Mùa hè-mùa đọc sách của tuổi thơ

Đã có những hoạt động bổ ích dành cho tuổi thơ trong mùa hè. Các em có thể tham gia học kỳ quân đội, được bố mẹ cho về quê hay cùng người thân đi du lịch... Dù đi đâu, làm gì thì có một việc rất cần thiết đối với tuổi thơ, đó là đọc sách.

Thực ra, đọc sách là việc thường xuyên đối với các em nhưng thời gian thuận lợi nhất có lẽ là mùa hè vì đây là kỳ nghỉ của học sinh. Tuy nhiên, không phải em nào cũng có hứng thú đọc sách và đọc sách gì, đọc như thế nào trong mùa hè chưa hẳn ai cũng biết rõ.

Trước hết, cần tạo ra hứng thú và thói quen đọc sách cho các em. So với nhiều nước thì số đầu sách mỗi người Việt Nam đọc trong một năm rất ít. Có lẽ, không ai khác, chính thế hệ trẻ, trong đó có thiếu nhi phải khắc phục tình trạng đáng buồn này. Một dân tộc có văn hóa chắc chắn phải là một dân tộc ham học, thích đọc sách. Thời kỹ trị, có vẻ như trẻ em thích các thiết bị công nghệ cao hơn là sách giấy. Những cuốn sách in đẹp của thời công nghệ hiện đại chưa chắc đã hấp dẫn các bé bằng những chiếc máy điện thoại thông minh... Làm cho các em tự nguyện rời xa những thiết bị nghe nhìn tân tiến đó và cầm lấy những cuốn sách hay để đọc là việc chẳng dễ dàng chút nào.

Việc đọc sách của thiếu nhi có lẽ phải bắt đầu từ người lớn. Người lớn cũng phải tạo cho mình thói quen đọc sách để từ đó truyền cảm hứng cho con cháu chúng ta. Người lớn phải hướng dẫn cho các em nên đọc sách gì và đọc như thế nào. Người lớn có thể cùng với con em mình bàn luận, trao đổi về nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm nào đó phù hợp với tuổi thơ. Đọc sách cùng tuổi thơ là một việc nên làm của xã hội, trước hết nên thực hiện trong mỗi gia đình. Ông bà cùng đọc với cháu chắt. Bố mẹ đọc với các con. Anh chị đọc với các em. Tạo ra nền nếp đọc sách khi có thời gian rỗi. Đọc trong giờ nghỉ, đọc trên tàu hỏa, tàu thủy, xe ô tô, máy bay. Đọc ở bến xe, ga tàu, ga hàng không... Trong mỗi chuyến đi xa nên mang theo mấy cuốn sách mình yêu thích để đọc. Sách như là người bạn đồng hành của mỗi người trong đó có các em thiếu nhi vậy. Bây giờ, đó đây đã có những người tự lập ra những thư viện dành cho các đối tượng trong đó có thiếu nhi đến mượn và đọc sách miễn phí. Ngoài những thư viện cá nhân này, nếu các xã, phường thành lập được những câu lạc bộ đọc sách cùng con thì sẽ rất có ích cho xã hội. Phong trào đọc sách chắc chắn sẽ được nhân rộng và phát triển từ đây.

Hiện thời, các em có nhiều lựa chọn sách để đọc. Sách giấy truyền thống, sách điện tử... đều có thể đọc tốt. Sách có nhiều loại, văn học, lịch sử, khoa học... Chỉ tính riêng sách văn học cũng có mấy thể loại như tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn, thơ... Có tác phẩm đã trở thành kinh điển, thân quen với nhiều thế hệ nhưng cũng có cuốn sách mới tinh. Có tác giả nổi tiếng và rất nổi tiếng nhưng cũng có tác giả mới xuất hiện. Vậy chọn sách nào phù hợp với lứa tuổi cũng là điều đáng quan tâm. Các bậc lớn tuổi giới thiệu với các em những sách hay mình đã đọc, đã yêu thích. Có thể kể đến các cuốn Không gia đình của Hetor Malot; Totto-Chan: Cô bé bên cửa sổ của Tetsuko Kuroyanagi; Alice ở xứ sở kỳ diệu của Lewis Carrol; Những cuộc phiêu lưu của Pinocchio của Carlo Collodi; Chú sâu háu ăn của Eric Carle; Cây táo yêu thương của Shel Silverstein; Hoàng tử bé của Antoine de Saint Exupery; Phù thủy xứ Oz của L.Frak Baum...Việt Nam ta cũng có nhiều tác phẩm hay giới thiệu cho các em đọc, như: Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài; Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi; Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán; Tuổi thơ im lặng của Duy Khán; Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương; Côi cút giữa cảnh đơìcủa Ma Văn Kháng; Chú bé có tài mở khóa của Nguyễn Quang Thân; Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của Nguyễn Nhật Ánh; Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần; Góc sân khoảng trời của Trần Đăng Khoa...Nhà xuất bản Kim Đồng có tủ sách Viết cho những điều bé nhỏ, quy tụ nhiều tác giả già và trẻ, cũ và mới, tôi nghĩ rất phù hợp với tuổi thơ.

Tuy nhiên, các em vẫn là người tự chọn cho mình những cuốn sách hay để đọc. Thông qua giới thiệu của phụ huynh, thầy cô giáo và đặc biệt là bạn bè. Các nhà xuất bản, nhà sách nên quảng bá trên mạng xã hội những sách hay cho các em tìm đọc. Tôi thấy việc này nhiều nhà xuất bản tích cực làm và có hiệu quả, tiêu biểu như Nhà xuất bản Kim Đồng, Nhà xuất bản Trẻ, Nhà xuất bản Văn học... Nên mở các cuộc thi kể chuyện theo sách, bình sách hay dành cho tuổi thơ. Và điều này nữa, nên có những cuộc giao lưu, trò chuyện giữa các nhà văn với các em. Tôi tin, cảm hứng đọc sách và viết sách sẽ được khởi nguyên từ đây; các tác giả sẽ chắp cánh cho ước mơ tuổi thơ bay lên. Làm tốt những điều trên, chắc chắn mùa hè sẽ trở thành mùa đọc sách của tuổi thơ./.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/mua-he-mua-doc-sach-cua-tuoi-tho-581621