Mùa hè và nỗi lo đuối nước
Mới đầu hè nhưng hàng loạt các vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên cả nước trong đó có Tuyên Quang khiến nhiều người vô cùng xót xa.
Đau lòng hơn là nạn nhân bị đuối nước hầu hết là các em học sinh mang trong mình biết bao ước mơ dang dở… Sự ra đi của các em không chỉ là nỗi đau khôn xiết của người thân mà còn khiến bao trái tim thổn thức. Với những người thân, là sự dằn vặt, ân hận muộn màng: Giá như?. Với xã hội là nỗi đau nhức nhối, dai dẳng và kéo theo đó là những lo lắng chưa bao giờ vơi đối với những gia đình có trẻ nhỏ.
Chứng kiến hình ảnh những người thân, rồi cả cộng đồng dựng lán trại ngay cạnh bãi biển, bờ sông… từ hối hả, lo lắng đến những giây phút bần thần, mòn mỏi tìm kiếm những đứa trẻ bị nước cuốn, chúng ta đều thấy nhói lòng. Một cảm giác có lẽ các bậc phụ huynh đều cảm nhận rõ ràng nỗi đau tột cùng của những người mẹ đã dứt từng khúc ruột mang nặng đẻ đau, chăm sóc nuôi dưỡng, hi vọng… Nhưng trong giây phút bất cẩn không may mắn, những đứa trẻ kia xấu số đã mai mãi ra đi, để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho người ở lại. Vì đâu nên nỗi?
Hàng loạt các biện pháp phòng chống tai nạn đuối nước đã được thực hiện đồng loạt dưới nhiều hình thức như: Giáo dục trong nhà trường, sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt hè… Nhiều gia đình đã đầu tư cho con em học bơi để có kỹ năng phòng, chống đuối nước. Các lớp dạy bơi cho học sinh năm nào cũng được tổ chức trong dịp hè ở khắp các địa phương trong tỉnh thu hút đông đảo trẻ em các lứa tuổi tham gia. Và lực lượng cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp hàng năm vẫn tổ chức diễn tập đều đặn. Vậy nhưng, tai nạn đuối nước vẫn xảy ra? Nguyên nhân do đâu?
Trước hết phải khẳng định, đầu tiên đến từ sự chủ quan, thiếu kỹ năng của trẻ nhỏ. Trời nắng nóng nhiều học sinh đã tự ý rủ nhau trốn gia đình ra sông, suối, ao hồ, biển… để tắm. Theo cảm quan của các em, nơi đó nước cạn, không sâu nên chưa hình dung được những nguy hiểm tiềm ẩn như hiện tượng sụt lún cát, sóng ngầm, đá ngầm trơn... Một số em ít nhiều chủ quan nghĩ mình đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi nên vô tình rơi vào bẫy tử thần.
Bên cạnh đó là những dòng cảnh báo bị lãng quên. Ở nhiều bãi soi, sông hồ, những tấm biển cảnh báo nguy hiểm hay cấm tắm, cấm vui chơi vẫn còn vắng bóng hoặc nếu có cũng thưa thớt hoặc ở xa, khó quan sát. Ngay cả những nơi được phép tắm, được tổ chức du lịch, nghỉ dưỡng trên sông, hồ hay đảo… thì yếu tố an toàn vẫn chưa được đặt đúng vị trí cần có. Dù áo phao, phao cứu sinh đã được trang bị, nhưng nhiều người vẫn khoác lên một cách chống đối – mặc mà không cài, mang theo mà không dùng – như thể tai nạn chỉ xảy ra với ai đó, không phải mình. Để rồi khi tai nạn đuối nước xảy ra, tất cả vỡ òa trong hoảng loạn. Những tiếng kêu cứu chìm dần giữa mặt nước phẳng lặng. Và trong khoảnh khắc sinh – tử ấy, lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp lại vắng mặt, hoặc nếu có, họ cũng không kịp chiến thắng thời gian để giành lại sự sống cho một người đang dần khuất dưới làn nước lạnh.
Trước những mất mát không thể đong đếm ấy, phòng chống đuối nước không thể chỉ dừng lại ở lời cảnh báo. Đó phải là một chiến lược dài hơi, là trách nhiệm của toàn xã hội. Giáo dục kỹ năng sinh tồn, kỹ năng bơi lội, kỹ năng ứng phó tình huống nguy hiểm cần trở thành một phần bắt buộc trong trường học. Những lớp học bơi miễn phí cho trẻ em, nhất là ở vùng sâu vùng xa, không chỉ giúp các em biết bơi – mà còn giúp các em biết sống.
Cần lắp đặt đầy đủ biển báo, rào chắn và cảnh báo tại những khu vực nguy hiểm. Ở các bãi tắm công cộng, không thể thiếu lực lượng giám sát và thiết bị cứu sinh. Các đội cứu hộ phải được đào tạo bài bản, có mặt kịp thời trong mọi tình huống khẩn cấp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ – như lắp camera giám sát, tích hợp cảm biến báo động đuối nước vào áo phao hoặc thiết bị đeo tay – cũng cần được quan tâm đầu tư nghiêm túc.
Gia đình, nhà trường và cả cộng đồng không thể đứng ngoài cuộc. Cha mẹ cần sát sao hơn với con em mình, không để trẻ một mình ra sông, ra hồ, nơi tiềm ẩn nguy hiểm rình rập. Trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn phải là nơi dạy trẻ kỹ năng để tự bảo vệ mình. Và cộng đồng – những người hàng xóm, những người đi đường – đôi khi chỉ một ánh mắt quan sát, một lời nhắc nhở đúng lúc, cũng có thể cứu một mạng người.
Mỗi bản tin đuối nước không chỉ là một con số, một vụ việc, mà là một sinh mệnh – một giấc mơ dở dang, một tiếng cười trẻ thơ vĩnh viễn im bặt. Trong lớp học có học sinh bị nạn, sẽ mãi hiện diện một chiếc ghế trống, một khoảng lặng không thể lấp đầy. Đó là nỗi đau. Nhưng cũng là hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc cho tất cả chúng ta – để không còn ai phải đánh đổi mạng sống chỉ vì thiếu đi một kỹ năng, một chiếc áo phao được cài đúng cách, hay một ánh nhìn quan tâm kịp lúc.
“Nhất thủy, nhì hỏa” – lời dạy của ông cha chưa bao giờ mất đi giá trị. Nước – tưởng chừng hiền hòa – lại có thể tước đoạt sinh mạng trong tích tắc. Vì vậy, hơn lúc nào hết, các biện pháp phòng chống đuối nước cần được triển khai chuyên nghiệp, bài bản và đồng bộ, đi cùng với sự thức tỉnh ý thức của mỗi người và sự chung tay giám sát của cả cộng đồng. Để không còn những đứa trẻ ra đi mãi mãi khi chỉ vừa bắt đầu tuổi đời.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/mua-he-va-noi-lo-duoi-nuoc-211416.html