Mùa hè Trung Quốc nóng chưa từng thấy
Với thời gian kéo dài 73 ngày và còn tiếp tục tăng, đợt nắng nóng năm nay tại Trung Quốc đã vượt qua kỷ lục trước đó là 62 ngày vào năm 2013.
Đợt nắng nóng kỷ lục đang đẩy Trung Quốc vào tình cảnh khó khăn. Các dòng sông khô cạn, cây cối héo tàn, mùa màng thất thu, cháy rừng xuất hiện ngày càng nhiều.
Hệ thống vận chuyển đường thủy đã phải ngừng hoạt động trong một thời gian dài. Lưu lượng nước không đủ cho các nhà máy thủy điện hoạt động.
Thậm chí, các thành phố lớn của Trung Quốc phải giảm cường độ sáng của đèn đường để tiết kiệm điện. Nước rút đã để lộ ra những cây cầu cổ và nhiều bức tượng Phật giáo, theo Washington Post.
Hình ảnh nổi bật nhất chính là hồ Bà Dương, tọa lạc tại tỉnh Giang Tây. Là hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc, nhưng nắng nóng khiến hồ Bà Dương thu hẹp hơn hai phần ba diện tích, để lộ ra những bãi bùn xung quanh.
Tình trạng đáng báo động
Truyền thông Trung Quốc gọi những gì còn lại của hồ Bà Dương là “cây Trái Đất” với những nhánh nước giống như cành cây. Sự xuất hiện của nó là một lời cảnh báo cho một tương lai ảm đạm với tình trạng thời tiết khắc nghiệt gia tăng.
“Đợt nắng nóng này vượt qua bất cứ điều gì từng thấy trước đây trên toàn thế giới”, nhà sử học khí hậu Maximiliano Herrera viết trên Twitter.
Nhiều đám cháy rừng đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc trong tuần qua. Những vụ cháy đặc biệt dữ dội xảy ra ở gần Trùng Khánh, thành phố nằm dọc sông Trường Giang.
Theo số liệu do cơ quan khí hậu ghi nhận, nhiệt độ thấp nhất tại Trùng Khánh trong tháng 8 là 35 độ C, thiết lập mốc kỷ lục mới. Nhiệt độ cao nhất của thành phố chạm mốc 43,7 độ C.
Tình trạng thiếu điện xảy ra ở những khu vực phụ thuộc vào một mạng lưới các đập và hồ chứa thủy điện. Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc đang tranh luận về cách thức và tốc độ chuyển đổi từ nhiệt điện than sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Hệ thống thủy điện chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung năng lượng của Trung Quốc. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nguồn cung từ thủy điện đang chững lại, đẩy chính phủ vào tình trạng cấp bách khi phải đảm bảo sản xuất đủ điện để đáp ứng mức tiêu thụ ngày càng tăng.
Đây sẽ là một lợi thế của các công ty điện than, vốn chiếm khoảng 60% sản lượng điện toàn quốc.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình từng cam kết rằng nước này sẽ đạt mức phát thải carbon cao nhất vào năm 2030 và đạt mức trung hòa vào năm 2060. Việc triển khai năng lượng gió và mặt trời cũng được thúc đẩy ồ ạt.
Dù vậy, chính phủ Trung Quốc đồng thời khẳng định rằng than đá sẽ vẫn là trụ cột sản xuất năng lượng quốc gia trong thời gian tới.
Tình trạng thiếu điện tạo cơ hội lớn cho những gã khổng lồ về nhiên liệu hóa thạch đảm bảo vị trí của mình trong cấu trúc năng lượng quốc gia.
“Sau cuộc khủng hoảng này, các doanh nghiệp than sẽ nói rằng đây là lý do tại sao Trung Quốc cần nhiều mỏ than hơn và nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn”, Philip Andrews-Speed, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, cho biết.
Đau đầu tìm giải pháp dài hạn
Sau khi sản lượng thủy điện của Tứ Xuyên giảm hơn một nửa, 67 nhà máy nhiệt điện than ở tỉnh này đã đẩy mạnh công suất để tạo ra càng nhiều điện càng tốt. Tờ Global Times cho biết đây là một phần trong phản ứng khẩn cấp của Trung Quốc nhằm đối mặt với tình trạng thiếu điện.
Rất lâu trước khi trở thành nhà sản xuất, lắp đặt năng lượng mặt trời và năng lượng gió hàng đầu, Trung Quốc đã ưu tiên mở rộng sản xuất thủy điện. Những siêu dự án như đập Tam Hiệp và hàng trăm nhà máy phát điện nhỏ hơn được xây dựng trên khắp các con sông của Trung Quốc.
Điều này có nghĩa các vùng tây nam Trung Quốc phụ thuộc tới 80% điện năng vào thủy điện. Phần dư thừa sẽ được chuyển đến các tỉnh phía đông.
Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đã đổ xô đến các tỉnh như Tứ Xuyên để tận dụng lợi thế của nguồn năng lượng rẻ và dồi dào từ thủy điện.
Tình trạng thủy điện giảm sản lượng trong những năm tới sẽ khiến khu vực phía tây nam Trung Quốc giảm phụ thuộc vào nguồn năng lượng không carbon này. Hạn hán thường xuyên khiến thủy điện trở thành một “canh bạc” dễ thua.
“Sự phụ thuộc lớn của Tứ Xuyên vào thủy điện có nghĩa các nguồn năng lượng khác khó có thể bù đắp vào sự thiết hụt nguồn cung khi cần thiết”, Lin Boqiang, trưởng khoa tại Viện Nghiên cứu Chính sách Năng lượng Trung Quốc thuộc Đại học Hạ Môn, cho biết.
“Nếu tần suất thời tiết khắc nghiệt tăng lên do biến đổi khí hậu, chính phủ phải chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó để đa dạng hóa cơ cấu năng lượng và cải thiện lưới điện”, ông nói.
Mối lo ngại về độ tin cậy của thủy điện là một sự đảo ngược mạnh mẽ so với tình hình đầu mùa hè. Vào thời điểm đó, mưa xối xả lấp đầy các con đập của Trung Quốc và nâng cao sản lượng thủy điện.
Khó thoát khỏi than đá và dầu mỏ
Sự hỗn loạn trên thị trường năng lượng toàn cầu do xung đột Nga - Ukraine gây ra đã làm tăng thêm những lo ngại lâu nay của Trung Quốc về an ninh năng lượng.
Sau khi tình trạng thiếu điện xảy ra vào cuối năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã phản ứng bằng cách yêu cầu các mỏ than đá tăng sản lượng. Khi phần còn lại của thế giới hạn chế mua dầu mỏ và than đá của Nga, Trung Quốc đã nhập khẩu số lượng kỷ lục cả hai.
Việc Bắc Kinh tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động biến đổi khí hậu.
Nước phát thải nhà kính lớn nhất thế giới đang thất bại trong việc chuyển đổi nhằm đáp ứng hy vọng giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu chỉ tăng lên 2 độ C so với mức tiền công nghiệp.
Một phần của vấn đề là việc sử dụng năng lượng bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn chưa bằng một nửa so với nhiều quốc gia phát triển. Tổng mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của Trung Quốc khó có thể đạt đỉnh trong ít nhất một thập kỷ nữa.
Cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây đã thu hút nhiều sự chú ý đến tác động của biến đổi khí hậu ở Trung Quốc. Mặc dù đã nhận ra phải làm chậm sự nóng lên toàn cầu, Bắc Kinh vẫn hạn chế các cuộc thảo luận về vấn đề này cho đến một vài năm trước.
Điều đó đang thay đổi. Biến đổi khí hậu dần đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự của Trung Quốc. Chính quyền nước này mong muốn trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về vấn đề khí hậu.
Những cảnh tượng kinh hoàng về lũ quét tại tỉnh Hà Nam khiến 300 người thiệt mạng vào năm ngoái cũng giúp nâng cao nhận thức của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Nhiều nghiên cứu phát hiện các đợt nắng nóng đang gia tăng về cường độ và thời gian ở Trung Quốc là do biến đổi khí hậu gây ra. Tình trạng này được quan sát thấy ở cả thành thị và nông thôn.
Các đợt nắng nóng bắt đầu sớm hơn và kết thúc muộn hơn.
Chen Lijuan, nhà dự báo trưởng của Trung Tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, nhận định rằng các đợt nắng nóng tương tự sẽ diễn ra thường xuyên.
“Nó sẽ trở thành một trạng thái bình thường mới”, ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-he-trung-quoc-nong-chua-tung-thay-post1348891.html