Mùa gòn năm cũ
Gió bấc về, những trái gòn trước sân nhà bung nở. Từng bông hoa trắng mỏng manh giăng đầy trong gió. Lòng tôi lại bùi ngùi nhớ dáng ngoại liêu xiêu ngoài ngõ trong làn gió bấc mênh mông.
Minh họa: Khôi Nguyên
Hồi đó, mỗi khi nhìn thấy gòn chín, ngoại thường làm một cái móc bằng cây để hái trái gòn. Tôi vẫn thường vói tay hái phụ ngoại. Nhìn tấm lưng còng của ngoại khi ngước mặt lên bầu trời, chờ đợi từng trái gòn rơi xuống, lòng tôi như quặn thắt. Thời gian cứ nặng oằn trên tấm lưng gầy của ngoại. Tôi phụ ngoại nhặt mấy trái gòn phơi khô, lột vỏ, rồi lấy hạt ra. Những miếng bông gòn mềm mại trắng tinh được ngoại nâng niu như báu vật. Khi gòn đã khô, ngoại lại lọ mọ với kim chỉ, vải vóc để may gối. Những chiếc gối đầy gòn, mềm mại đưa tôi vào giấc ngủ ngọt lành. Đến tận bây giờ, nhà tôi vẫn có thói quen ngủ gối gòn, mặc cho người ta nói nó đã lỗi thời.
Nhà ngoại lúc nào cũng có một hàng gối thêu, nhét đầy gòn chưng trong tủ kính, dành khi có khách đến nhà ngoại mang ra cho khách ngủ. Mấy chiếc gối trong nhà đầy ắp gòn, chạm vào đâu cũng thấy nhẹ như bông. Ngoại vẫn thường gửi cho mấy đứa cháu ở xa vài cái gối, từng đường kim mũi chỉ như gửi vào đó tình thương đong đầy của ngoại.
Hồi má tôi lấy chồng, bà ngoại cũng thêu cho cặp gối bông gòn mềm mại. Lúc má sinh tôi, ngoại lại may cho tôi một cái gối nhỏ nhắn để tôi nằm mà không bị nghiêng đầu. Cái gối đó má tôi còn giữ đến tận bây giờ.
Hàng gòn trước nhà cứ lặng lẽ cho trái. Và hình như, chẳng còn mấy ai lưu ánh nhìn của mình với hàng gòn khẳng khiu, gầy gộc trong mùa gió đông xào xạc. Ngoại tôi giờ đã già, mùa gòn trước ngoại chỉ phơi mấy trái gòn khô, thay vào mấy cái gối mà gòn đã cũ. Mắt ngoại đã không còn đủ sáng với vải vóc kim chỉ. Buổi chiều, ngoại bước ra sân, đưa tay lên hứng những đợt gòn bay trong gió. Dáng ngoại đã gầy đi vì năm tháng cuộc đời. Đời gòn lại quanh quẩn trước nhà, chẳng bao giờ thay đổi, chỉ có con người đã đầy vơi cùng với sự khắc nghiệt của thời gian.
Tôi hái gòn phơi trước sân trong niềm vui của ngoại. Ngồi trong nhà nhìn ra, ngoại như thấy lại đời mình trong bóng dáng của tôi. Những bông gòn mềm mại vẫn cứ đi qua những dâu bể của cuộc đời. Tôi ngồi may gối dưới hiên nhà lộng gió, từng làn gió đông thổi qua bờ lá mang theo vài sợi gòn bay vương lên tóc. Ngoại ngồi vuốt tóc cho tôi và thì thầm những chuyện ngày xưa. Mỗi mũi kim, đường chỉ của tôi đều được ngoại dạy từ tấm bé. Ngoại vẫn thường nói “Con gái mà không biết may vá, khi về nhà chồng bị “nói” chết. Sau này còn may quần áo cho chồng cho con!”.
Chiếc gối được nhét đầy bông gòn. Ngoại cầm chiếc gối trên tay mà giọng bùi ngùi “phải chỗ này thêu thêm đôi chim hay cành cây có tên ai đó thì hay biết mấy!”. Nghe lời của ngoại mà tôi cảm thấy buồn man mác. Giá như ngày đó tôi chịu học thêu từ ngoại, thì giờ đây chắc ngoại cũng bớt nhớ ngày xưa. Tôi nhìn ngoại cười “để mai mốt con lên mạng học cách thêu, rồi con thêu cho ngoại coi”. Ngoại chỉ cười “thêu dễ ợt”. Ngồi bên khung thêu nhỏ, ngoại chỉ tôi từng mối thêu. Mắt ngoại đã mờ đi, đường chỉ không còn sắc sảo như xưa, mà tôi cảm thấy mình học cả đời vẫn không thể nào hiểu hết.
Một mùa gòn nữa lại về. Những chiếc gối xinh xắn vẫn lặng lẽ đi vào trong giấc ngủ của tôi. Năm nay tôi may cho ngoại một cặp gối bông gòn mềm mại. Tin rằng, trong giấc mơ của ngoại sẽ có những ngày xưa xanh biếc. Nhặt trái gòn vừa rơi xuống, tôi nghe thời gian như dừng lại dưới chân mình.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202002/mua-gon-nam-cu-892688/