Mùa hè, địa chính trị và các giàn khoan cùng 'tạo sóng' giá dầu
Thị trường dầu thế giới đã có một tuần giao dịch tích cực, khép lại bằng một phiên tăng giá hơn 2% vào ngày 11/7.

Giàn khoan dầu tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Tâm lý của nhà đầu tư bị chi phối bởi báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cùng những lo ngại về thuế quan của Mỹ và khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Kết thúc phiên 11/7, giá dầu thô Brent Biển Bắc tăng 1,72 USD (tương đương 2,5%) lên 70,36 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,88 USD (2,8%) lên 68,45 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent đã tăng 3% còn giá dầu WTI ghi nhận mức tăng khoảng 2,2%.
Thị trường dầu mỏ tuần qua đã chứng kiến một cuộc giằng co giữa một bên là các yếu tố hỗ trợ từ phía nguồn cung thắt chặt và nhu cầu mạnh mẽ, với một bên là áp lực từ những lo ngại về chính sách thương mại có thể làm suy yếu tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Phiên đầu tuần 7/7, giá dầu tăng gần 2% nhờ các dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ mạnh mẽ trong mùa hè đã lấn át tác động từ việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) có thể nâng sản lượng.
Đà tăng tiếp tục trong phiên 8/7, đưa giá dầu lên mức cao nhất kể từ ngày 23/6. Thị trường được hỗ trợ bởi dự báo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2025 sẽ thấp hơn dự báo trước đó. Cùng với đó, các cuộc tấn công mới vào tàu hàng trên Biển Đỏ và lo ngại về thuế quan của Mỹ đối với kim loại đồng cũng góp phần đẩy giá lên cao.
Trong phiên 9/7, giá dầu chỉ tăng nhẹ khi thị trường cân nhắc giữa các yếu tố trái chiều: báo cáo của EIA cho thấy dự trữ dầu thô bất ngờ tăng nhưng dự trữ xăng lại giảm mạnh - minh chứng về nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại Mỹ vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường đã đảo chiều trong phiên 10/7 khi giá dầu giảm hơn 2%. Nguyên nhân chính đến từ việc các nhà đầu tư lo ngại về tác động của các quyết định áp thuế quan mới của Tổng thống Trump đối với kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ.
Thị trường đã phục hồi mạnh mẽ trong phiên cuối tuần 11/7. Động lực chính đến từ báo cáo của IEA, trong đó cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu có thể đang "thắt chặt hơn so với vẻ ngoài", do nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu đạt đỉnh trong mùa hè để đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất điện.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao của công ty dịch vụ tài chính Price Futures Group nhận định thị trường đang bắt đầu nhận ra rằng nguồn cung eo hẹp. Dấu hiệu này càng được củng cố khi báo cáo từ công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho thấy số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ đã giảm tuần thứ 11 liên tiếp, một chuỗi giảm chưa từng thấy kể từ tháng 7/2020.
Trong một tín hiệu cho thấy nhu cầu dầu bùng nổ trong ngắn hạn, Saudi Arabia dự kiến vận chuyển khoảng 51 triệu thùng dầu thô sang Trung Quốc trong tháng 8 tới, đánh dấu lượng xuất khẩu lớn nhất từ quốc gia Vùng Vịnh sang Trung Quốc trong hơn 2 năm qua.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cảnh báo về những rủi ro dài hạn. Cả IEA và OPEC đều đã điều chỉnh dự báo của mình. IEA nâng dự báo tăng trưởng nguồn cung nhưng lại cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu cho năm nay.
Tương tự, OPEC đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong giai đoạn 2026 - 2029 do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng Commerzbank nhận định rằng OPEC có khả năng nhanh chóng tăng sản lượng, dẫn đến nguy cơ dư thừa nguồn cung đáng kể trong tương lai.
Trong tuần tới, sự chú ý của nhà đầu tư sẽ đổ dồn vào các yếu tố địa chính trị. Tổng thống Trump cho biết ông sẽ đưa ra một "tuyên bố quan trọng" về Nga vào ngày 14/7, làm dấy lên những đồn đoán về các biện pháp trừng phạt mới có thể ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng.
Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ đề xuất một mức giá trần thả nổi đối với dầu của Nga như một phần của gói trừng phạt mới. Diễn biến này sẽ là một yếu tố khó lường đối với thị trường.