Mùa Hè ý nghĩa ở quê hương

Trở về quê hương tham dự chương trình Trại Hè Việt Nam 2025, 110 kiều bào trẻ đến từ 31 quốc gia và vùng lãnh thổ mang theo niềm vinh dự, tự hào và cả tinh thần phấn khởi của đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Chương trình Trại Hè Việt Nam kết nối tình thân giữa các bạn trẻ. (Ảnh: Thành Long)

Chương trình Trại Hè Việt Nam kết nối tình thân giữa các bạn trẻ. (Ảnh: Thành Long)

Không còn cảm giác bỡ ngỡ như lúc đăng ký tham dự Trại Hè, em Đặng Minh Tâm, 17 tuổi đã cảm nhận một Việt Nam chân thực, sống động hơn qua từng bước chân của hành trình xuyên Việt.

Chia sẻ với TG&VN, Tâm tự tin giao tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ và bộc bạch những cảm nhận chân tình dành cho quê hương. Dù sống giữa nền văn hóa phương Tây, dòng chảy văn hóa truyền thống vẫn thấm đẫm trong suy nghĩ của cô gái sinh ra và lớn lên ở Ba Lan.

Gieo mầm những hạt giống văn hóa

“Những ngày đầu tham gia chương trình, em còn khá rụt rè, cảm thấy rất e ngại. Tuy nhiên, khi được gặp gỡ các bạn cùng lứa tuổi đến từ nhiều nước, em dần mở lòng và cảm thấy gần gũi hơn. Mọi khoảng cách nhanh chóng xóa tan nhờ sự chia sẻ và kết nối đầy tình thân”, Tâm hồ hởi chia sẻ.

Tâm được học tại Trường tiếng Việt Lạc Long Quân ở Ba Lan nên có lợi thế trong các hoạt động giao lưu và trải nghiệm như Trại Hè Việt Nam. Không chỉ học ở trường, em thường xuyên tự trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ qua mạng Internet và tìm hiểu văn hóa quê hương qua những bộ phim lịch sử, những bản nhạc Việt Nam.

Theo Tâm, dù sinh ra ở nước ngoài, em luôn cảm nhận Việt Nam là một phần không thể thiếu trong con người mình. Vì thế, chuyến đi lần này với em như một phần thưởng quý giá để giao lưu, kết nối, tìm hiểu sâu về đất nước.

Trong chuỗi hành trình Trại Hè Việt Nam năm nay có hai địa điểm mà cô gái chờ đón nhất là phố cổ Hội An và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, những di sản văn hóa và thiên nhiên nổi bật của Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở trải nghiệm cá nhân, Tâm hy vọng sau chuyến đi em sẽ xây dựng được mạng lưới bạn bè kiều bào trẻ ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo Tâm, bản sắc Việt đã tạo nên sự khác biệt của mình khi sinh sống ở xứ người. Em sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động cộng đồng người Việt ở Ba Lan, kết nối nhiều hơn với quê hương đất nước và bạn bè để lan tỏa giá trị văn hóa Việt hơn nữa.

Có thể nói, Trại Hè Việt Nam không chỉ là hành trình về nguồn mà là dịp để những hạt giống văn hóa được gieo lại trong tâm hồn những kiều bào trẻ.

Đó là lý do khiến anh Phó Bá Hồng Phong, kiều bào Mỹ quyết định đưa con trai Hồng Đức về Việt Nam dịp này với mong muốn con được học hỏi, hiểu biết thêm về Việt Nam và học tiếng Việt giỏi hơn. Anh cũng như nhiều phụ huynh khác đều kỳ vọng khi được tận mắt chứng kiến sự phát triển của Việt Nam hiện nay, con sẽ vun đắp tình cảm gắn bó, ý thức trách nhiệm với cộng đồng người Việt và quê hương trong tương lai.

Nguyễn Hoàng Phương Mai, đại biểu kiều bào tiêu biểu ở Singapore cho biết: “Em thường cùng bố mẹ tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt vào những dịp lễ như Tết Nguyên đán, Tết Trung thu... Khi đăng ký Trại Hè, em mong có nhiều trải nghiệm thú vị ở quê hương, đặc biệt là ở Đắk Lắk và Đà Nẵng. Đối với em, việc giữ gìn văn hóa truyền thống là điều rất quan trọng. Sau hành trình này, em tiếp tục kết nối với quê hương thông qua các hoạt động ở Singapore và những dịp được về Việt Nam”.

Phần lớn đại biểu Trại Hè Việt Nam đều là những học sinh, sinh viên có thành tích tốt trong học tập, thể thao và đóng góp tích cực cho cộng đồng ở nước sở tại. Có thể kể đến em Nguyễn Bật Tùng Dương luôn trong top đầu các cuộc thi đấu Taekwondo khắp Slovakia, Hungary, Czech, Croatia; em Nguyễn Xuân Bách – vận động viên Karate đoạt giải Vô địch cá nhân và đồng đội tại Hungary; em Nguyen Nora Ngoc Khanh giành được nhiều thành tích tại các cuộc thi toán học và cầu lông ở Hungary.

Tại Canada, Hồ Ngọc My nổi bật với các hoạt động hỗ trợ sinh viên năm nhất Đại học Laurier, từ tổ chức sự kiện kết nối đến quảng bá các nguồn lực học tập, góp phần giúp sinh viên mới nhanh chóng hòa nhập và đạt thành tích tốt.

Cô cũng là tình nguyện viên tại Bệnh viện đa khoa Queen Elizabeth ở thành phố Charlottetown, hỗ trợ y tá và tương tác với người cao tuổi tại viện dưỡng lão. Bên cạnh đó, cô tham gia câu lạc bộ Key-Club của Trường THPT Colonel Gray, tích cực trong hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng.

Đây là những tấm gương tiêu biểu, truyền cảm hứng, tinh thần cống hiến và kinh nghiệm quý giá cho các bạn trẻ trên hành trình Trại Hè.

Đoàn đại biểu kiều bào tham quan Địa đạo Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, ngày 14/7. (Ảnh: Thành Long)

Đoàn đại biểu kiều bào tham quan Địa đạo Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, ngày 14/7. (Ảnh: Thành Long)

Cùng viết tiếp câu chuyện hòa bình

Diễn ra từ ngày 13-26/7, Trại Hè Việt Nam 2025 tổ chức tại cả ba miền với những hoạt động nổi bật như thăm địa đạo Củ Chi, Đài tưởng niệm Quảng Trị, làm thiện nguyện tại Tây Nguyên, tìm hiểu văn hóa cồng chiêng…

Những ngày khởi đầu chương trình tại Bến Nhà Rồng, đoàn kiều bào trẻ đã dâng hương, dâng hoa, dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những công lao và đức hy sinh quên mình vì dân, vì nước của Người.

Em Hạ Vũ Lê Duyên, đang học tập và sinh sống tại Frankfurt (Đức) chia sẻ: “Em đã xem chương trình kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trên truyền hình và rất xúc động khi thấy một người thân xuất hiện trên khán đài. Khoảnh khắc đó khiến em càng thêm tự hào và thôi thúc em đăng ký tham gia Trại hè Việt Nam 2025”.

Em Lê Minh Khôi, 16 tuổi về từ Vương quốc Anh không giấu được nỗi xúc động khi xem những thước phim tư liệu sống động về chiến tranh khi tham quan địa đạo Củ Chi và Dinh Độc Lập.

Qua hành trình tìm hiểu tại những địa danh lịch sử này, Khôi và các kiều bào trẻ được ôn lại những dấu mốc lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thấm thía hơn giá trị của hòa bình và trách nhiệm giữ gìn truyền thống.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Trung Kiên, nét mới của chương trình 2025 là các đại biểu được khám phá mảnh đất Tây Nguyên với nhiều nét độc đáo về văn hóa, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm nay cũng là lần đầu tiên đoàn đại biểu Trại Hè Việt Nam giao lưu với các cán bộ, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng.

Đặc biệt, với chủ đề “Cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình”, các hoạt động còn nêu bật thông điệp nhân văn sâu sắc, khẳng định thế hệ trẻ là người kế thừa và viết tiếp hành trình đáng tự hào của cha ông. Khi những người trẻ hiểu được lịch sử dân tộc, trân trọng hiện tại, họ càng có trách nhiệm hơn trong việc lan tỏa hình ảnh Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện và hội nhập.

Do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức thường niên từ năm 2003, Trại Hè Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng thế hệ trẻ kiều bào. Mỗi năm trên những hành trình mới, mỗi trại sinh mang theo câu chuyện riêng, nhưng đều hướng trái tim về cội nguồn.

Trại Hè năm nay ghi một dấu ấn đặc biệt hơn nữa khi gắn liền những sự kiện lịch sử mang tính chất bước ngoặt và trọng đại của đất nước như kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm Quốc khánh Việt Nam, công cuộc sáp nhập tỉnh thành và tinh gọn bộ máy nhà nước... Trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công tác đại đoàn kết dân tộc, chương trình tiếp tục giữ vai trò là chiếc cầu nối ấm áp và bền vững giúp thế hệ trẻ kiều bào thêm hiểu, yêu và tự hào về quê hương xứ sở của mình.

Bởi vậy, thông điệp “cùng nhau viết tiếp câu chuyện hòa bình” cũng truyền tải tinh thần nuôi dưỡng niềm tin, đại đoàn kết toàn dân tộc cả trong và ngoài nước. Khi kiều bào trẻ hiểu rằng mình là một phần không thể tách rời của dòng chảy dân tộc, thì dù sống ở đâu đều có thể góp phần vào việc làm cho câu chuyện Việt Nam thêm giàu bản sắc, thêm tỏa sáng giữa cộng đồng quốc tế.

AN BÌNH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mua-he-y-nghia-o-que-huong-321458-321458.html