4 trường hợp không nên dùng xà lách
Xà lách là một loại rau ăn lá phổ biến trong ẩm thực Việt Nam và thế giới, đặc biệt thường được dùng trong các món salad, gỏi, bánh mì hoặc ăn kèm với các món nướng. Tuy nhiên, trường hợp nào không nên dùng?
Xà lách có tên khoa học là Lactuca sativa, thuộc họ Cúc Asteraceae, là một loại rau thân thảo, mọc thành bụi thấp, lá mềm, màu xanh nhạt đến xanh đậm, một số loại có mép xoăn hoặc có màu tím nhạt. Cây sinh trưởng tốt ở vùng đất mùn và đất cát, ưa khí hậu mát lạnh.
Tại Việt Nam, xà lách được trồng nhiều ở những vùng có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt… Có khoảng 6 loại xà lách dựa trên cấu tạo ngọn và cấu trúc lá. Loại lá càng đắng thì càng giàu dưỡng chất như chất chống oxy hóa.
Thành phần dinh dưỡng của xà lách
Xà lách là một loại rau giàu dinh dưỡng, trong 100g xà lách chứa:
Carbohydrate: 2,87g
Chất đạm: 1,36g
Tổng số chất béo: 0,15g
Chất xơ: 1,3g
Nước: 94.98g
Ngoài ra, giá trị dinh dưỡng của xà lách xuất phát từ nguồn vitamin đa dạng. Loại rau này là nguồn cung cấp folate, niacin, axit pantothenic, pyridoxine, riboflavin, thiamin, vitamin A, C, E, K. Bên cạnh đó, xà lách cũng chứa một số khoáng chất như natri, kali, canxi, đồng, sắt…

Rau xà lách được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Việt Nam và thế giới.
Xà lách có tác dụng gì?
Rau xà lách mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
Kháng viêm, giúp kiểm soát tình trạng viêm nhiễm.
Giảm mức cholesterol LDL, hỗ trợ phòng ngừa bệnh lý tim mạch.
Tăng cường sức khỏe xương nhờ hàm lượng vitamin K dồi dào, hỗ trợ hoạt động của tế bào tạo xương.
Bảo vệ mắt, hạn chế nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng nhờ nguồn vitamin A và zeaxanthin phong phú.
Chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp loại bỏ gốc tự do, tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ ung thư phổi, ung thư vòm họng.
Cung cấp khoáng chất thiết yếu, giúp điều hòa nhịp tim, huyết áp, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và sản xuất hồng cầu.
Giàu chất xơ, hỗ trợ giảm cân, kiểm soát đường huyết, mỡ máu, đồng thời cải thiện tiêu hóa, giúp ngăn ngừa táo bón và tiêu chảy.
Lưu ý
Đã có một số ghi nhận trường hợp rau xà lách bị nhiễm khuẩn E.coli, có thể đến từ nguồn nước hoặc đất trồng bị ô nhiễm. Rau xà lách thường được ăn sống, do đó cần thiết phải rửa rau thật kỹ dưới vòi nước chảy để trứng giun, vi khuẩn, đất cát trôi hết; sau đó ngâm 10 phút trong nước để loại bỏ vi khuẩn và dư lượng thuốc trừ sâu.
Trường hợp cần hạn chế hoặc tránh sử dụng rau xà lách
Người đang dùng thuốc chống đông máu: Xà lách chứa nhiều vitamin K, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc chống đông máu, dẫn đến nguy cơ hình thành cục máu đông.
Phụ nữ mang thai: Xà lách sống có thể chứa vi khuẩn và ký sinh trùng gây hại, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.
Người bị đau dạ dày: Hàm lượng chất xơ cao trong xà lách có thể kích thích niêm mạc dạ dày, gây khó chịu và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Người có hệ tiêu hóa yếu: Xà lách thường được ăn sống, nếu không được rửa sạch kỹ có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc nhiễm khuẩn.
Mời bạn xem tiếp video:
Những loại rau nào thải độc, giúp gan khỏe mạnh? | SKĐS
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/4-truong-hop-khong-nen-dung-xa-lach-169250504141759943.htm