cánh đồng Mường Tấc trải dài một màu vàng ruộm của lúa chín đang vào vụ thu hoạch.

Nông dân huyện Phù Yên thu hoạch lúa xuân.

Nông dân huyện Phù Yên thu hoạch lúa xuân.

Vụ xuân năm nay, gia đình bà Lường Thị Tiến ở bản Nà Phái 1, xã Huy Bắc gieo cấy 1.400 m2 ruộng bằng giống lúa BC15. Đến cuối tháng 5, lúa đã chín rộ, cho thu hoạch. Bà Tiến đã thuê thêm người gặt, dậy từ 3 giờ sáng ra đồng để “trốn” nắng nóng như thiêu như đốt vào ban ngày, dồn sức thu hoạch nhanh lúa xuân

Còn ông Lò Văn Ẹt, bản Búc, xã Quang Huy, chia sẻ: Gia đình tôi cấy 2.000 m2 ruộng, hiện lúa đến kỳ thu hoạch. Nếu thời tiết bình thường thì khoảng 6 - 7 giờ sáng mới xuống đồng, bây giờ để tránh nắng, gia đình tôi thường ra đồng lúc 3 giờ sáng, khoảng 7, 8 giờ nắng lên là nghỉ. Buổi chiều, cũng đợi nắng yếu mới xuống đồng. Lúa năm nay tốt, chắc hạt, ít sâu bệnh nên gia đình rất phấn khởi.

Vụ xuân năm 2023, huyện Phù Yên gieo cấy trên 2.400 ha lúa. Ngoài các giống lúa truyền thống, như BC15, Đài thơm 8, J02, Séng cù, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã chọn điểm trình diễn các loại giống lúa thuần chất lượng cao, như nếp A sào; TBR97; TBR39 của Công ty cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed, quy mô 1,5 ha tại xã Huy Tân; giống Hà Phát 3, quy mô 1 ha của Công ty Mahyco Việt Nam tại xã Huy Bắc.

Bà Bạc Cầm Thị Xiêng, Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện, cho biết: Vụ xuân năm nay, huyện tiếp tục duy trì 130 ha lúa sản xuất hữu cơ lâu dài, đã được Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận hữu cơ. Vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là 390,9ha. Chất lượng gạo thơm ngon, an toàn, được thị trường ưa chuộng. Đất đai được cải tạo màu mỡ, tơi xốp hơn.

Cánh đồng Mường Tấc thường thu hoạch lúa sớm, trên các thửa ruộng, tiếng nói, tiếng cười của bà con cùng tiếng máy gặt, máy tuốt lúa rộn rã. Công việc đồng áng từ cày, bừa, gặt, tuốt lúa cơ bản được cơ giới hóa, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và giải phóng sức lao động.

3 năm gần đây, đến mùa vụ những chiếc máy gặt đập liên hợp luôn “đắt khách”. Nhờ có máy móc hỗ trợ, nỗi vất vả vào ngày mùa của nông dân đã giảm đáng kể. Bà Bạc Thị Chung, bản Búc, xã Quang Huy, cho biết: Gia đình tôi có 1.800 m2 ruộng, trong đó, 500 m2 là thóc nếp. Ngày mùa, gia đình không có nhân lực, nên thuê máy gặt đập liên hợp, vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo sức khỏe trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Chi phí thuê máy gặt cũng rẻ hơn so với thuê người gặt.

Theo bà con, năng suất lúa năm nay tương đương năm ngoái, ước đạt từ 60-65 tạ/ha. Lúa gặt xong phơi lại trên đồng, chiều mát vận chuyển về thuê máy tuốt, thóc chỉ phơi thêm 1 nắng nữa là yên tâm cất trữ. Rơm được nhiều gia đình mang về phục vụ chăn nuôi gia súc thay vì đốt tại ruộng như những năm trước.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, bà con giải phóng đất theo phương châm “thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó” để đảm bảo tiến độ sản xuất vụ mùa đúng khung lịch thời vụ.

Bích Luyện (CTV)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/mua-gat-tren-canh-dong-muong-tac-pK46OQlVR.html