Mùa hè đáng nhớ

Minh họa: Hữu Phương

Minh họa: Hữu Phương

Tiếng trống ra chơi vang lên như đánh động lũ ve ẩn mình trong vòm phượng vĩ. Chúng đồng loạt kêu lên râm ran, ra rả. Nắng bỏng rát trên nền gạch không ngăn nổi những bước chân tinh nghịch của đám học trò. Khải rủ các bạn:

- Ê mấy đứa, đi rình xem ve sầu đổi xác không?

- Nhưng chúng tít trên cao làm sao mà thấy được?

- Tớ từng thấy rất nhiều xác ve sầu bám ở gốc cây đấy thôi.

- Đồ ngốc! Ve sầu chỉ đổi xác trong bóng đêm yên tĩnh.

- Ai nói với cậu như thế?

- Tớ từng xem trên báo, đêm người ta soi đèn đi bắt nhộng ve sầu.

- Người ta bắt nhộng ve sầu làm gì nhỉ?

- Thì để chế biến món ăn chứ còn làm gì nữa!

Cả đám ngửa cổ nhìn lên vòm phượng đỏ. Mùa hè đến rồi. Những bài học cuối cùng trong sách giáo khoa dần khép lại. Tụi nhỏ ríu rít hỏi nhau về kế hoạch mùa hè. Hiệp nói:

- Tớ sẽ đi biển chơi. Sẽ đi qua cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, ở Hải Phòng - thành phố hoa phượng đỏ ấy. Nơi ấy, ngày xưa, cha tớ từng làm việc nhiều năm.

- Còn tớ sẽ về quê ngoại đi hun dế, tìm tổ chim và ra đồng thả diều mỗi buổi chiều. Thích thật!

- Thích thế nào được bằng tớ. Tớ sẽ về quê nội, theo các chú luồn sâu vào trong rừng tìm ong mật, tìm măng. Thỉnh thoảng còn ra suối bắt cua. Suối ở quê nội tớ mát lắm, nếu may mắn còn tóm được những con cua đá mang về nấu canh với rau rừng.

Bộp! Bộp! Tiếng thước kẻ đập mạnh xuống bàn khiến cả lớp giật mình, ngồi khoanh tay ngay ngắn. Khi bài thơ “Gửi lời chào lớp 1” của tác giả Hữu Tưởng vang lên, Bích thấy trong lồng ngực trào dâng xúc động: “Chào bảng đen cửa sổ/ Chào chỗ ngồi thân quen/ Tất cả! Chào ở lại/ Đón các bạn nhỏ lên”. Mới ngày nào, Bích còn rụt rè trong ngôi trường mới. Vậy mà, một năm học cũng sắp kết thúc rồi. Bích nhìn thấy trên những cuốn vở mới tinh hôm nào từng nét chữ đã nở hoa dưới bàn tay lem mực. Trên đôi môi chúm chím của bạn bè, từng câu thơ như cũng biết tỏa hương. Mỗi ngày đến trường trở về nhà, Bích đều kể cho mẹ nghe biết bao câu chuyện. Bạn Nhật bị cả lớp gọi là Chí Phèo mẹ ạ, vừa phá phách lại còn hay ăn vạ. Bạn Hiệp thì lúc nào cũng thích trêu con. Hết giấu viết lại giấu vở, làm con phải đi tìm hết hơi. Hôm qua, con méc cô, thế là bạn ấy bị la một trận. Bạn Huyền ngày nào cũng đi trễ mẹ ạ. Bạn ấy sống cùng bà. Bà của bạn đã già, không thể đi xe được. Hình như, bạn ấy mồ côi cha mẹ. Bạn ấy ít nói, đọc còn phải đánh vần, tính toán cũng chậm. Nhưng bạn ấy bướng lắm mẹ ạ. Hôm qua, bạn ấy còn tự ý lấy cây bút chì hồng của con. Nhưng con đã không thưa cô giáo.

- Tại sao con không thưa cô giáo?

- Con sợ bạn bị cô mắng sẽ xấu hổ mẹ ạ. Bạn ấy đã trả lại bút nhưng nhất định không chịu nhận đã lấy của con. Bạn ấy cứ khăng khăng nhặt được dưới gầm bàn. Dù con nhớ trước lúc ra chơi, bút vẫn còn nằm yên trên bàn học.

Mẹ dịu dàng bảo Bích: “Biết đâu, khi các bạn chạy chơi va mạnh vào bàn khiến bút rơi xuống đất thì sao? Nếu không tận mắt nhìn thấy thì con không nên nói bạn lấy bút của mình”. Bích cúi đầu im lặng hồi lâu rồi ngước lên thì thầm hỏi mẹ: “Mẹ ơi, có phải đứa trẻ mồ côi nào cũng rất đáng thương phải không ạ?”.

Những câu chuyện về bạn bè, Bích thường kể mỗi ngày, lúc ngồi sau xe mẹ hay mỗi lúc đêm về. Phải cho đến tận lúc được mẹ xoa lưng giục ngủ, Bích mới thiếp đi, mang theo giấc mơ về mái trường và lớp học thân thương. Trong buổi học cuối cùng, cô giáo dặn: “Các em về nghỉ hè vui vẻ nhưng chớ quên sách, vở. Đừng để những phép toán bay sạch lên trời. Thỉnh thoảng phải ôn bài. Phải tập cho mình thói quen mỗi ngày đọc một vài trang sách. Nhà bạn nào gần nhau có thể ghép đôi cùng vui chơi và giúp nhau học tập”. Các bạn nhao nhao hỏi nhau nhà bạn ở chỗ nào? Tối nào cả nhà tớ cũng ra vườn hoa công viên chơi, các bạn có ra đó hay không? Tụi mình cùng hẹn nhau ở đó. Nhà tớ ở gần ngay gốc đa lịch sử. A! Nhà tớ cũng chỉ cách đó vài ba con hẻm. Có ai nhà ở gần thị đội không nhỉ? Tớ! Tớ! Vậy chúng mình ghép đôi để cùng nhau học bài nhé. Cả lớp đang rôm rả, xôn xao, nhốn nháo thì tiếng cô giáo lại vang lên:

- Lớp mình năm nay có bạn Huyền là trường hợp đặc biệt khi chưa thể đọc thông, viết thạo. Trường tạo điều kiện để bạn Huyền rèn luyện thêm trong 3 tháng hè. Nếu bạn có tiến bộ thì sẽ được lên lớp 2 cùng các bạn. Nếu không, buộc phải ở lại thêm một năm lớp 1. Cô giáo mong những bạn nào ở gần thì giúp đỡ bạn Huyền trong suốt mùa hè này để bạn không bị bỏ lại phía sau. Lớp mình có em nào gần nhà bạn Huyền không?

- Huyền ơi nhà bạn ở chỗ nào?

- Nhà tớ ở khu bãi tạm, mãi sau đường tàu ấy.

Cô giáo nhìn khắp lượt, không một cánh tay nào giơ lên. Bích nghĩ ngợi một lúc rồi reo lên:

- Thưa cô! Em biết chỗ đó ạ. Em có thể đạp xe tới đó.

- Em còn nhỏ, đường sá đông đúc. Em không được tự ý đạp xe một mình.

- Thưa cô, em có thể đạp đường nhỏ phía trong. Tối nào mẹ con em cũng đi tập thể dục gần khu đó ạ. Chúng em sẽ lập đội ôn bài.

- Thế thì tốt quá! Cô mong rằng có được sự giúp đỡ của các bạn, Huyền phải cố gắng nhiều hơn. Để qua mùa hè này, em sẽ đọc tốt hơn, tính toán cũng nhanh hơn. Cô chúc tất cả các con có một mùa hè vui vẻ, bổ ích, an toàn và đừng quên bài vở. Cả lớp mình nghe rõ không nào?

Tiếng “Vâng ạ” đồng thanh vang lên. Gập lại sách giáo khoa, những bài thơ ngủ yên trong từng trang vở. Bút thước thảnh thơi nghỉ ngơi trong cặp sách. Cánh cổng trường khép lại. Chỉ còn bác bảo vệ già chăm chỉ lia từng nhát chổi, vun lại xác hoa phượng khô trên nền gạch bỏng rát vì nắng hạ. Hồi trống tan trường hôm nay được cô hiệu trưởng đánh lâu hơn, hình như có chút gì lưu luyến. Bích vẫy tay chào các bạn trước khi ngồi sau xe mẹ chở trên con đường nắng lửa về nhà. Nghỉ hè thật vui vì có thể ngủ nướng mỗi ngày và không còn lo phải hoàn thành bài tập về nhà mỗi tối. Ấy thế mà chưa gì Bích đã cảm thấy nhớ bạn bè, trường, lớp. Tối đấy, cầm những món quà nhỏ mà bạn bè tặng trên tay, Bích nghĩ lại biết bao kỷ niệm.

Mùa hè, cha mẹ hỏi Bích có muốn về quê chơi không? Về quê, dĩ nhiên là Bích thích mê rồi. Năm ngoái, Bích ở quê suốt 3 tháng hè. Hết xuống đồng bắt cua lại theo bà chăn bò. Chẳng mấy chốc mà da Bích đã bắt nắng đen đúa, tóc khô, hai bắp chân đầy vết gai cào. Các anh chị ở quê có rất nhiều trò vui khiến Bích chẳng bao giờ buồn chán. Vui là thế nhưng giờ nghe cha mẹ nhắc chuyện về quê, Bích lại chần chừ. Lời dặn dò của cô vẫn còn vang trong đầu Bích.

- Con muốn về quê lắm. Nhưng con đã hứa với cô giáo sẽ đến nhà giúp bạn Huyền ôn bài. Bạn Huyền rất đáng thương. Con không muốn bạn ấy phải học lại một năm nữa đâu mẹ ạ.

- Mẹ ủng hộ. Nhưng con có chắc sẽ giúp bạn tiến bộ được không? Tuổi các con ham chơi, mẹ chỉ sợ gặp nhau vui quá lại quên học hành.

- Con đã hứa là con làm. Nhưng cũng còn phụ thuộc vào bạn Huyền chứ ạ. Bạn ấy mà lười học thì con cũng chịu.

Mẹ âu yếm nhìn Bích bảo:

- Mẹ tin con sẽ cùng bạn có một mùa hè đáng nhớ.

Ngước đôi mắt to tròn nhìn mẹ, Bích nhoẻn miệng cười. Từ hôm ấy, chiều nào cũng vậy, Bích thường được mẹ chở đến nhà Huyền. Cũng có hôm, Bích tự đạp xe nhưng đều có anh trai hoặc cha mẹ đi kèm bên cạnh. Nhà Huyền nằm tít sâu trong ngõ, đi qua hàng bạch đàn mát rượi. Hôm nào Bích tới cũng thấy bạn đang đứng chờ ngoài cổng. Trên tay bạn khi thì cầm chùm vải đầu mùa, khi thì chùm nhãn. Nhà bạn tuy đơn sơ nhưng vườn tược rộng rãi, cây trái xum xuê. Huyền thường rủ Bích ra gốc cây ngồi học. Chữ có khi lẫn đâu đó trong tiếng chim lảnh lót, tiếng lá khô xào xạc. Những phép toán có khi nhảy múa trong những tia nắng chiều mỏng manh xuyên qua tán lá. Không sao cả, Bích và Huyền sẽ vừa chơi, vừa học thật vui. Trên chiếc lá xoài non, Bích lấy bút dạ viết lên đó từng chữ cái. Trong khu vườn sẽ có một kho báu, mà muốn tìm được bắt buộc Huyền phải giải những bài toán mà Bích đưa ra. Có khi, 2 đứa nhỏ cùng nhau cầm cành cây viết trên nền đất một câu thơ. Có khi cả hai chơi trò viết thư cho kiến càng, sâu, bướm, chị ong nâu rồi cất giấu đâu đó trong tán lá. Có khi, tiếng đánh vần của Huyền vang khắp cả khu vườn làm lũ chim giật mình bay tán loạn.

Ở một góc nào đó, bà của Huyền vừa ngồi nhặt rau, đan chổi, vừa âu yếm nhìn tụi nhỏ. Trước giờ, bà hiếm khi nhìn thấy đứa cháu tội nghiệp của mình vui như thế. Cha mẹ mất vì tai nạn giao thông từ khi Huyền còn ẵm trên tay. Bà nuôi lớn Huyền bằng nước đường, sữa đặc và những lần khóc ngằn ngặt đi xin bú nhờ khắp xóm. Đứa cháu bé bỏng đâu chỉ thua thiệt bạn bè áo quần mà còn thiếu cả tình yêu thương của bậc sinh thành. Bao nhiêu lần đi học về, Huyền chạy ra sau vườn, gục đầu ngồi khóc vì tủi thân khi thấy bạn bè có cha mẹ đón đưa, yêu thương, chiều chuộng. Có đôi khi, Huyền tỏ ra bướng bỉnh, nghịch ngợm để che giấu những buồn tủi trong lòng. Huyền mặc cảm, tự ti nên ít bạn bè. Hàng ngày, cứ đi học về, Huyền lủi thủi chơi với chó, mèo ở góc vườn. Từ hồi Bích đến nhà, không chỉ Huyền có bạn mà đến cái cây trong vườn, con chó, con mèo cũng vui lây. Bà nhận ra đứa cháu nội của mình tươi vui, hoạt bát, chăm chỉ học hành hơn. Đến tận lúc khép mi, lim dim ngủ, Huyền vẫn mang niềm vui vào giấc mơ bé bỏng.

Thỉnh thoảng, cô giáo ghé qua nhà để giảng cho Huyền những bài khó. Niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt cô khi thấy học trò ngày càng tiến bộ. Những bài tập mà cô giao, Huyền đều hoàn thành. Bích tin rằng, Huyền sẽ vượt qua kỳ kiểm tra đặc biệt sau hè để có thể lên lớp 2 cùng các bạn. Chưa gì, Bích đã cảm thấy nhớ khu vườn nhà bạn. Nhớ tiếng chim lảnh lót và niềm vui khi tìm thấy những chùm quả cuối mùa ẩn nấp trong vòm lá. Nhớ những buổi chiều mát rượi, 2 đứa nằm nghe say mê bà kể chuyện cổ tích. Có thể sau này, Bích và Huyền sẽ có những mùa hè tràn ngập niềm vui nhưng đối với Bích, đây là một mùa hè đáng nhớ trong đời. Mùa hè chứa chan tình bạn./.

Vũ Thị Huyền Trang

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mua-he-dang-nho-a161254.html